Giới chức y tế nhận định số ca Covid-19 tăng trở lại trên thế giới sau 7 tuần giảm là do xuất hiện các biến thể mới và sự chủ quan nới lỏng biện pháp phòng dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/3 thông báo số ca nhiễm nCoV mới trên toàn cầu đã tăng trở lại lần đầu trong vòng 7 tuần qua. Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, phát biểu trong cuộc họp báo: "Cần phải có cảnh báo nghiêm khắc cho con người rằng virus này sẽ bùng phát trở lại nếu lơ là. Chúng ta không thể điều này xảy ra".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự gia tăng các ca nhiễm là "đáng thất vọng nhưng không bất ngờ" và kêu gọi các quốc gia không nới lỏng các biện pháp chống dịch.
"Nếu các quốc gia chỉ dựa vào vaccine thì họ đang mắc sai lầm. Các biện pháp y tế công cộng cơ bản vẫn là nền tảng của công tác chống dịch", ông Tedros nói.
WHO kêu gọi các nước không nới lỏng các biện pháp chống dịch trong cộng đồng. Ảnh: Fatemeh Bahrami |
Theo Giáo sư William A. Haseltine, Trường Đại học Y Harvard: "Sự gia tăng các ca mới có thể là do tốc độ lan truyền của các biến thể B.1.1.7 từ Anh, B.1.351 Nam Phi và P.1 từ Brazil. Các biến thể nguy hiểm có thể làm tăng tải lượng virus, từ đó tăng số ca, mức độ bệnh cũng như tỷ lệ tử vong".
Giáo sư Haseltine cho rằng thái độ chủ quan, lơ là của các địa phương khi nới lỏng chính sách kiểm dịch, góp phần đưa số ca nhiễm tăng trở lại. Ông lấy ví dụ tại Ấn Độ, sau nhiều tháng tỷ lệ mắc mới giảm, thì mới đây, số ca gia tăng đột biến ở bang phía Tây Maharashtra - nơi xuất hiện biến thể N440K.
Lãnh đạo Bộ Y tế bang Maharashtra Uddhav Thackeray cho biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã tăng từ khoảng 2.000 ca lên khoảng 7.000 ca đầu tuần trước. "Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã và đang gõ cửa. Liệu nó có bùng phát hay không sẽ được xác nhận từ 8 đến 15 ngày tới", Thackeray nói.
Một số nhà dịch tễ học cho rằng số ca nhiễm mới tăng đột biến hiện nay có thể là do các chủng mới gây ra.
Số ca nhiễm tăng trở lại còn do thái độ chủ quan của người dân không muốn đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách. "Mọi sự lơ là trong thực hiện biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan, đặc biệt với những chủng virus mới, đều có thể làm tình hình thêm phức tạp", đại diện Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.
Tại Anh, biến thể B.1.1.7 hiện lây nhiễm khoảng 96% tổng số ca Covid-19 mới được ghi nhận. Các chuyên gia Pháp, Đức cảnh báo những nước này có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm mới do các biến chủng nCoV.
"Với các biến thể Anh, Nam Phi, Brazil, biến thể CAL.20C, đột biến 677, B.1.562 mới xuất hiện tại Mỹ, chúng ta không thể tự mãn. Những thay đổi này nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc và các biến thể có thể dẫn đến sự gia tăng mới về số ca nhiễm", giáo sư Haseltine chia sẻ.
Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu của WHO, cho biết cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19 đang ở trạng thái tốt hơn so với 10 tuần trước, khi nỗ lực triển khai vaccine mới bắt đầu. Nhưng còn quá sớm để khẳng định virus đang trong tầm kiểm soát.
Tính đến ngày 2/3, thế giới ghi nhận 114.352.240 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.536.847 người đã chết, 89.904.404 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Giới chức Mỹ ngày 27/2 phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson phát triển với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là vaccine Covid-19 thứ ba được phép sử dụng ở Mỹ, giúp người dân nước này có thêm lựa chọn trong cuộc chiến chống đại dịch.
Lê Cầm (Theo Reuters, Forbes)
Gần 115 triệu ca nCoV toàn cầu, WHO thất vọng vì số ca mới tăng trở lại Thế giới ghi nhận gần 115 triệu ca nhiễm, hơn 2,5 triệu người chết, WHO nói số ca nhiễm mới tăng lên là đáng thất ... |