Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như dòng vốn đầu tư dịch chuyển, áp lực thuế quan… Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, với những cải cách thể chế quyết liệt và tiềm năng của nền kinh tế, Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá.
- Chứng khoán những tháng cuối năm 2025: Cơ hội trong chu kỳ tăng trưởng mới
- Quyết tâm tăng trưởng 8,5%: Cú hích để bứt phá
![]() |
Tăng trưởng kinh tế có nhiều cơ hội để bứt phá |
Thách thức từ dòng vốn, thuế quan và tỷ giá
Theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế toàn cầu năm 2025 dự báo tăng trưởng 2,3%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức 2,8% của năm 2024, do các yếu tố địa chính trị và chiến tranh thương mại. Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế đạt 2,8% vào năm ngoái, nhưng năm nay chỉ còn 1,4%, trong khi Trung Quốc dự kiến đạt 4,5%, thấp hơn mục tiêu 5% của Chính phủ nước này, chủ yếu do khó khăn trong thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tứ 8% trong năm 2025, với kỳ vọng đạt 2 con số ở giai đoạn tiếp theo để tiến tới nhóm quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Đó là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định do căng thẳng thuế quan và xung đột địa chính trị.
Trong nước nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo đó tỷ giá đang chịu nhiều áp lực mà nguyên nhân một phần cũng do lãi suất tiền đồng giảm mạnh, trong khi Fed vẫn giữ nguyên lãi suất đồng USD kể từ đầu năm. Tính đến ngày 11/7/2025, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 2,4% so với USD. Tuy nhiên theo TS. Lực, dự báo cả năm VND chỉ mất giá 3-4%, mức chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan tới lãi suất, TS. Lực cho rằng, lãi suất huy động cần duy trì ở mức 5%, cao hơn lạm phát 4%, để khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng. Nếu lãi suất quá thấp, dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hay tài sản số.
Bên cạnh đó, sự bất ổn của kinh tế toàn cầu cũng khiến các nhà đầu tư từ bỏ các tài sản rủi ro để tìm đến những tài sản an toàn. Hệ quả là trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường chứng khoán ghi nhận tình trạng bán ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa hết, TS. Lực cũng chỉ ra, thủ tục hành chính phức tạp làm tăng chi phí logistics, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Báo cáo của Mỹ cho thấy Việt Nam còn 24 rào cản hành chính trong 9 lĩnh vực, cản trở đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Một thách thức lớn khác đến chính sách thuế quan của Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Tác động từ thuế quan không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp, khiến nhà đầu tư trì hoãn quyết định do tâm lý lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến niềm tin thị trường.
Cơ hội từ tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Thị trường chứng khoán tăng 15% từ đầu năm 2025, vượt mức 12% của cả năm 2024, với tỷ lệ phiên tăng điểm chiếm 80% trong sáu tháng gần đây, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn biến động đầu năm, khi tỷ lệ phiên giảm điểm chiếm 20%.
TS Cấn Văn Lực dự báo, trong 6 tháng cuối năm, khi Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và 12/2025, dòng vốn đầu tư sẽ quay trở lại Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng kinh tế 7-8% trong năm nay và 9-10% vào năm 2026.
Hiện ba động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, gồm: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều đạt kết quả tích cực. Theo đó xuất khẩu 6 tháng tăng 14%; tuy nhiên, xuất nhập khẩu ròng đóng góp âm 2,4% vào tăng trưởng kinh tế do nhập khẩu dịch vụ tăng cao, gây thâm hụt khoảng 5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tổng đầu tư toàn xã hội tăng gần 10%, trong đó đầu tư công đạt gần 300.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 20%, và dự kiến cả năm đạt 1 triệu tỷ đồng, tăng 30-31%, bao gồm 100.000 tỷ đồng vốn kết dư từ năm 2024.
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân chỉ tăng 7,5%, thấp hơn mức thông thường 16%; vì vậy cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vì chiếm 55% tổng đầu tư. Hiện có 2.887 dự án đầu tư bị ách tắc, với tổng vốn 5,9 triệu tỷ đồng (235 tỷ USD). Nếu giải phóng 10% số vốn này, khoảng 23 tỷ USD sẽ được đưa vào nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ.
Tiêu dùng 6 tháng cũng tăng 8%, với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,3% danh nghĩa, tương đương 7,7% thực tế sau khi trừ lạm phát.
Hiện thị trường bất động sản cũng đang phục hồi, nhưng còn thiếu bền vững, đặc biệt ở các phân khúc giá cao, không phản ánh đúng nhu cầu thực tế, chỉ mang lợi ích ngắn hạn cho một số nhà đầu tư...
Về đầu tư nước ngoài, Trung Quốc chiếm 37% dòng vốn FDI, đặc biệt tại Bình Dương, là điểm sáng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cạnh tranh và mất thị phần nội địa. Ngành điện tử có nhu cầu nội địa chiếm 85%, nhưng chỉ đáp ứng 15-20% sản lượng, cần nâng cao năng lực sản xuất.
Đặc biệt theo TS. Lực, cải cách thể chế đang được đẩy mạnh là một động lực quan trọng, với bốn trụ cột: khoa học công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới thể chế, và phát triển kinh tế nhà nước, y tế, giáo dục.
Quốc hội cũng đã thông qua nhiều luật, như Luật Công nghiệp Công nghệ số, công nhận tài sản số, và sửa đổi Hiến pháp trong hai tháng, thể hiện quyết tâm cải cách. Việc sáp nhập các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương vào TP. Hồ Chí Minh cũng tạo không gian phát triển mới, hỗ trợ mở rộng khu công nghiệp, cảng biển và sân bay Long Thành....
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, nơi cơ hội và thách thức đan xen
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, nơi cơ hội và thách thức đan xen. Dòng vốn dịch chuyển, áp lực thuế quan và tỷ giá đòi hỏi các chính sách linh hoạt và cải cách quyết liệt. Tuy nhiên, với các cải cách thể chế mạnh mẽ và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. Để đạt phát triển bền vững, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ rào cản hành chính, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Những bước đi này sẽ giúp Việt Nam vượt qua thách thức và củng cố vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.
https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-kinh-te-co-nhieu-co-hoi-de-but-pha-167732.html