Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên tồn tại nhiều nghi kỵ, khiến Bắc Kinh khó có thể gây ảnh hưởng nhiều với Bình Nhưỡng. 

suc anh huong han che cua trung quoc voi trieu tien
Cầu Hữu Nghị bắc qua sông Áp Lục ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, kết nối Trung Quốc với Triều Tiên. Ảnh: AP.

Trong chuyến công du châu Á vào tháng 11, giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên, theo AP.

Thoạt nhìn, đây dường như là giải pháp hoàn hảo để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, vì hai quốc gia Đông Bắc Á này có chung đường biên giới dài, từng "đồng cam cộng khổ" trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Sau chiến tranh, Trung Quốc trở thành đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên cả về chính trị lẫn kinh tế. Nguồn cung dầu và các hoạt động thương mại của Triều Tiên phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mối quan hệ này trên thực tế rất phức tạp. Tuy là đồng minh, giữa hai nước vẫn tồn tại những nghi kị lẫn nhau, đặc biệt là từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền và tăng tốc đáng kể chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này.

Trong quá trình trỗi dậy để trở thành một quốc gia hùng mạnh về ngoại giao, quân sự và kinh tế, Trung Quốc rất muốn giành lấy ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Thế nhưng, tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng đang cản trở đáng kể tham vọng này của Bắc Kinh, cây bút Foster Klugnhận xét.

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, du lịch của Trung Quốc và khiến Mỹ can dự sâu hơn vào châu Á, điều Trung Quốc không mong muốn. Rung chấn từ các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên lan đến vùng biên giới Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ rò rỉ và ô nhiễm phóng xạ.

Trung Quốc cũng bực bội vì các hành động của Bình Nhưỡng đã khiến Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của nước này, hệ thống mà Bắc Kinh cho rằng có thể dùng để do thám các hoạt động bên trong Trung Quốc.

Sự bực bội càng được thể hiện trong việc Trung Quốc cho phép đăng các ý kiến chỉ trích Triều Tiên trên truyền thông và ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bắc Kinh cũng đã ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa dùng biện pháp gắt gao để kiềm chế Triều Tiên, vì lo sợ việc gây áp lực quá nhiều có thể dẫn đến sự sụp đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng. Kịch bản thảm họa đối với Bắc Kinh là chiến tranh nổ ra, người tị nạn Triều Tiên sẽ ồ ạt tràn qua biên giới vào Trung Quốc.

"Sự thật là Trung Quốc không ưa gì Triều Tiên", Van Jackson, chuyên gia về Triều Tiên và là giảng viên ở Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nói. "Song Trung Quốc sẽ không để cảm xúc chèo lái chính sách của nước này đối với Triều Tiên".

Tầm ảnh hưởng hạn chế

Trung Quốc cho rằng nước này có ít sức ảnh hưởng đối với Triều Tiên hơn mọi người nghĩ. Triều Tiên phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc về nguồn cung dầu, vì vậy, nhiều người cho rằng cách hiệu quả nhất để làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên và buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ là thuyết phục Bắc Kinh cắt dòng chảy dầu sang Triều Tiên.

Tuy nhiên, động thái này cũng có thể không có tác dụng. Theo Pierre Noel, chuyên gia an ninh năng lượng ở Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London, Triều Tiên tiếp nhận dầu từ Trung Quốc vì sự thuận tiện chứ không phải vì cần thiết.

"Liệu có phải là tin tốt cho Triều Tiên nếu nguồn cung dầu từ Trung Quốc bị dừng không? Đương nhiên là không. Nhưng liệu động thái này có khả năng làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên và buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi đường lối về ưu tiên chiến lược quan trọng nhất không? Không. Triều Tiên sở hữu dồi nguồn nhiên liệu dồi dào, đủ để thay thế dầu nhập khẩu từ Trung Quốc", Noel nói.

suc anh huong han che cua trung quoc voi trieu tien
Một binh sĩ Triều Tiên đứng canh gác những thùng dầu ở thị trấn Sinuiju, tỉnh Bắc Pyongan, Triều Tiên, nằm đối diện với thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Nghi kỵ

Một điều đáng chú ý trong quan hệ Trung - Triều là kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 12/2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa một lần đến thăm đồng minh lớn duy nhất, nước chiếm 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Cố lãnh đạo Kim Jong-il, bố của ông Kim Jong-un, tuy không thích ra nước ngoài nhưng đã đến Trung Quốc 8 lần trong thời gian cầm quyền và các lãnh đạo Trung Quốc cũng có các chuyến viếng thăm đáp lễ đến Bình Nhưỡng.

Vì kênh liên lạc ở cấp cao nhất giữa hai nước giờ đây gần như đã biến mất, ông Kim Jong-un chẳng mấy lưu tâm khi Bắc Kinh kêu gọi ông ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Triều Tiên dường như còn khiến Bắc Kinh "mất mặt" bằng cách tiến hành các vụ thử tên lửa vào đúng thời điểm các hội nghị cấp cao toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc.

Tháng trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên cáo buộc báo chí Trung Quốc "núp dưới nách Mỹ" khi chỉ trích Bình Nhưỡng. Hồi tháng 5, hãng tin KCNA đăng bài viết nói rằng Triều Tiên "không bao giờ cầu xin duy trì tình bạn với Trung Quốc nếu điều đó gây ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân, điều Bình Nhưỡng coi quý giá như chính mạng sống của mình, dù tình bạn đó có giá trị đến mức nào đi nữa".

Klug cho rằng mối quan hệ Trung - Triều chưa bao giờ thực sự phục hồi kể từ khi Bắc Kinh quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Seoul vào năm 1992 bất chấp sự phản đối từ phía Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, phần lớn cảm giác nghi kỵ sâu sắc của Bình Nhưỡng và "nỗ lực dài hạn để chống lại sự chi phối" của Trung Quốc xuất phát từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, theo James Person, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên ở Trung tâm Wilson, Washington.

Person cho rằng cuộc chiến này thường được nhìn nhận như nền tảng cho mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, nhưng trên thực tế, Triều Tiên lại đổ lỗi thất bại cho Trung Quốc.

Vào thập niên 1970, khi Triều Tiên thúc đẩy Mỹ ký kết hiệp định hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến nhằm chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh, Washington đã chọn cách đàm phán thông qua Trung Quốc.

Person cho rằng bằng cách làm như vậy, Mỹ đã không nhìn thấy được các hạn chế về sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Triều Tiên. Kết quả là hiệp định hòa bình chưa bao giờ được ký kết trên bán đảo Triều Tiên.

"Gần 4 thập kỷ sau đó, Washington vẫn duy trì chính sách sai lầm trong việc đối phó với Bình Nhưỡng khi yêu cầu Bắc Kinh can thiệp để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Đây là một công thức khiến thất bại tiếp diễn", Person kết luận.

Quan trọng hơn, nếu Trung Quốc không phải là giải pháp cho khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, những nước từ lâu ủng hộ quan điểm này phải điều chỉnh lại các nỗ lực khi Triều Tiên sắp tiến gần đến việc sở hữu tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn đến Mỹ, năng lực mà ông Mike Pompeo, giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tuần trước cảnh báo rằng Triều Tiên có thể đạt được trong vài tháng nữa.

"Triều Tiên luôn khiến Trung Quốc bực mình, còn Triều Tiên luôn cảm thấy bị Trung Quốc phản bội. Nhưng trên các phương diện cơ bản, cả hai bên vẫn cần nhau", John Delury, chuyên gia nghiên cứu mối quan hệ Trung-Triều ở Đại học Yonsei ở Seoul, nói.

suc anh huong han che cua trung quoc voi trieu tien Hàn Quốc thề không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là nước hạt nhân
suc anh huong han che cua trung quoc voi trieu tien Rộ tin 200 người Triều Tiên chết do sập đường hầm tại bãi thử hạt nhân
suc anh huong han che cua trung quoc voi trieu tien Hàn Quốc tố tin tặc Triều Tiên đánh cắp thiết kế tàu chiến
suc anh huong han che cua trung quoc voi trieu tien Quốc hội Mỹ nêu 7 lựa chọn quân sự với Triều Tiên

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/suc-anh-huong-han-che-cua-trung-quoc-voi-trieu-tien-3660437.html

/ vnexpress.net