Sống trong môi trường văn hóa lúc nào cũng ca tụng, quảng bá thành công cùng danh vọng, đồng thời xem đó như là một công thức mẫu mực, được đặt lên trên tất cả mọi giá trị đạo đức và tình người, chúng ta sẽ dễ bị ‘đầu độc’ bởi những ý tưởng phải vươn lên để vượt trội hơn người, bằng bất cứ giá nào, dù phải hy sinh bản thân.
Bởi thông thường trong đời sống ai cũng đều thích mình có tiếng tăm danh vọng, vì càng có danh vọng thì sẽ có nhiều cơ hội để làm giàu, thoải mái tiêu xài. Chúng ta cật lực làm việc chỉ để mong mỏi có ngày được bước lên đài danh vọng. Lúc đó, mình sẽ thật hạnh phúc và thỏa lòng. Tất nhiên, không có gì sai trái nếu như mình biết đem tiếng tăm của mình để cứu giúp và phụng sự nhân sinh. Tuy nhiên, số người thành công và nổi tiếng thì ít mà người không thành công và ít tiếng tăm thì rất nhiều, vì thành công trong sự nghiệp và có tiếng tăm đòi hỏi nhiều công phu và giúp đỡ của bao nhiêu người, bao nhiêu hoàn cảnh, tình thế thuận lợi v.v…
Nhưng đôi khi chúng ta quên rằng người có tiếng tăm không tự mình họ có thể làm được mà phải cần đến những người khác giúp đỡ, những người đằng sau ‘hậu trường’. Như chúng ta xem một màn cải lương, nhạc, kịch sân khấu…, chúng ta chỉ thấy người đào và kép hát, hay những ca sĩ xuất hiện trước công chúng mà quên rằng để cho buổi diễn được thành công vượt bực, có biết bao nhiêu người như là đạo diễn, người viết kịch bản, nhạc công, người dàn dựng sân khấu, âm thanh ánh sáng v.v…, đã đóng góp không biết bao nhiêu công sức của họ. Người gặt hái những thành công này là những người xuất hiện trước quần chúng. Riêng những người đàng sau hậu trường thì ít ai biết đến.
Bạn “không có tiếng nhưng có miếng” vì sự thành công của một ai đó, một chương trình, một công ty, một xã hội hoặc một quốc gia đều có phần đóng góp của bạn, và của những người khác, cũng không có tiếng tăm như bạn. Như một chương trình trình diễn trên sân khấu thành công, dù không nêu ra, chúng ta ai cũng hiểu là có sự đóng góp của các thành viên sau cánh gà. Không ai biết họ là ai cả, nhưng thiếu họ sẽ khó thành công!
Trong đời sống thực cũng vậy, mình chỉ nhìn thấy người này thành công, người nọ nổi tiếng. Nhưng mấy ai hiểu cho rằng thành công hay nổi tiếng của người kia là có một phần đóng góp, giúp đỡ của những người đứng đằng sau phụ tá. Đương nhiên, nếu chúng ta hài lòng với cái vai phụ mà mình đang làm, và sẵn sàng nhường những tiếng tăm cho người vai chính, thì không có chuyện gì để nói nữa! Đằng này, đa số chúng ta không tự lượng sức mình. Lúc nào cũng muốn mình lên vai chính để được mọi người biết đến nên đã không quản ngại, bỏ công xây đắp, để một ngày nào đó, mình sẽ được chọn vào vai chính. Câu hỏi đặt ra là: Liệu mình có diễn thành công vai chính của mình, hay lại chật vật, loay hoay, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác? Rồi suốt đời mình vất vả, khổ đau, phiền não vì những thất bại đó? Hay chúng ta lại muốn ‘Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm’ (Xuân Diệu).
Nhiều khi, có tiếng tăm, danh vọng hay thành công lại mang đến cho bạn nhiều đau khổ và phiền não hơn bạn tưởng. Tôi có một người bạn làm phó giám đốc của một hãng nọ. Nhưng cô ta không hài lòng với vị trí của mình. Cô muốn vươn lên để cảm thấy mình thành công hơn. Sau vài năm phấn đấu, cô được thăng chức giám đốc của hãng. Cô ta rất vui sướng và thích thú. Khi xưa còn làm phó, cô có thể đi làm muộn một chút vì phải đưa đón các con đi học; và thậm chí, có lúc ngồi ăn sáng với chồng con trước khi đi làm. Nhưng sau khi được lên chức, ngày nào cô cũng phải vào sớm và ra về rất trễ nên con cái đành phải giao cho mẹ hay cha cô giúp đưa đón giùm. Đừng nói chi tới chuyện ăn sáng chung với gia đình. Hiện tại, dù lương bổng cao nhưng cô rất mệt vì nhiều trách nhiệm và căng thẳng. Gia đình rất khuyến khích cô cố gắng nhưng hầu như, cô không còn những ngày vui như trước. Cô ăn không ngon và cũng ngủ ít đi nhiều!
Có thể bạn sẽ không nhận được những lời khen thưởng, ca tụng hay cảm ơn về những thành công của một việc gì đó mà bạn đóng góp rất nhiều công sức. Nhưng đổi lại, bạn có sự an lạc và mãn nguyện về công việc mình làm. Và bạn biết chắc rằng, nếu không có bạn thì công việc đó sẽ không bao giờ thành công được như vậy! Như những chú kiến thợ trong một tổ kiến, chúng âm thầm khuân vác, gầy dựng, nuôi dưỡng, và bồi bổ cho tổ kiến càng ngày càng được bền chắc và ổn định nhưng không bao giờ phàn nàn đấu đá nhau vì chúng “biết rõ” là nếu không có sự đóng góp của cả đàn cho một mục đích chung thì làm gì có tổ kiến này!
Trong kinh Nhân duyên, Phật dạy: ‘Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên đến thăm Bụt. Sau khi đảnh lễ dưới chân Bụt, Đại đức lui về một bên, ngồi xuống và bạch:
- Thế Tôn, Thế Tôn thường nói tới danh từ chánh kiến. Vậy chánh kiến là gì? Thế Tôn diễn giải về chánh kiến như thế nào?
Bụt bảo Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên:
- Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không. Đó là do vướng mắc vào tri giác sai lầm của mình. Vì vướng vào tri giác sai lầm cho nên mới kẹt vào hoặc ý niệm có hoặc ý niệm không’ (Sư ông Làng Mai dịch). Cái tri giác sai lầm về có hay không, cũng như những quan niệm về thành công hay thất bại, hoặc họa hay phúc đều có một cái lý tương đối mà thôi!
Như câu chuyện Tái ông mất ngựa, sách Hoài Nam Tử có chép một câu chuyện như sau: "Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần Trường thành, có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.
Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh nói: - Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi. Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.
Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: - Biết đâu việc được con ngựa Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Con trai của ông lão rất thích cỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên, hất cậu ấy xuống, té gãy xương đùi, khiến bị què chân, tật nguyền.
Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua này lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.
Ông lão thản nhiên nói: - Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa này mà được phúc.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung Nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình”.
Sau khi kể câu chuyện trên, sách Hoài Nam Tử đưa ra kết luận: Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái hậu quả của nó. Do đó, người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc? Tạm dịch: Ông lão mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc?
Trong đời thường, mỗi người chúng ta đều có đóng góp vào việc thịnh hay suy của xã hội. Như việc ô nhiễm môi trường là một ví dụ điển hình. Nếu chúng ta học lối sống biết tái chế thì mình đang góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Cũng vậy, nếu bạn hiểu được vai trò của mình có một giá trị nào đó đối với bản thân, gia đình, xã hội, và đất nước bạn sẽ cảm thấy rất hài lòng với công việc mình đang làm, dù cho việc làm đó không đưa bạn đến tiếng tăm, hay danh vọng.
Ở đây, xin nhờ bạn định nghĩa lại giá trị của sự thành công? Tôi không nhớ rõ đã đọc ở đâu đó về một vị tướng quân có nói rằng: Thua trăm trận nhưng chỉ cần thắng một trận quyết định là thành công. Vậy trận thắng quyết định của bạn là gì? Nó có giống với trận quyết định của anh chàng Nasrudin khi còn trẻ hay khi đã già không?
“Nasrudin bây giờ đã già, nhớ lại dĩ vãng của đời mình. Ông ta ngồi với bạn bè trong một quán trà và kể lại chuyện xưa:
Khi còn trẻ, tôi thật là hăng - Tôi muốn giác ngộ hết mọi người. Tôi cầu Thượng đế cho tôi sức mạnh để thay đổi thế gian này.
Một ngày nọ, trong tuổi trung niên, tôi bỗng thức tỉnh và nhận thấy đời mình đã đi qua quá nửa rồi mà vẫn chưa thay đổi được ai! Vì vậy tôi bèn cầu xin Thượng đế cho tôi sức mạnh để thay đổi những người thân quanh tôi mà cần sự giúp đỡ.
Cho đến ngày nay, Thượng đế ơi, bây giờ tôi đã già rồi và lời cầu nguyện của tôi cũng đơn giản hơn. Cầu xin cho con sức mạnh để ít nhất thay đổi chính mình”.
Cho nên, Phật dạy về thiểu dục, tri túc không phải bảo chúng ta phải dẹp bỏ mọi ước mơ, mong muốn mà Ngài muốn chúng ta hiểu rằng khi nào biết dừng lại đúng lúc sẽ giữ được hạnh phúc cho mình bền lâu. Bằng không, chúng ta sẽ bị lạc bước sa đà vào con đường danh lợi, bạc tiền mà phần nhiều chỉ mang đến phiền muộn, khổ đau.
17 lời khuyên về cuộc sống từ Thiền sư Kodo Sawaki Kodo Sawaki (1880-1965) hay “Kodo-Kẻ không nhà”, là một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế ... |
Chiêm nghiệm về cuộc sống qua 15 triết lý của Đức Đạt Lai Lạt Ma Chỉ có một điều quan trọng duy nhất bạn cần ghi nhớ và để nó dẫn lối bạn: Dù người ta có gọi bạn là ... |
http://giacngo.vn/phathoc/2015/03/06/33F448/