Thuế GTGT là thuế gián thu, làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên và tác động mạnh đến người nghèo.

Người thu nhập thấp bị tổn thương

Bộ Tài chính vừa đưa ra đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo hai phương án.

Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1 và việc tăng thuế GTGT là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Giải thích lý do muốn tăng thuế thuế GTGT (VAT) từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính cho rằng, số lượng quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, ví thuế GTGT như vãi thóc cho cả đàn gà, gà to gà lớn gì đều bị cả.

Theo ông Nghĩa, thuế GTGT là thuế gián thu, làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên và tác động mạnh đến người nghèo.

tang thue gia tri gia tang len 12 dan ngheo chiu thiet
Tăng thuế GTGT làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên và tác động mạnh đến người nghèo. Ảnh: TTO

Tương tự, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, với việc tăng thuế GTGT lên 12 %, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập.

“Tăng thuế GTGT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn. Do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, ông Tự Anh khẳng định với tờ Dân Việt. Vị chuyên gia cũng nhận định, tỷ trọng đóng góp của thuế GTGT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU, là những nước có thuế suất GTGT thuộc nhóm cao nhất thế giới.

“Việc tăng thuế GTGT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả”, vị chuyên gia khẳng định.

Tác động đến người dân và cả nền kinh tế

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Thị Thìn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, thuế GTGT là nguồn thuế gián thu nhưng ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, tăng thuế thì giá cả hàng hóa tăng, sẽ tác động đến đời sống người dân và cả nền kinh tế.

“Nếu tăng thuế trực thu mới đánh vào người giàu, người có thu nhập cao và thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến sẽ bình đẳng hơn. Nếu chỉ tăng thuế giá trị gia tăng sẽ điều tiết dàn đều, người giàu và người nghèo cũng chịu như nhau”, bà Thìn khẳng định với VOV.

Trong khi đó, chị Huyền (trú quận Tân Phú) cũng bày tỏ lo lắng cho túi tiền của gia đình mình trước việc tăng thuế VAT.

Theo chị Huyền, thuế VAT tăng nghĩa là từng bó rau, con cá cũng tăng, thậm chí cả những đồ dùng thiết yếu trong nhà như gạo, đường, nước mắm, muối, giấy vệ sinh, điện thoại, xăng xe...

"Mọi thứ đều tăng thì lấy gì bù vào? Chắc chỉ có nước thắt lưng buộc bụng”, chị Huyền than thở với tờ Tuổi trẻ.

Đề xuất miễn thuế linh kiện, ưu đãi doanh nghiệp cải tạo chung cư

Chiều 15/8 trong buổi họp báo tổ chức tại Hà Nội, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất miễn thuế tiêu thụ linh kiện ô tô sản xuất trong nước.

Theo đó, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ông Thi đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước như linh kiện, phụ tùng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng dự kiến trình Chính phủ 2 phương án để xem xét, cân nhắc.

Thứ nhất, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước. Phương án thứ 2, đó là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Trong một diễn biến khác, dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được Bộ Tài chính đưa ra xin ý kiến các cơ quan, ban ngành, tổ chức có đề nghị ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ.

Theo đó, những doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% tương tự như đang áp dụng đối với hoạt động đầu tư xây nhà ở xã hội hiện hành.

/ Hoàng Nam (Tổng hợp)/baodatviet.vn