Từ đầu tháng 1 năm 2018 này, giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tăng gấp 3 lần. Theo cơ quan chức năng, tăng phí trông giữ xe là một trong những giải pháp đánh vào túi tiền của chủ phương tiện để giãn mật độ phương tiện vào khu vực nội đô.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng phí là khá đột ngột, và quan trọng là tăng giá nhưng có quản chặt để tránh chuyện tiền chảy vào túi một nhóm người hay không?
Giá dịch vụ trông giữ xe ở Hà Nội tăng mạnh kể từ 1/1/2018
Từ 1/1/2018, giá dịch vụ trông giữ xe tại các quận nội thành Hà Nội đối với xe máy, vé ngày là 5.000 đồng/xe, vé tối là 8.000 đồng/xe, phí gửi xe cả ngày và đêm là 13.000 đồng. Còn với ôtô, phí đỗ 2 tiếng đầu là 50.000 đồng/xe, sang tiếng thứ 3, 4 là 35.000 đồng/xe/h, bắt đầu từ tiếng thứ 5 trở đi là 45.000 đồng/xe/h, phí gửi cả ngày là 300.000 đồng/xe.
Lý giải về sự tăng giá này, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Điều chỉnh giá trông giữ phương tiện là để hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là khu vực lõi đô thị là “để điều tiết nguồn thu từ giá trông giữ về ngân sách thành phố, tránh tình trạng người trông giữ trục lợi từ chính sách nên cần thiết phải tăng phí sử dụng hè, đường”. Ông Viện cũng khẳng định: Tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân, vì trên thực tế người dân đang phải trả cho các đơn vị, cá nhân trông giữ xe cao gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố.
Tuy nhiên, những người bị tác động của sự tăng giá này không nghĩ như vậy. Quá đột ngột, không có lộ trình cụ thể, và tăng quá cao so với túi tiền của người dân là phản ánh của nhiều chủ phương tiện trong những ngày đầu tăng giá trông giữ xe. Nhiều người cho rằng, phí gửi xe tăng chóng mặt trong khi các phương tiện công cộng phục vụ người dân thì vừa thiếu, vừa yếu khiến người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Phương tiện giao thông công cộng hiện giờ mới chỉ đáp ứng được trên 10% nhu cầu đi lại của người dân, đó là chưa nói đến chuyện chất lượng thế nào, đã làm hài lòng người tham gia giao thông chưa? Và cứ cho rằng, 10% phương tiện giao thông công cộng làm hài lòng người tham gia giao thông thì điều đó cũng có nghĩa 90% còn lại là phương tiện cá nhân. Như vậy việc tăng giá trong khi người dân không có sự lựa chọn nào khác là thiếu sòng phẳng.
Tất nhiên cái lý mà các cơ quan hữu trách biện giải cho sự tăng giá của mình là thực tế phí trông giữ phương tiện đã không đứng yên ở mức các cơ quan chức năng quy định. Giá này đã lỗi thời từ lâu vì thực tế giá đã tăng gấp rưỡi, gấp 2 thậm chí là gấp nhiều lần nếu vào các dịp lễ hội. Do đó tăng giá là để tránh sự trục lợi.
Tuy nhiên, lý giải này cũng khó chấp nhận. Vấn đề là chính sách ban hành cần phải có kiểm tra giám sát. Biểu giá một đằng, các chủ bãi trông giữ xe lại thu một nẻo, tiền ngân sách đã bị chảy vào túi ai đó mà chúng ta vẫn chấp nhận thực tế như vậy là điều khó chấp nhận. Cho nên dù tăng giá trông giữ phương tiện lên gấp 3 lần mà lỏng khâu giám sát thì người dân sẽ phải chịu giá cắt cổ.
KTS Đào Ngọc Nghiêm- phó chủ tịch Hội Quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc tăng phí gửi xe là chủ trương lập lại trật tự đường hè phố, đó cũng là giải pháp tiến tới thực hiện đô thị thông minh, giảm bớt phương tiện giao thông cá nhân, khai thác sử dụng hiệu quả phương tiện giao thông công cộng, đồng thời là phương án tăng nguồn thu ngân sách, quản lý sử dụng vỉa hè đúng mục đích.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng lưu ý, việc tăng giá vé gửi xe cần có lộ trình hợp lý. Trước tiên phải đẩy mạnh hơn nữa không gian công cộng, xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng và tuyên truyền rộng rãi đến người dân để họ hiểu và thực hiện.
“Điều đó cũng có nghĩa, tăng phí trông giữ xe khi chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết là hơi vội vàng và thực tế có sự tác động không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Việc này chỉ được coi là giải pháp tình thế, còn về lâu dài phải tạo ra lộ trình đồng bộ để giảm áp lực giao thông cho Hà Nội, chứ không phải trông chờ vào việc tăng phí như thế này”- theo ông Nghiêm.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có tổng số 939 điểm trông giữ xe, trong đó hơn 600 điểm trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường. Hàng năm, Hà Nội đều tổ chức nhiều đợt ra quân chấn chỉnh tình trạng thu phí trông giữ xe sai quy định nhưng khi các đợt kiểm tra qua đi, vi phạm lại tái diễn. Vấn đề đặt ra là cùng với viêc tăng phí trông giữ xe, cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra thì đối tượng sử dụng lòng đường, vỉa hè mới chấp hành. Trong trường hợp không chấp hành thì phải có chế tài xử lý mạnh tay.
Việc ban hành chế tài phải đồng bộ để xử phạt vi phạm số tiền gấp bao nhiêu lần hoặc rút giấy phép khai thác lòng đường, vỉa hè thì mới được. Hà Nội ban hành quy định nâng giá vé gửi xe lên như thế, nếu lại thiếu kiểm tra, kiểm soát thì người dân sẽ è cổ ra gánh chịu. Nếu ban hành chính sách xong lại thả nổi thì không biết tiền thu được có về được ngân sách thành phố hay lại chảy vào túi ai đó?
Tăng giá trông giữ ôtô, xe máy từ 1.1.2018: Người dân thủ đô “méo mặt” Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa ... |
Hà Nội tăng phí trông giữ ô tô xe máy, ai được hưởng lợi? Đại biểu Hoàng Huy Được: “Khi tăng phí, ai là người sẽ được thụ hưởng và TP sẽ thu về được bao nhiêu tiền từ ... |