Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về một số vấn đề liên quan đến dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Thế nhưng qua điều tra, tìm hiểu, Lao Động thấy rằng phía sau dự án này này còn nhiều khuất tất…

Trạm Thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: A.C

“Tráng men” mặt đường - thu phí khủng

Kết luận của Thanh tra chính phủ chỉ rõ: “Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm lại mặt đường cũ (vốn đầu tư chỉ là 30% của toàn dự án) nhưng giá thu phí tương đương với giá thu đường cao tốc 6 làn xe xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500đồng/km) là “bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách và cũng chưa được cấp thẩm quyền xác định vào danh mục dự án cấp bách.

Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ GTVT xác định tính cấp bách của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư là thiếu cơ sở, “việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27.11.2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực sự rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện bình đẳng”. Về quản lý chi phí đầu tư, theo Thanh tra Chính phủ, việc thiết kế dự án đã tính toán kết quả modul đàn hồi mặt đường cũ (Eo) làm cơ sở thiết kế các lớp áo đường trong thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp… việc tính toán thiết kế như vậy là cao hơn tiêu chuẩn quy định, là tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Bí ẩn về nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Như đã thông tin, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ triển khai năm 2014 theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỉ đồng, chiều dài 29km và được chia làm hai giai đoạn. Theo thông tin từ Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) thì giai đoạn 1: Cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25,0m có tổng vốn lên tới 1.700 tỉ. Giai đoạn 2: Xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới; bề rộng nền đường 33,5m…

Chủ đầu tư dự án này là Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với 3 cổ đông chính là Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát (vốn góp 535,05 tỉ đồng) chiến 65%. TCty Công trình Giao thông 1 (Cienco1) (vốn góp 148,17 tỉ đồng), chiếm 18%, Cty Phương Thành (góp 139,53 tỉ đồng) chiếm 17%.

Trong 3 cổ đông này có Cienco1 và Phương Thành đã từng tham gia một số công trình giao thông, còn lại đối tác góp vốn lớn nhất là Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát lại là một công ty có phần… bí ẩn.

Qua tìm hiểu của Lao Động, Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát có địa chỉ ở số 181 Trần Hưng Đạo, phường Tiền An, TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh, thông tin doanh nghiệp người đại diện pháp luật là Nguyễn Ngọc Tư, ngày hoạt động từ 1.4.2008. Một số thông tin khác cho thấy: Đầu năm 2014, Minh Phát thực hiện tăng vốn điều lệ từ 369 tỉ đồng lên 568 tỉ đồng, trong đó ông Đỗ Ngọc Minh trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội góp 312,4 tỉ đồng, tương đương 55%; ông Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (cùng trú tại 19 Thái Phiên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) góp lần lượt 39% và 6% vốn (bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cũng đồng thời là Tổng Giám đốc của MPC, nơi Minh Phát góp 65% vốn). Tuy nhiên ngay sau đó, cơ cấu cổ đông đã được thay đổi, khi ông Nguyễn Văn Quân trú tại Mỹ Đình, Hà Nội bất ngờ nắm giữ 23% vốn cổ phần của Minh Phát, tỉ lệ sở hữu của ông Đỗ Minh Đức giảm về 0%.

Với việc góp vốn tới 65% cổ phần tại Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Minh Phát là “ông chủ lớn” của dự án này và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú đương nhiên thành chủ sở hữu Công ty này.

Cty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát (chiếm 65% tổng vốn) có năng lực thế nào vẫn là một dấu hỏi và ngoài “xuất phát điểm” là Bắc Ninh thì câu hỏi là tại sao một doanh nghiệp “mới toanh” lại “bỗng nhiên” trở thành ông chủ một dự án giao thông trọng điểm? Ai đã ký quyết định chỉ định thầu với một công ty rất thiếu thông tin và mới thành lập?

Một chi tiết nữa theo điều tra của Lao Động thì Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lại có trụ sở chính đặt ở Minh Tâm building - toà nhà văn phòng hiện đại bậc nhất thuộc Tập đoàn Minh Tâm - toạ lạc tại số 137C đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. Cũng xin nói thêm, chủ của Tập đoàn Minh Tâm là doanh nhân Đỗ Thị Huyền Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Minh Tâm.

Vậy Cty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát quan hệ thế nào với Công ty Phương Thành, Tập đoàn Minh Tâm, cần làm rõ.

Chưa quyết toán, thoải mái thu tiền

Theo thông tin từ Cổng Thông tin Bộ Giao thông Vận tải, trong liên danh MPC - chủ đầu tư dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng số vốn góp của cả ba doanh nghiệp trong MPC là 823 tỉ đồng, trong khi dự án có tổng mức đầu tư 6.731,7 tỉ đồng (gồm cả lãi vay). Như vậy, vốn góp của các chủ đầu tư chỉ chiếm 12,23% tổng vốn dự án, còn lại là vốn vay ngân hàng lên đến 5.908 tỉ đồng, chiếm tới 87,77% tổng vốn cho dự án - một tỉ lệ đi vay quá lớn, và được vay trên cơ sở thế chấp chính quyền thu phí từ dự án. Đáng chú ý, cho đến nay chưa có xác minh cụ thể về nguồn gốc vốn góp của các cổ đông trong MPC khi thực hiện dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ. Nhưng nếu ngay cả tiền góp vốn này cũng đi vay, hay chỉ “chảy” vào tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp trong vài ngày, trước khi chuyển sang tài khoản khác, thì có thể nói gần như các “nhà đầu tư” đã “tay không bắt giặc” để giành lấy dự án.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ doanh thu thực tế của trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 1.4.2016-25.3.2017 (giai đoạn tăng trưởng ổn định) là 685 tỉ đồng, bình quân đạt 1,9 tỉ đồng/ngày. Như vậy sau 3 năm kể từ khi thu phí vào năm 2015 thì khả năng giai đoạn 1 của dự án đã hoàn vốn và trong khi giai đoạn 1 chưa triển khai thì cần dừng ngay việc thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ nếu nhà đầu tư hoàn vốn và có lãi. Tránh trường hợp trạm Tào Xuyên lố tới vài năm sau khi nhà đầu tư đã thu cả vốn lẫn lời… Đáng chú ý hồi đầu 2017, có thông tin sau khi mâu thuẫn với hai cổ đông còn lại, Cienco1 dự tính thoái 18% vốn sở hữu tại Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho Phương Thành biến MPC trở thành doanh nghiệp tư nhân thuần túy.

Vấn đề là tại sao MPC lại được “bật đèn xanh” thu phí khủng (tương đương cao tốc) trong khi BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ gần như chủ yếu thực hiện các hạng mục thảm lại mặt đường, sơn kẻ vạch đường, làm lại hàng rào lan can và đặt biển báo... chứ không phải công trình xây mới hoàn toàn…

Rõ ràng, một Cty tư nhân như Minh Phát đang “thu vốn khủng” trong bức xúc dư luận thì cần một cuộc thanh tra khác để làm rõ những khuất tất bên trong một dự án 6.700 tỉ nhưng các chủ đầu tư chỉ có tổng vốn trên 800 tỉ đồng…

/ Linh Anh/laodong.com.vn