Những diễn biến căng thẳng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tranh cãi giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), đối đầu trong quan hệ Mỹ - Nga...

Tăng cường đối thoại giải quyết bất đồng trong thế giới nhiều biến động ảnh 1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm trung gian trong cuộc gặp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3

Luôn có không gian cho đối thoại và hợp tác

Cho đến nay, dù tình hình vẫn căng thẳng, nhưng Nga và Ukraine vẫn duy trì nhịp độ của các cuộc đàm phán. Các vấn đề như tương lai của bán đảo Crimea và khu vực Donbass vẫn còn nhiều bất đồng nhưng chính nhờ các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa hai bên (đã có 4 cuộc đàm phán diễn ra), mâu thuẫn xung quanh quy chế trung lập của Ukraine đã phần nào tìm được sự đồng thuận.

Nhìn vào hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU vừa kết thúc hôm 1-4 cũng có thể thấy đối thoại được cả hai bên coi trọng như thế nào, dù kết quả hội nghị được bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá là “thể hiện quan điểm khác biệt rõ rệt”. Vẫn như trước đây, nhiều khả năng việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc sẽ tiếp tục bị “đóng băng”, liên quan đến các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau sau khi EU cáo buộc Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Hay như về cuộc xung đột Nga - Ukraine, trước lời kêu gọi của EU rằng Trung Quốc cần sử dụng ảnh hưởng để gây sức ép với Nga, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố phản đối việc áp đặt trừng phạt, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hòa bình theo cách riêng của mình. Những tuyên bố của lãnh đạo EU về khả năng trừng phạt Trung Quốc nếu nước này ủng hộ Nga cũng chỉ mang tính cảnh báo tượng trưng.

Mặc dù vậy, hội nghị lần này cho thấy giữa Trung Quốc và EU vẫn còn nhiều không gian đối thoại và hợp tác. Theo thông báo của EU sau hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là phục hồi từ đại dịch Covid-19 và đối phó với các đại dịch trong tương lai, trong đó hai bên sẽ cùng hợp tác với các nước thành viên khác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thỏa thuận mới về ngăn ngừa, chuẩn bị và đối phó với đại dịch.

Liên quan đến những bất đồng hiện nay về thương mại, các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đồng ý tổ chức đối thoại kinh tế thương mại cấp cao để “tìm giải pháp chắc chắn nhằm tạo bước tiến” về vấn đề này trước mùa Hè 2022. Hai bên cũng đồng ý tiếp tục hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. EU và Trung Quốc cũng sẽ tổ chức các đối thoại cấp cao về khí hậu, môi trường trong năm nay, cũng như nối lại đối thoại cấp cao về kỹ thuật số.

Nhìn vào quan hệ Mỹ - Nga, có thể nói mối quan hệ này đã xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh và đang trên bờ sụp đổ do cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn về mô hình an ninh châu Âu và vị trí của Nga, các biện pháp cấm vận liên quan đến Ukraine. Hoạt động của Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Matxcơva đã hạn chế tới mức tối thiểu bởi số nhân viên đã bị cắt giảm tới 90%, từ 1.200 người xuống còn 130 người. Nhưng cũng không ai nghĩ rằng hai bên sẽ cắt đứt quan hệ bởi sự ràng buộc lợi ích không chỉ giữa hai nước, mà còn cả với thế giới.

Đối thoại tạo dựng lòng tin là nền tảng trong quan hệ quốc tế

Những sự kiện nêu trên cho thấy, đối thoại có vai trò quan trọng thế nào trong việc giải quyết các mâu thuẫn. Đối thoại để tạo dựng lòng tin luôn là sự khởi đầu và là nền tảng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Bởi trên thực tế, dẫu hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu thế và khát vọng cháy bỏng của mọi quốc gia, dân tộc, song nhân loại vẫn đang sống trong một môi trường an ninh đan xen nhiều thách thức. Trong 5 năm trở lại đây, xung đột đã cướp đi gần nửa triệu sinh mạng trên toàn cầu. Riêng năm 2020, thế giới đã ghi nhận 20 triệu người tị nạn, hơn 50 triệu người mất nơi cư trú do xung đột và gần 170 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Thêm vào đó là hàng loạt các thách thức mới như đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, cạnh tranh địa chiến lược…

Điều đó cho thấy trong một thế giới hiện đại, không chỉ có hợp tác phát triển mà còn tồn tại những tranh chấp, bất đồng; không chỉ có thời cơ thuận lợi mà còn có cả những thách thức, thậm chí nguy cơ. Vì vậy phải vừa đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để giải quyết bất đồng và cùng phát triển, vì lợi ích chiến lược chung của mỗi quốc gia và của toàn khu vực. Đây là quy luật tất yếu của thế giới hiện đại, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài.

Tất cả các quốc gia cần phải hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng. Nhưng dù hợp tác hay đấu tranh, trước hết đều phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Tất nhiên, mọi quốc gia đều dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc mình để hợp tác, phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng, coi đó là tiêu chí cơ bản, là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình cũng như trong quan hệ quốc tế. Nhưng lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới.

Muốn vậy, các nước cần tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương và tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bởi đây chính là điểm tựa, cơ sở vững chắc nhất để tạo dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại. Sự hình thành và phát triển của Liên hợp quốc từ tro tàn, đau thương của Chiến tranh thế giới thứ hai chính là biểu tượng của lòng tin chung mạnh mẽ, xác đáng vào chủ nghĩa đa phương và vào hợp tác quốc tế đa tầng nấc. Điều này rất cần có sự củng cố, gắn kết, trong đó có việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an, các tổ chức khu vực trong nỗ lực chung nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột thông qua đối thoại và xây dựng lòng tin.

Ông Macron: Đối thoại với Nga đảm bảo an ninh ở châu Âu Ông Macron: Đối thoại với Nga đảm bảo an ninh ở châu Âu
Đối thoại an ninh Nga - NATO diễn ra vào 12/1 Đối thoại an ninh Nga - NATO diễn ra vào 12/1
Mỹ, Ukraine bất đồng về mối đe dọa từ Nga Mỹ, Ukraine bất đồng về mối đe dọa từ Nga

/ www.anninhthudo.vn