Dù tài sản tăng gấp nhiều lần nhưng suốt từ năm 2008 đến nay, ông Trương Gia Bình mới quay trở lại top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê đến ngày 25/9/2023, Chủ tịch HĐQT của CTCP FPT - ông Trương Gia Bình đang sở hữu lượng cổ phiếu FPT trị giá 8,4 nghìn tỷ đồng, vượt qua Chủ tịch HĐQT Vicostone Hồ Xuân Năng để tiến vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, ông Bình đang sở hữu hơn 88,73 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng 7% cổ phần của FPT. Số cổ phiếu ông Bình sở hữu tăng chủ yếu do được chia cổ tức và mua cổ phiếu ESOP.
FPT là một trong số những cổ phiếu tăng trưởng bền vững suốt nhiều năm qua với chính sách cổ tức rất đều đặn. Từ đầu năm, FPT đã tăng hơn 40% thị giá qua đó leo lên mức 94.300 đồng/cp.
Cùng với đà tăng của cổ phiếu FPT, tài sản của ông Trương Gia Bình đã tăng thêm khoảng 2.400 tỷ đồng, từ vị trí thứ 13 cuối năm ngoái đã tăng hạng lên vị trí thứ 10.
Năm 2006, ông Trương Gia Bình từng là người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá 2.400 tỷ đồng, tuy nhiên, tài sản của ông Bình giảm liên tiếp 2 năm, đến năm 2008, ông Bình còn sở hữu khối tài sản 600 tỷ đồng, đứng thứ 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Kể từ đó, dù tài sản tăng gấp nhiều lần nhưng ông Bình vẫn chưa thể quay lại top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cho đến tận hiện nay. Sau 15 năm, giá trị tài sản tại thời điểm ngày 25/09/2023 của ông Bình gấp 14 lần, tăng thêm 7.800 tỷ.
Đáng chú ý, trong năm 2021, dù tài sản tăng tới 2.700 tỷ đồng nhưng ông Trương Gia Bình lại tụt từ hạng 27 xuống hạng 33 trên bảng xếp hạng người giàu. Theo đó, năm 2021 là một năm "thành công" của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều cổ phiếu đã tăng cao khiến tài sản của nhiều người cũng tăng theo nhanh chóng.
Sang năm 2022, khi thị trường đi xuống, ông Trương Gia Bình vẫn giữ được tài sản 6.000 tỷ đồng, giúp thứ hạng tăng lên vị trí thứ 13.
Về kết quả kinh doanh, kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động của tập đoàn năm 2018, FPT tăng trưởng mạnh liên tục cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm.
8 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 32.827 tỷ đồng và 5.902 tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và 19% so với cùng kỳ. Mảng công nghệ vẫn đóng vai trò chủ chốt, chiếm khoảng 46% cơ cấu lợi nhuận trước thuế cả tập đoàn. Như vậy so với kế hoạch, tập đoàn đã hoàn thành 63% mục tiêu doanh thu và trên 65% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Riêng quý 2 vừa qua, FPT đã lập kỷ lục lợi nhuận mới trong một quý khi ghi nhận lãi sau thuế 1.856 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng theo quý đều đến kinh ngạc. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mỗi quý của FPT so với cùng kỳ năm trước đều đạt 2 con số và thường dao động quanh mức 20%.