Giới quan sát cho rằng dù ai đảm nhận vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giống như ông McCarthy.

Ông Kevin McCarthy tại buổi họp báo sau khi bị bãi nhiệm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ngày 3/10. (Ảnh: Reuters)

Ông Kevin McCarthy tại buổi họp báo sau khi bị bãi nhiệm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ngày 3/10. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị cách chức trong cuộc bỏ phiếu hôm 3/10, khiến ông trở thành chủ tịch đương nhiệm đầu tiên của Hạ viện bị bỏ phiếu bãi nhiệm trong lịch sử nước Mỹ. Sự kiện cũng khiến Hạ viện Mỹ rơi vào tình trạng "tê liệt", khi không thể tranh luận và bỏ phiếu về bất kỳ dự luật nào.

Ông McHenry, Chủ tịch lâm thời của Hạ viện Mỹ, đã tuyên bố hoãn họp vào chiều ngày 4/10. Một số thành viên Hạ viện Mỹ nói với giới truyền thông rằng nếu không có chủ tịch, Hạ viện Mỹ sẽ giống như "rắn không đầu".

Mặc dù Chủ tịch lâm thời McHenry có thể thi hành một số quyết định theo pháp luật nhưng vì tình huống này cực kỳ hiếm xảy ra, nhiều người chưa hiểu rõ quyền lợi và hạn chế của vị trí chủ tịch lâm thời, khiến mọi việc trở nên “chậm và mất phương hướng".

Hiện có 2 nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chạy đua cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ và nhiều người khác quan tâm tranh cử. Hạ viện Mỹ dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu chọn ứng cử viên vào ngày 11/10.

 

Câu hỏi đặt ra là việc bầu Chủ tịch Hạ viện mới thay thế ông McCarthy có giải quyết được hàng loạt vấn đề mà Chính phủ Mỹ hiện đang phải đối mặt hay không?

Theo Thời báo Hoàn Cầu, giới quan sát nhìn chung cho rằng, dù ai đảm nhận vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ thì họ cũng sẽ không thể thực hiện bất kỳ cải thiện hiệu quả nào đối với hiện trạng.

Chủ tịch mới cũng sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giống như ông McCarthy, bởi dự luật phân bổ ngắn hạn giúp duy trì hoạt động của chính phủ Mỹ hiện tại sẽ hết hạn vào tháng tới, chính phủ Mỹ một lần nữa sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

Một số nhà phân tích thẳng thắn cho rằng động thái này chỉ là "một gánh xiếc thay người dẫn đầu".

Khi ông McCarthy tranh cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ hồi đầu năm nay, để đảm nhận thành công vị trí này đã phải đưa ra nhượng bộ cuối cùng trước những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng hòa, khi cho phép bất kỳ thành viên nào của Hạ viện đều có quyền đề nghị phế truất ông.

Chủ tịch mới của Hạ viện Mỹ sẽ phải tìm cách thay đổi phương thức hoạt động này sau khi nhậm chức, nếu không sẽ đi vào vết xe đổ của ông McCarthy và bị cách chức trong thời gian ngắn.

 Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng sẽ 'tiến thoái lưỡng nan' như ông McCarthy (vtc.vn)

Hoa Vũ / VTC News