Lần đầu tiên tôi thấy chiếc túi nylon là năm 1992, khi đang học cấp hai. Bạn cùng lớp “thó” cho tôi một chiếc trong đống hàng mẹ cô bán ở chợ. Trước đó, tôi chỉ biết túi cói, làn nhựa mẹ dùng đi chợ. Được sờ chiếc túi màu trắng đục, vừa mịn vừa mát, tôi xuýt xoa “sao nó nhẹ thế, đẹp thế”. Những năm tháng ấy, túi nilon được người ta gìn giữ cẩn thận, có nhà còn giặt, phơi, dùng đi dùng lại. 

Hồi đó, rác của các gia đình chỉ là tí vỏ, cuống rau củ, lá khô gom lại sau khi bọn trẻ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ quét sân mỗi chiều. Chẳng ai nhớ nó tiêu hủy từ lúc nào, sau khi đã vun ở góc vườn.

Hơn hai mươi năm đã qua, tôi không còn sống ở Việt Nam, nhưng hầu như năm nào cũng về để thấy sự thay đổi chóng mặt của quê nhà. Ô tô xịn xếp hàng quanh những tòa nhà sang chảnh. Vậy mà tôi lại “khổ tâm” bởi đường phố xấu xí đi nhiều vì rác. Túi nylon xâm chiếm mọi gia đình. Chúng được dùng một lần rồi vứt. Chúng bay như bươm bướm, đủ màu sắc, phấp phới từ cửa nhà tới đầu ngõ, hè phố, cổng trường, công viên, bãi biển. Túi nylon không chỉ làm hạ giá hình ảnh Việt Nam mà còn là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm môi trường trên toàn cầu.

Tuy bọc rác to, nhỏ nằm chềnh ềnh khắp nơi song tôi thấy thương hơn là trách những công nhân vệ sinh môi trường, có thể họ cũng đã làm hết sức. Chị công nhân hàng ngày dọn rác cho khu nhà bố mẹ tôi luôn phải đẩy một chiếc xe chở rác rỉ sắt, cũ kĩ, vô cùng nặng, ngất ngưởng các túi rác to nhỏ chực ập xuống đầu. Mỗi lần đến chân dốc, chị dừng lại thở hổn hển, rồi nhìn quanh xem có ai có thể trợ lực đẩy xe lên đỉnh dốc để ra điểm tập kết rác. Một lần tôi đã quyết định dừng lại, giày cao gót, váy hoa đẩy xe cùng chị. Mặc hai người phụ nữ nhắm mắt nhắm mũi đẩy, xe rác ngúng nguẩy mãi mới chịu nhích lên.

Ở thế kỉ 21, khi ta đang hào hứng nói về kinh tế số, kinh tế “chia sẻ” thì “cơ giới hóa” vẫn ngoài tầm với của ngành công nghiệp rác. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đã ngạc nhiên vì thành phố sao bẩn quá.

Bên cạnh lý do lạm dụng túi nylon, việc chưa phân loại rác từ nguồn là vấn đề lớn của Việt Nam. Rác thải hữu cơ nhà bếp bị tống chung cùng chai lọ, giấy báo, hộp nhựa, rác thải y tế, hóa chất... Rất nhiều nước từ vài chục năm nay đã có thói quen phân loại rác thải từ nguồn cùng quy trình xử lý rác hiệu quả, an toàn. Pháp, nơi tôi sống, tiền phí vệ sinh môi trường nằm trong thuế mà chúng tôi đóng cho thành phố. Nhà tôi, 75 m2, 3 người, mức phí tính ra tiền Việt khoảng 300 ngàn đồng/tháng. Khoản phí này được xác định trên diện tích nhà, số người ở và khả năng xử lí rác của thành phố. Ngược lại, tòa thị chính thành phố cấp cho mỗi ngôi nhà hay mỗi khu tập thể hai thùng rác. Thùng màu xanh cho rác thải không tái chế, thùng màu vàng cho rác thải tái chế. Ở một số thành phố, hàng tháng dân có thể đến tòa thị chính để nhận túi rác, gồm túi rác sinh hoạt và túi rác tái chế.

Riêng chai lọ, nơi thì tòa thị chính tặng dân thêm một thùng màu trắng, nơi thì mỗi khu nhà trang bị một thùng kín đáo và xinh xắn để tập kết chai lọ chung. Cứ đến ngày quy định trong tuần, các hộ dân chúng tôi để thùng rác ra trước cổng nhà. Công nhân vệ sinh chạy xe qua thu gom. Nhà nào không tôn trọng quy định về phân loại rác, để rác bừa bãi sẽ bị phạt tiền rất nặng. Vì thế, người dân tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về rác. Trẻ từ rất nhỏ đã được giáo dục việc phân loại rác và bảo vệ môi trường.

Cho dù tôi thấy việc xử lí rác đã tốt, nhưng nhiều chính quyền thành phố vẫn muốn làm tốt hơn. Vì thế, có nơi, tòa thị chính còn tặng gà con cho người dân để khuyến khích họ nuôi gà tại nhà bằng vỏ rau củ. Việc này giúp hạn chế số rác thải.

Vì rất ý thức phân loại rác từ nguồn nên ở Pháp không có cảnh túi rác nằm vất vưởng chờ đợi làm mất mĩ quan thành phố, mất vệ sinh, đồng thời rất thuận tiện cho việc tái chế rác, tiết kiệm được nhiều tiền ngân sách.

Tôi được biết nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài đã được nhập vào Việt Nam để xử lí rác nhưng không thành công, lý do chính bởi rác đã không được phân loại từ nguồn. Việc phân loại này, nếu có, chỉ dừng lại ở “nghiệp vụ” của những người làm nghề đồng nát, bới rác tự phát. Chính vì thế, mới có các làng đồng nát, làng phế liệu gây nhiều hệ lụy xã hội. Do không có quản lí khoa học, hợp lí từ giai đoạn thu gom, phân loại đến giai đoạn xử lý rác nên thành phố của chúng ta vẫn bẩn, kinh phí xử lý rác vẫn bị lãng phí. Các đô thị mất điểm, quốc gia cũng mất điểm theo.

Một đợt nghỉ lễ nữa lại tới. Sau đợt nghỉ này, không có gì ngạc nhiên nếu khắp các điểm du lịch – nơi đáng ra phải là đẹp nhất quốc gia – chúng ta nhìn thấy rác và buộc phải nói về rác. Sẽ rất dễ dàng nếu quy kết cho một thứ “ý thức của người dân” nào đó, mà bỏ qua thực tế là, ý thức vô trách nhiệm với rác đã được hình thành nhiều năm qua bởi chính quyền cũng chẳng có cơ chế khuyến khích hiệu quả nào. Không ai nghĩ đến việc “tặng gà, dọn rác”. Khi thùng rác luôn khó tìm, và luôn chỉ có một cái thùng để bỏ tất cả mọi thứ, rất khó để trách người dân “không có ý thức”.

Quyển sách nổi tiếng “Rác học - mối tình bẩn thỉu của chúng ta với rác” của Edward Humes đã đưa ra kết luận vô cùng xác đáng: Rác không chỉ là thứ chúng ta thải ra, nó còn thể hiện chúng ta là ai, và xã hội đang hướng tới đích nào.

tang ga don rac Chàng trai Sài Gòn nuôi ba đứa trẻ nghèo suốt 4 năm

Ở tuổi 25, chàng vũ công Đào Phi Hải đã vừa làm anh, làm thầy, vừa làm cha của 3 em nhỏ Biên Hòa.

tang ga don rac Lòng tốt chông chênh

Thời làm cán bộ trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tôi chứng kiến nhiều đoàn từ thiện đến rồi đi trong vòng một, ...

tang ga don rac Người giàu có là biết cho đi

Nếu biết cho đi, chúng ta ai cũng là người giàu có. Phật ở ngay trong mỗi người và ai cũng có Phật tính trong ...

Lê Thị Thiên Hương

/ VnExpress