Nhiều câu hỏi được đặt ra khi cơ quan chức năng không cưỡng chế công trình nhà ở của Mỹ Linh, trong khi nhiều vi phạm tương tự lại bị cưỡng chế.
Không sợ cưỡng chế, chỉ sợ xử lý không đều
Sáng ngày 13/1/2018, trao đổi với Đất Việt, nhiều chủ công trình vi phạm trên đất rừng thuộc xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội chia sẻ sẽ chấp hành nghiêm túc mọi quyết định mà cơ quan chức năng đề ra.
"Nếu cơ quan chức năng xác định công trình đã vi phạm thì có muốn giữ lại cũng không được. Hơn nữa, việc kinh doanh cũng luôn trong tình trạng ế ẩm khi nhiều người biết công xây trên đất rừng nên có tinh thần tẩy chay" - người quản lý một công trình nghỉ dưỡng tại xã Minh Phú chia sẻ.
Tuy nhiên, trước thông tin cơ quan chức năng không tiến hành cưỡng chế nhà của ca sĩ Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương trong thời gian tới, người quản lý này bày tỏ sự không đồng tình.
Căn nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Vị này thẳng thắn nói: "Nếu như chính quyền địa phương xử lý ngay từ đầu, cương quyết với các công trình vi phạm thì sẽ chẳng có công trình vi phạm như ngày hôm nay.
Chúng tôi sai, bị cưỡng chế thì phải chịu, chỉ sợ việc xử lý cưỡng chế không đồng đều. Như thế dễ xảy ra sự bức xúc, không "tâm phục, khẩu phục".
Không những thế, chính gia đình Mỹ Linh cũng bị nghi vấn. Tại sao sai phạm mà không bị cưỡng chế? Hay những người nổi tiếng, có quen biết lại được ưu ái hơn người dân thường?".
Nghịch lý kết luận trước làm sau
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, công trình nhà ở của ca sỹ Mỹ Linh có sổ đỏ là 400m2 đất làm nhà ở, 200 m2 đất trồng cây ăn quả, còn lại 11.600 m2 đất vẫn là đất rừng.
Hiện nay công trình nhà ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng với tổng diện tích 538,6m2. Số diện tích xây dựng vượt quá là hơn 138 m2.
Một phần Việt phủ Thành Chương cũng vi phạm đất rừng Sóc Sơn.
Theo lý giải của cơ quan chức năng TP. Hà Nội, sở dĩ không có tên nhà ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương trong lần cưỡng chế này là do 2 công trình thuộc vi phạm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về đất rừng Sóc Sơn giai đoạn 2006-2008 còn 18 công trình khác nằm trong kết luận của Thanh tra từ năm 2010.
Tuy nhiên, một chủ công trình nằm trong danh sách cưỡng chế cho rằng: "Đúng ra, sai phạm của nhà Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương được cơ quan chức năng kết luận từ trước thì phải xử lý trước.
Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ là cơ quan thanh tra cấp Nhà nước, về cấp quản lý còn cao hơn cấp tỉnh, thành phố thì tại sao lại chỉ xử lý dựa trên cơ sở thanh tra sau này của TP. Hà Nội?".
Bên cạnh đó, việc xác định công trình vi phạm của gia đình Mỹ Linh là công trình tạm hay công trình kiên cố cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.
Phần vi phạm được Mỹ Linh xây dựng bằng không nhôm, kính chứ không phải bê tông cốt thép nên có ý kiến cho rằng đây là công trình tạm nên không bị cưỡng chế.
Một góc Việt phủ Thành Chương.
Nhưng luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, cơ sở để xác định công trình tạm cần phải căn cứ vào thực tế, công trình đó không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, không được ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, công tác phòng trừ sinh vật hại, đến hệ sinh thái của rừng…
"Không nhất thiết cứ xây dựng bê tông cốt thép là công trình kiên cố. Với công nghệ xây dựng như hiện nay thì nhiều công trình dựng lên bằng khung sắt, thép cũng có độ bền ngang ngửa với chất lượng bê tông.
Thông thường, công trình tạm trên đất rừng chủ yếu phục vụ cho việc tưới tiêu, lưu trú trong thời gian ngắn và phải giúp ích cho việc trồng rừng" - ông Hướng nói.
Vân Nam
Cưỡng chế 15/18 công trình Sóc Sơn: Không có \'nhà Mỹ Linh" Trong 18 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn thuộc diện cưỡng chế, không có tên của căn biệt thự ngôi ... |
Hà Nội chưa cưỡng chế xong 18 công trình vi phạm ở rừng Sóc Sơn Lãnh đạo xã Minh Phú nói trong tháng 1 này sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp vi phạm còn lại trên địa bàn. |
Mỹ Linh sau ồn ào biệt thự triệu đô "xây trái phép trên đất rừng” giờ ra sao? Nữ Diva khẳng định, bản thân cô là người rất rõ ràng giữa công việc và cuộc sống riêng tư. |