Muốn tìm sự hài hòa lợi ích khi khai thác thì phải lựa chọn vị trí khác, chứ không nên vì lợi ích DN mà tận dụng triệt để khu đất vàng.
Đã có chủ trương từ trước
Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T cho rằng, kế hoạch đầu tư vào SVĐ Hàng Đẫy sẽ là xây lại toàn bộ và nâng tầng để biến nơi đây trở thành một quần thể văn hóa – thể thao – du lịch.
Trong kế hoạch thiết kế và xây dựng lại SVĐ Hàng Đẫy, dự án sẽ phải giải phóng mặt bằng thêm, với tổng diện tích mở rộng là khoảng 3ha, dự kiến, Sở KH-ĐT Hà Nội hiện nay (tại đường Cát Linh) cũng nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Theo đó, dự án có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi nhằm xây dựng các khu hội nghị, chiếu phim, cho thuê văn phòng. Sân vận động sẽ nằm trên nóc tầng 2, có sức chứa khoảng 20.000 người.
Dự kiến sân vận động Hàng Đẫy có sức chứa khoảng 20 vạn khán giả
Trước thông tin trên, chia sẻ với Đất Việt, ngày 8/4, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Hà Nội cho biết: "Về việc nâng cấp SVĐ Hàng Đẫy đã có chủ trương từ rất nhiều năm nay, cũng đã có quy hoạch tổng thể cải tạo, quy mô nâng cấp vì đã từng sụt lún hàng ghế nhiều lần.
Từ hồi tôi còn làm việc thì đã giải phóng mặt bằng, xác định ranh giới rõ ràng, nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.
Riêng mảnh đất trụ sở của Sở KH-ĐT TP Hà Nội đã được quy hoạch làm nhà để xe phục vụ sân vận động, nhưng vì thiếu chỗ làm việc mới cho xây dựng tạm trụ sở, nên bây giờ Sở KH-ĐT di dời đi là đúng.
Nhưng điểm quan trọng là sau khi di dời thì mảnh đất này phải được lựa chọn làm công trình phục vụ có chức năng dịch vụ công cộng, chứ không phải thích làm gì cũng được. Với SVĐ Hàng Đẫy còn phải suy nghĩ yếu tố bảo tồn vì nơi đây gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, nên cần phải xem đây là di tích từ sau khi hòa bình lặp lại.
Hơn nữa, nên kế thừa các quy hoạch trước đây để phù hợp với nội đô lịch sử, chứ không nên vì yếu tố doanh nghiệp tham gia đầu tư mà khai thác quá mức thì sẽ tạo ra ùn tắc giao thông.
Theo tôi không nên mở rộng quy mô dù với mục đích thể thao hay chức năng, thương mại, dịch vụ, vì thể thao đã được bố trí ở các vị trí đặc biệt, thích hợp, đặc biệt SVĐ chúng ta đã có cả một khu liên hợp thể thao".
Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, SVĐ Hàng Đẫy bây giờ chỉ cần chỗ đỗ xe, dịch vụ ăn uống chứ không nên làm các dịch vụ khác.
Không được đưa vào mục đích thương mại
Ở góc độ khác, theo ông Nghiêm, nếu giao cho tư nhân họ sẽ tìm mọi cách để khai thác ra lợi ích. Trước đây đã có bài học của Khu Liên hợp thể thao, do khai thác không hết nên cho đỗ xe, mở cửa hàng ăn và đã có nhiều bất cập, nên giờ cho trong nội đô mà vẫn làm như vậy là không hợp lý.
Ở đây phải đảm bảo quyền lợi của nhà nước, đảm bảo chất lượng sống của người dân, chứ không nên vì lợi ích doanh nghiệp mà cho khai thác triệt để khu đất vàng.
Cũng theo vị KTS trên, việc đầu tư góp vốn, khai thác quyền lợi chủ đầu tư theo chủ trương xã hội hóa là cần thiết để phát triển đô thị, nhưng không nhất thiết tìm sự hài hòa lợi ích trong ranh giới khu đất họ đầu tư, mà có thể tìm lợi ích ở các dự án khác, đây cũng là bài học kinh nghiệm trong các khu chung cư hiện nay.
Như khu chung cư Kim Liên, giải quyết cấp đất cho chủ đầu tư phải ở những vị trí khác hoặc giao dự án thích hợp hơn với chế độ ưu đãi, chứ không nên đặt vấn đề tìm sự lợi ích trong ranh giới khu đất đấy.
"Hiện nay, SVĐ Hàng Đẫy thiếu chỗ để nên phải khai thác tuyến phố Trịnh Hoài Đức để xe. Khi trụ sở của Sở KH-ĐT đã có kế hoạch di dời vào khu tập trung 6 Sở, thì mảnh đất trên phải chăng nên khai thác làm chỗ để xe, bình thường thi đấu là đỗ xe của khán giả, sau này có thể làm nơi đỗ xe của cư dân khu vực.
Tức là mục tiêu phải vì cộng đồng chứ không phải mục tiêu khai thác lợi nhuận của đất vàng.
Đặc biệt, khi đang có áp lực về hạ tầng kỹ thuật, thì ở đây không nên khai thác thêm nhiều chức năng để tăng thêm áp lực, vì chúng ta có nhiệm vụ trọng tâm là giảm áp lực khu nội đô.
Với dự án trên lại nằm ngay gần khu trung tâm hành chính nhiều công trình quan trọng như lăng Bác, Văn miếu Quốc Tử Giám nên nếu làm thì phải tôn trọng ranh giới, quy định chiều cao công trình đã được nêu rõ trong quy hoạch, để vừa làm đẹp thêm cảnh quan, nhưng vẫn bảo đảm an ninh, áp lực giao thông", ông Nghiêm phân tích.
Hé lộ hình ảnh sân Hàng Đẫy mới trị giá 250 triệu euro Sân Hàng Đẫy mới dự kiến được khởi công xây dựng vào quý IV năm 2018, với sức chứa 2 vạn khán giả. Tổng đầu ... |
Bầu Hiển và đối tác Pháp làm đường sắt đô thị, nâng cấp sân Hàng Đẫy Tập đoàn Bouygues sẽ hợp tác với T&T trong thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, hỗ trợ thu xếp vốn và đầu tư ... |