Nhiều ý kiến cho rằng khi bỏ sổ hộ khẩu, các cơ quan quản lý cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp bởi nhiều lĩnh vực đang gắn liền với sổ hộ khẩu
Theo lộ trình của Bộ Công an, cuối năm nay sẽ thu thập thông tin, nhập liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến cuối năm 2019 sẽ cấp số định danh cá nhân. Trong đó, 12 số trên thẻ căn cước công dân đồng thời là số định danh cá nhân. Trẻ ra đời sẽ được cấp số định danh cá nhân gắn với công dân đó suốt đời. Bộ Công an sẽ triển khai hạ tầng phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Sẽ bảo mật thông tin
Về việc triển khai xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cho biết thông tin của công dân được thu thập từ nhiều nguồn. Đối với công dân chưa có thông tin hoặc thông tin chưa đầy đủ thì sẽ được thu thập từ công dân. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức đăng ký cư trú tại công an các xã/phường/thị trấn sẽ dần dần cập nhật đầy đủ thông tin mỗi công dân. Các bộ, ngành phải sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kết nối với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả. Theo Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ đầu năm 2020, toàn bộ các địa phương phải cấp căn cước công dân thay thế chứng minh nhân dân (CMND).
Theo Nghị quyết 112 vừa ban hành, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, cùng với bỏ sổ hộ khẩu, CMND, các thủ tục liên quan xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình 2 loại giấy tờ này. Về công tác quản lý dân cư khi bỏ hộ khẩu, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, rà soát trình cơ quan có thẩm quyền các phương án quản lý phù hợp nhất để thực hiện đồng bộ trên tinh thần đơn giản hóa các thủ tục.
Trước một số lo ngại về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin khi đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia vào khai thác, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng sẽ có cơ chế để bảo mật thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, cơ quan đứng ra quản lý các dữ liệu đó có trách nhiệm bảo mật cho công dân, nếu để lộ sẽ có chế tài xử lý.
Người dân phải trình sổ hộ khẩu khi đi thực hiện nhiều thủ tục hành chính hiện nay Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều hệ lụy được xóa bỏ
Nói về lộ trình bỏ hộ khẩu, CMND, luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu không còn phát huy được tác dụng và khiến người dân cảm thấy phiền hà, bị hạn chế quyền công dân khi đi đâu, làm gì, đăng ký thủ tục nào cũng cần sổ hộ khẩu. Rất nhiều người chỉ vì không có hoặc chưa có sổ hộ khẩu mà bỏ lỡ cơ hội sinh sống, học tập, lao động… kéo theo rất nhiều hệ lụy khác.
"Tuy nhiên, khi bãi bỏ một hình thức đã tồn tại từ nhiều năm qua và thay thế bằng một hình thức mới sẽ gây xáo trộn, phiền toái cho người dân trong thời gian đầu bởi sẽ có nhiều quy định chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với hình thức quản lý dân cư mới. Khi bỏ sổ hộ khẩu để quản lý bằng mã số định danh cá nhân thì có nhiều văn bản quy phạm pháp luật phải thay thế, sửa đổi, bổ sung, như Luật Cư trú; pháp luật liên quan đến hộ tịch, đăng ký kết hôn; các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai…" - ông Thanh nói. Ông cũng đặt câu hỏi nếu bỏ hộ khẩu, CMND thì những giấy tờ liên quan như giấy đăng ký kết hôn, đăng ký kinh doanh, các loại giấy tờ nhà đất... sẽ được bổ sung thông tin thế nào, việc chia đất đai, tài sản sau khi ly hôn hoặc thừa kế sẽ ra sao? Do vậy, các cơ quan quản lý cần tiên lượng những vấn đề phát sinh để sửa đổi, bổ sung luật và hướng dẫn thực hiện hợp lý.
Về vấn đề này, thượng tá Trần Hồng Phú nhấn mạnh hiện tại người dân chưa phải làm bất cứ thủ tục gì để thay đổi các hồ sơ trước đây bởi công tác quản lý cư trú, cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ, giấy tờ về sổ hộ khẩu và CMND vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời gian này, công dân vẫn có thể làm các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú bình thường.
Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, cho hay bộ này đã xây dựng đề án đơn giản hóa các loại giấy tờ cho công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn 2013-2020. Cụ thể, những loại giấy tờ đơn giản hóa là giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, các giấy tờ liên quan đến cư trú. Sau khi có dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất cắt giảm các loại giấy tờ để tạo thuận lợi cho công dân và công tác quản lý. Trên cơ sở đơn giản hóa các loại giấy tờ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đã có.
Người dân ủng hộ Việc bỏ CMND, sổ hộ khẩu đã làm nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì bớt các thủ tục hành chính, đỡ bị "hành". Gửi Báo Người Lao Động, bạn đọc nguoidan cảm thán: "Tui đăng ký tạm trú bị "hành" đúng 1 năm trời. Kỳ này khỏe rồi nha". Bạn đọc LeTuVan nhận xét: "Bỏ hộ khẩu, bỏ tạm trú là đúng, vì quá hành dân. Muốn cho người dân tạm trú, người cho thuê phải kê khai 2-3 loại giấy tờ đi kèm hộ khẩu, CMND xong rồi phải làm sổ tạm trú, hằng tháng ra đồn công an gặp cảnh sát khu vực ký sổ, vô lý hết sức...". Bạn HươngChanh phân tích: "Nếu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 112 này của Chính phủ thì dân đỡ được rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phiền hà bấy lâu nay và đương nhiên các cơ quan liên quan đến những công việc đó có cơ sở giảm rất lớn số biên chế. Tất nhiên, sẽ vấp không ít trở ngại vì quyền lợi của một số người bị đụng chạm và tính bảo thủ của họ". |
Không bỏ quản lý dân cư Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 6-11, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn vẫn phải quản lý dân cư bằng các hình thức đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng. Dù không giữ sổ hộ khẩu nhưng người dân vẫn phải thực hiện các thủ tục về quản lý liên quan đến quy trình này. Theo đó, cơ quan công an sẽ có các cách thức mới nhưng nguyên tắc cơ bản là giấy tờ, thủ tục sẽ đơn giản hóa tối đa và không có nghĩa là bỏ quản lý dân cư. |
Bỏ sổ hộ khẩu: Nhẹ cả người Tin Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc bỏ qui định về hộ khẩu và CMND là một tin vui. |
Bỏ sổ hộ khẩu, có bỏ được tệ cửa quyền, nhũng nhiễu? Bỏ sổ hộ khẩu, để thay việc quản lý con người bằng mã số định danh là bước đi tất yếu trong quá trình đổi ... |
http://nld.com.vn/ban-doc/sua-luat-de-bo-so-ho-khau-20171106212123675.htm