Tai nạn ở Hải Dương: Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu chủ đầu tư quốc lộ 5 sửa chữa đường xuống cấp, đảm bảo khai thác an toàn, nếu không sẽ phải dừng thu phí.

Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên QL5 (Hà Nội - Hải Phòng). Có nhiều nguyên nhân: Ngoài ý thức của người tham gia giao thông còn cò bất cập từ việc tuyến đường xuống cấp chưa được khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng - đơn vị đang có nhiều xe khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội qua QL5 phản ánh, mật độ phương tiện quá đông trong khi đường xuống cấp không được sửa chữa, biển báo tại các nút giao cắt khó quan sát nên tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
 
Nhiều đoạn đường bị hằn lún vệt bánh xe tải trọng lớn trồi lên, sụt xuống nên phương tiện đi qua bị rung lắc. Một số đoạn hằn lún đã được khắc phục bằng cách cào bóc, trám nhựa nhưng chỉ được thời gian ngắn lại đâu vào đó.
 
“Vấn đề là QL5 đã quá lâu không được sửa chữa lớn mặt đường, dù nhiều năm nay vẫn thu phí BOT và phí bảo trì đường bộ. Trong khi theo quy định của Bộ GTVT, nếu đường xuống cấp, chủ đầu tư không sửa chữa đảm bảo lưu thông an toàn thì phải dừng thu phí”, ông Hải bức xúc.
 
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hằng ở Hải Phòng cho biết, hiện nay mỗi lần lái ô tô qua QL5 vẫn phải trả 35.000 đồng/lượt. So với chất lượng đường rõ ràng chưa tương xứng.
 
“QL5 quy định tốc độ xe chạy tối đa 80-90 km/h, nhưng thực tế chỉ chạy được 50-60 km/h. Thậm chí khi vắng xe, do đường xuống cấp nên tốc độ lưu thông vẫn không đảm bảo. Chúng tôi trả phí để đi trên đường xe lưu thông tốt, đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế đường hỏng, xuống cấp không được sửa chữa và tai nạn luôn rình rập”, chị Hằng cho hay.

Quốc lộ 5 bị hằn lún vệt bánh xe. Ảnh: Phạm Hải 

Cũng theo phản ánh của các chủ phương tiện, hiện nay QL5 có quá nhiều nút giao cắt, lối mở dải phân cách sang đường gây khó khăn cho việc đảm bảo an toàn giao thông.

Nhiều đoạn đường ngang dân sinh, lái xe đi gần tới nơi mới thấy người dân chuẩn bị sang đường nên chỉ cần mất tập trung trong tích tắc là tai nạn.

Vụ trưởng Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) Lê Hồng Điệp chia sẻ, việc khai thác QL5 với tốc độ 80 km/h hiện nay chỉ đáp ứng được với một số loại xe con, còn lại các xe tải trọng lớn thì không thể.
 
Điều này là do một số đoạn mặt đường xuống cấp và lưu lượng phương tiện lưu thông đã cao gấp 3 lần lưu lượng thiết kế (khoảng hơn 40.000 xe/ngày đêm).
 

Không sửa chữa phải dừng thu phí

Theo ông Điệp, QL5 vẫn được bảo dưỡng thường xuyên nhưng chủ yếu chỉ vá ổ gà phát sinh trên mặt đường và vệ sinh, khơi thông cống rãnh, sơn những vị trí mờ…
 
Về tu sửa lớn, ngoài đoạn từ Km76 đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) được Tổng cục Đường bộ sửa chữa từ 2013 đến nay chất lượng vẫn đảm bảo, hiện đoạn từ Km46 - Km76 xuống cấp, hư hỏng nặng sau nhiều năm khai thác.
 
Đoạn đường xuống cấp này, đơn vị khai thác QL5 - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) đã đề xuất với Bộ GTVT bố trí 840 tỷ đồng để sửa chữa. 

Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ thống nhất phương án, tuy nhiên hiện nay Ngân hàng Phát triển VN (VDB) - cổ đông chính của VIDIFI chưa bố trí vốn để sửa chữa lớn.

Nhiều đường ngang trên QL5 không có cầu vượt, dân qua đường không đảm bảo an toàn. Ảnh: Phạm Hải 

 
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện thông tin, Tổng cục đã yêu cầu VIDIFI và Cục Quản lý đường bộ 1 rà soát, báo cáo để làm đường gom, cầu vượt, đèn tín hiệu...

Ông cũng nói rõ, nhà đầu tư không thể lấy lý do khó khăn về vốn để trì hoãn thực hiện sửa chữa đoạn đường xuống cấp, bởi đây cũng là hạng mục an toàn phục vụ khai thác, thu phí.
 
“Nếu doanh nghiệp không triển khai các biện pháp tu sửa đường đảm bảo khai thác an toàn thì Tổng cục buộc phải dừng thu phí theo quy định của Bộ GTVT”, ông Huyện nói.

Cái chết của Quốc lộ 5
Quốc lộ 5 xuất hiện nhiều đoạn lồi lõm do 'nhựa đường bị chảy'
Vì sao Quốc lộ 5 trở thành con đường chết chóc kinh hoàng?

/ vietnamnet.vn