Sử dụng ví điện tử để thanh toán các loại giao dịch đang là xu thế chung của người tiêu dùng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện dụng, các chuyên gia cũng lưu ý người sử dụng cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo thông qua ví điện tử để tránh những thiệt hại không đáng có…
- Tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa từ hôm nay
- Bắt buộc kê khai danh tính khi dùng ví điện tử: Lo thông tin cá nhân lộ lọt và sử dụng sai mục đích
Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự “bùng nổ” của hình thức thanh toán điện tử nói chung và việc sử dụng các loại ví điện tử nói riêng. Hiện nay, bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... ví điện tử đã trở thành là phương thức thanh toán phổ biến được nhiều người sử dụng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động. Có thể kể đến các ví điện tử đang có số lượng người sử dụng tương đối lớn như: MoMo, VNPAY, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, Payoo…
Đặc điểm nổi bật của ví điện tử đang hoạt động hiện nay là người dùng có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Do đó, để gia tăng tiện ích và sức hút đối với người dùng, các đơn vị vận hành ví điện tử đã tăng cường liên kết với các ngân hàng theo hướng mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Đồng thời, thị trường ví điện tử cũng đang có sự góp mặt của hàng loạt tập đoàn lớn có hệ sinh thái đa dạng như: VinID (thuộc VinGroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone)… Nhờ vậy, người sử dụng ví điện tử sẽ có cơ hội mở rộng kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi... nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều người có nhu cầu thanh toán không tiếp xúc. Chị Lê Thanh Hải ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi gần như đã chuyển hẳn sang sử dụng ví điện tử để thanh toán các giao dịch phục vụ nhu cầu của gia đình. Cá nhân tôi nhận thấy, tiện lợi, linh hoạt và an toàn là những ưu điểm lớn nhất của ví điện tử”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán thời gian qua là sự nổi lên của ví điện tử. Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song sự “bùng nổ” của các giao dịch qua ví điện tử đã khẳng định rõ xu hướng lựa chọn mới của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, từ năm 2021, ngoài cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… các ví điện tử đang xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng hay tăng cường liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Thực tế cho thầy, trong sự phát triển đa dạng của thị trường, ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp thì sẽ giành được lợi thế trong cuộc đua thu hút người sử dụng.
Tuy nhiên, có một vấn đề là bên cạnh những tiện ích, người sử dụng ví điện tử hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ lừa đảo, bị chiếm đoạt tài sản. Mới đây, một số đối tượng đã giả danh ví điện tử MoMo gửi email cho khách hàng với tiêu đề "Quà tặng tri ân khách hàng khi đạt 30 triệu thành viên" nhằm yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập ví để nhận được gói quà tặng trị giá 1.999.999 đồng nhân dịp 30/4.
Bên cạnh đó, một thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là liên lạc với khách hàng qua facebook/zalo gửi mã QR và yêu cầu khách hàng thanh toán giúp đơn hàng sau đó sẽ trả tiền lại. Thực chất việc quét QR code là để thiết lập liên kết giữa tài khoản ví điện tử của khách hàng với tài khoản mua hàng của đối tượng lừa đảo qua Lazada/Tiki/Sendo/Google/Apple… Sau khi liên kết được thiết lập thành công, đối tượng lừa đảo có thể vào tài khoản của Lazada, Tiki, Sendo… để mua hàng mà không cần phải xác thực lại bằng mật khẩu/OTP nên khách hàng sẽ bị mất tiền cho những giao dịch không phải do chính mình thực hiện.
Trước tình trạng này, thiết nghĩ các đơn vị vận hành ví điện tử cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ đối với người sử dụng. Thực tế, các đơn vị vận hành ví điện tử đã thường xuyên khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, ví điện tử với bất kỳ hình thức nào; không cung cấp thông tin đăng nhập vào bất kỳ đường link nào ngoài ứng dụng ví, ngân hàng; không quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin; không cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví MoMo của mình; không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản ngân hàng/ví MoMo trên mạng xã hội. Đồng thời, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các đơn vị vận hành ví điện tử cần không ngừng tăng cường những giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao tính bảo mật để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.
Theo phân tính của các chuyên gia, trong vấn đề an toàn, bảo mật, ngoài yếu tố kỹ thuật thì ý thức cảnh giác của người sử dụng ví điện tử cũng rất quan trọng. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc tin tặc đột nhập tài khoản ví điện tử để đánh cắp tiền. Cụ thể, người sử dụng cần đặc biệt cẩn trọng với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi vì đây rất có thể là những dấu hiệu của âm mưu từ tội phạm mạng. Thông thường, các tổ chức tài chính hoặc đơn vị bán hàng sẽ không gửi tin nhắn văn bản yêu cầu bạn cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận mã thẻ ATM. Do vậy, người dùng không nên truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu không biết rõ tính xác thực. Trường hợp nghi vấn, người dùng có thể gọi trực tiếp vào đường dây nóng của ngân hàng hoặc các đơn vị vận hành ví điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định xử lý những hành vi lợi dụng ví điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo hướng tăng nặng. Luật sư Nguyễn Anh Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Điều 174 “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, tùy thuộc vào trị giá tài sản chiếm đoạt, tính chất, mức độ hành vi thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; thậm chí có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Hành vi lợi dụng ví điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường liên quan đến nhiều người bị hại với lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn, vì vậy để bảo đảm tính răn đe, việc điều chỉnh tăng nặng khung hình phạt với hành vi này là hết sức cần thiết”, Luật sư Nguyễn Anh Đức chia sẻ thêm.
Có thể thấy, thanh toán trực tuyến nói chung, sử dụng ví điện tử nói riêng đã và đang là xu hướng tiêu dùng của toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đưa đến cơ hội để các loại ví điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tiếp tục tăng cường các giải pháp kỹ thuật bảo mật và nâng cao ý thức cảnh giác của người sử dụng sẽ là “chìa khóa” để ví điện tử thực sự trở thành kênh thanh toán chủ yếu, góp phần đưa Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 sớm đi vào thực tiễn đời sống kinh tế xã hội./.