Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, khi bỏ Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện thì Bộ Quốc phòng phải sửa 128 loại văn bản, trong đó có 11 luật, 38 nghị định của Chính phủ.

Thông tin trên được Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra khi phát biểu khai mạc Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, sáng 26/3.

Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất; quy định những nguyên tắc cơ bản, định hướng các thể chế chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cũng như việc tổ chức bộ máy Nhà nước.

"Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự phát triển trong tương lai của đất nước. Cho nên theo quy trình phải lấy ý kiến của toàn dân và chúng ta cũng là một phần trong đó", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng.

Khái quát nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt đầy đủ những chủ trương, định hướng mới của Đảng, Nhà nước, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị cho ý kiến về việc nội dung dự thảo Nghị quyết đã phù hợp chưa, cần điều chỉnh nội dung gì...

"Dự kiến từ ngày 1/7, Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 sẽ có hiệu lực thi hành, chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) đi vào hoạt động. Vừa rồi Quân đội cũng điều chỉnh về Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, đặc biệt không còn Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và dồn lực lượng Biên phòng vào Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Cho nên hàng loạt vấn đề đặt ra mà chúng ta phải làm", Đại tướng Phan Văn Giang nói.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, các cơ quan, đơn vị cần tập trung cho ý kiến vào các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo đồng bộ, hợp hiến, nhất là hoàn thiện pháp luật về quân sự, quốc phòng.

"Để phù hợp khi không còn Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện thì Bộ Quốc phòng phải sửa 128 loại văn bản. Trong đó sửa đổi, bổ sung 11 luật, 38 nghị định của Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng và 73 thông tư của Bộ trưởng Quốc phòng. Khối lượng rất đồ sộ nên các cơ quan phải làm ngày làm đêm. Tôi yêu cầu các văn bản phải xong trong tháng 5 để đầu tháng 6 chúng ta có thể triển khai", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng thông tin, đầu tháng 6 sẽ có việc tổ chức biên chế mới cho Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh để có thể tập huấn, để "quân sự có thể làm nhiệm vụ biên phòng và ngược lại biên phòng cũng làm được nhiệm vụ quân sự".

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sắp xếp tổ chức quân sự địa phương "tinh, gọn, mạnh" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết thêm, tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

"Chúng ta sẽ tập hợp 5 tổ chức chính trị - xã hội và các hội về trực thuộc Mặt trận. Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... sẽ thuộc Mặt trận Tổ quốc. Các đồng chí Chủ tịch các hội này sẽ là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", Bộ trưởng nói thêm.

Theo báo cáo tại hội nghị, toàn quân đã tổ chức 4.686 hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết; 415.846 ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết; trong đó, có 6.779 ý kiến của cơ quan, đơn vị và 409.067 ý kiến của cá nhân.

Các ý kiến đều thống nhất cao với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trong dự thảo Nghị quyết; bám sát phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 theo chủ trương của Đảng; thống nhất cao về quy trình, cách thức soạn thảo; bố cục, kỹ thuật trình bày của dự thảo Nghị quyết; các điều khoản được kết cấu chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu.

https://vtcnews.vn/sua-128-van-ban-khi-bo-ban-chi-huy-quan-su-cap-huyen-ar945183.html

Anh Văn / VTC News