Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ 1/7 tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương đương tăng 30%) và giữ nguyên phụ cấp hiện hành.

Thông tin trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đưa ra tại họp báo cung cấp thông tin thường kỳ của Bộ Nội vụ, chiều 20/6.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 19/6, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã báo cáo và được Bộ Chính trị thông qua về mặt chủ trương thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương từ ngày 1/7.

Còn 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện gồm: các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.

Theo Bộ trưởng, do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết theo tính toán, khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27, mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.

"Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng đang được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay sẽ được tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7. Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bà Phạm Thị Thanh Trà thông tin, theo Nghị quyết 27 của Trung ương, sẽ có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề... Tuy nhiên, từ ngày 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện 9 loại phụ cấp này nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.

Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành, đặc biệt là phụ cấp theo nghề mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý.

Với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Bộ trưởng cho hay Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát lại bộ khung pháp lý. Từ đó có cơ sở để quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của cơ quan cho phù hợp.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ, từ ngày 1/7, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá các phương án trên là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới).

Việc này sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.

"Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc này tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Phương án này cũng bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 - 2026. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là hơn 900.000 tỷ đồng

"Sắp tới chúng tôi sẽ xin ý kiến Quốc hội và ban hành nghị quyết thực hiện ngay từ ngày 1/7", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà Trà nói.

Lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau. Mới đây nhất, từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng (thêm 20,8%).

Hiện lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính theo công thức: lương cơ sở (1,8 triệu đồng) x hệ số lương (hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức).

Hôm 20/5, báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Anh Văn / VTC News