Từng nằm trong số những nước ủng hộ vaccine AstraZeneca nhiệt tình nhất, Mỹ giờ đây lại ngập ngừng sau một loạt vấn đề về tính minh bạch.

Tháng 5/2020, chính quyền tổng thống Donald Trump khởi động Chiến dịch Thần tốc nhằm xác định các hãng sản xuất vaccine Covid-19 mà Mỹ nên tài trợ và đặt hàng, rất lâu trước khi có bất kỳ kết quả thử nghiệm nào.

Tại thời điểm đó, vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford là ứng viên hàng đầu, bởi nhóm nghiên cứu từng làm việc về vaccine MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông). Thêm vào đó, vaccine AstraZeneca dựa trên công nghệ vector virus adeno, đã được kiểm nghiệm nhiều hơn so với các vaccine tạo ra nhờ công nghệ mRNA.

Vì vậy, Mỹ tỏ ra lạc quan về vaccine của AstraZeneca và đã đặt hàng trước 300 triệu liều, với tổng giá trị 1,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với số lượng đặt hàng ban đầu tại hai hãng dược phẩm Mỹ Moderna và Pfizer, với mỗi công ty là 100 triệu liều.

Tuy nhiên, dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào tháng 9/2020, khi AstraZeneca tạm dừng thử nghiệm vaccine trên quy mô toàn cầu, do phát hiện một tình nguyện viên người Anh tham gia thử nghiệm gặp phải biến chứng thần kinh. Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy không có mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca và triệu chứng trên.

1712 5

Các lọ vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Brest, phía tây Pháp, hôm 12/3. Ảnh: AFP.

Việc tạm dừng thử nghiệm như vậy không hiếm gặp. Hãng Johnson & Johnson hồi tháng 10/2020 cũng phải ra quyết định tương tự, sau khi có tình nguyện viên mắc bệnh. Tuy nhiên, trong khi Anh nhanh chóng nối lại thử nghiệm vaccine AstraZeneca, Mỹ chờ tới 7 tuần để tái khởi động quá trình này bởi phải đợi kết quả điều tra riêng từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

Khác với châu Âu, vấn đề của vaccine AstraZeneca đối với các cơ quan y tế Mỹ không xuất phát từ lo ngại tình trạng đông máu, mà là mối nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong kết quả thử nghiệm.

Tháng 11/2020, AstraZeneca thông báo những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn, tuyên bố vaccine Covid-19 của họ đạt hiệu quả từ 62 đến 90%, tùy thuộc vào liều lượng, và mức trung bình là 70%. Tuy nhiên, giới khoa học tỏ ra băn khoăn về sự khác biệt lớn giữa các con số, khi hiệu quả 90%, mức cao nhất, lại đạt được ở nhóm tình nguyện viên tiêm mũi đầu tiên với liều lượng thấp hơn.

AstraZeneca cũng tổng hợp kết quả từ các mô hình thử nghiệm khác nhau tại Anh và Brazil, nhưng bị đánh giá không cập nhật thường xuyên. Công ty tiếp tục đối mặt với sự hoài nghi khi bị phát hiện sự khác biệt về liều lượng tiêm thử nghiệm, dẫn đến các kết quả khác nhau, lại xảy ra do sự cố thay vì có chủ đích, điều mà công ty đã không đề cập.

Trong một cuộc gọi với các phóng viên Mỹ, Moncef Slaoui, cố vấn trưởng của Chiến dịch Thần tốc, tiết lộ trong nhóm tình nguyện viên thể hiện tỷ lệ hiệu quả 90% với vaccine AstraZeneca, không người nào trên 55 tuổi.

Hôm 22/3, AstraZeneca công bố kết quả mới nhất từ một thử nghiệm tiến hành tại Mỹ, Peru và Chile, mang lại hiệu quả tốt hơn mong đợi. Tuy nhiên, không khí lạc quan không kéo dài lâu, khi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) bày tỏ lo ngại kết quả tại nước này dựa trên những thông tin đã "lỗi thời".

Các chuyên gia độc lập giám sát thử nghiệm trước đó đã gửi thư cho AstraZeneca để bày tỏ ý kiến rằng công ty nên báo cáo mức độ hiệu quả 69-75% thay vì 79%, bởi họ đã bỏ qua dữ liệu gần đây nhất. Theo các chuyên gia, dữ liệu của AstraZeneca quá cũ và "cung cấp cái nhìn không đầy đủ về tác dụng của vaccine".

"Chúng tôi kêu gọi công ty làm việc với Ban Giám sát Dữ liệu và An toàn (DSMB) để xem xét độ hiệu quả, đảm bảo phân tích chính xác, mang tính cập nhật và công khai nhanh nhất có thể", thông báo của NIAID có đoạn.

"Thật khó hiểu lý lẽ nào có thể biện minh cho việc công bố những kết quả cao hơn, trong khi bạn có các con số thấp hơn và mang tính cập nhật hơn", Holly Fernandez Lynch, trợ lý giáo sư về y đức tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nêu ý kiến, đồng thời đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của Washington.

Tuy nhiên, Fernandez Lynch nhấn mạnh tranh cãi về vaccine AstraZeneca không liên quan đến thực tế rằng vaccine đang chứng minh hiệu quả tốt tại các quốc gia đã cấp phép sử dụng, nói thêm rằng lợi ích của vaccine vượt trội so với những nguy cơ về an toàn.

Mỹ đã phê duyệt ba loại vaccine Covid-19 của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Chính phủ nước này cho biết đã đặt mua đủ số lượng vaccine cần thiết để tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối tháng 5.

AstraZeneca cho biết công ty dự định nộp đơn xin cấp phép sử dụng vaccine tại Mỹ "trong những tuần tới". "Cái gật đầu" từ FDA, cơ quan quản lý uy tín hàng đầu, được cho là sẽ giúp xoa dịu đáng kể mối nghi ngờ trên toàn cầu đối với vaccine Covid-19 của họ.

Tuy nhiên, Fernandez Lynch nhận định những tranh cãi xung quanh vaccine AstraZeneca sẽ là "chủ đề thảo luận lớn tại bất kỳ cuộc họp nào của ủy ban cố vấn FDA", sau khi công ty nộp đơn xin cấp phép vaccine.

Ánh Ngọc (Theo AFP)

Anh: Lệnh cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca sẽ khiến uy tín EU tổn hại Anh: Lệnh cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca sẽ khiến uy tín EU tổn hại
Nghiên cứu giả thuyết mới về vaccine AstraZeneca và đông máu Nghiên cứu giả thuyết mới về vaccine AstraZeneca và đông máu
Châu Âu khẳng định vaccine AstraZeneca Châu Âu khẳng định vaccine AstraZeneca "an toàn và hiệu quả"

/ vnexpress.net