Sau 4 lần thay đổi quyết định phê duyệt, dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê từ 72 tỉ đồng tăng lên 2.595 tỉ đồng
dự án
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước vừa được Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội nêu rõ tình trạng điều chỉnh đầu tư công với giá trị rất lớn. Trong đó, một dự án ở tỉnh Ninh Bình điều chỉnh từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng, tăng đến 36 lần!
"Phình to" do xin nhỏ cho dễ
Đó là dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (thuộc Khu Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), triển khai từ năm 2001.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Ninh Bình, cho biết dự án đã 4 lần thay đổi quyết định phê duyệt và tăng vốn lên 2.595 tỉ đồng là do lúc đầu chỉ thực hiện nạo vét sông Sào Khê với chiều dài 14 km. Những lần sau đó, dự án được bổ sung nhiều hạng mục khác như mở rộng nạo vét từ 20 m ra có đoạn lên tới 140 m, làm kè nhiều đoạn bờ sông, xây đường phòng hộ, xây cống tưới tiêu nước, cầu qua sông và các công trình văn hóa dọc bờ sông… Ngoài ra, dự án này tiếp nhận thêm dự án đào sông Trường An nối sông Sào Khê với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng.
"Trong 2.595 tỉ đồng tổng mức đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ là 1.108 tỉ đồng, ngân sách trung ương cấp 177 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 200 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa trên 920 tỉ đồng... Dự án đã giải ngân 1.223 tỉ đồng và không giải ngân tiếp nên thi công dang dở" - ông Vinh lý giải.
Ghi nhận vào chiều 22-5 cho thấy dự án thi công dang dở khắp nơi. Nhiều đoạn bờ sông đất đá đổ nham nhở. Dưới sông đá lởm chởm. Thậm chí, có nơi cầu xây xong đã nhiều năm nhưng chẳng có đường lên…
Trả lời về sự "phình to" dự án, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh thẳng thắn: "Không chỉ dự án này mà tâm lý chung nhiều nơi là khi lập dự án cứ làm sao để được xếp vào danh mục, cố gắng "nén" quy mô vừa vừa để dễ được chấp nhận. Thực tế thì muôn hình vạn trạng. Khi triển khai thì không thể chấp nhận dự án hụt chỗ nọ, hẹp chỗ kia, phải làm đến nơi đến chốn, cho nên nó "nở" dần ra".
Về trách nhiệm, bà Thanh cho rằng trước hết là lỗi cơ chế và là "lỗi tổng hợp". "Đương nhiên chủ đầu tư có trách nhiệm chính. Các cơ quan cũng có trách nhiệm liên quan. Tình huống phát sinh thì cũng có nhưng không phải tất cả. Thẩm định sai, khi kiểm toán có vấn đề thì quy trở lại truy trách nhiệm" - bà Thanh nhìn nhận.
Nhiều đoạn dự án nạo vét sông Sào Khê thi công dang dở, trong đó có cầu xây xong nhiều năm nhưng không có đường lên Ảnh: Thanh Tuấn
Còn 4 lĩnh vực lãng phí
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá có 4 lĩnh vực còn lãng phí, gồm: quản lý đất đai; sử dụng tài sản nhà nước; đầu tư công và các hoạt động lễ hội khởi công, động thổ.
Theo bà Mai, nguyên nhân chính là không tuân thủ kỷ luật tài chính. Ví dụ, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu không phát sinh nợ xây dựng cơ bản sau ngày 31-12-2016 nhưng vẫn phát sinh nợ đọng rất lớn. Bên cạnh đó, giải ngân chậm tiến độ hết sức trầm trọng. Năm 2017, giải ngân đầu tư chỉ đạt 41% trái phiếu Chính phủ, Chính phủ lý giải vì đó là năm đầu thực hiện kế hoạch nhưng năm thứ 2-3 cũng chỉ giải ngân được hơn 60%. Bà Mai cho rằng phải xem xét trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương vì dự án kéo dài phát sinh trả lãi, chậm đưa công trình vào sử dụng, gây lãng phí.
Trước đó, Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2017.
Theo đó, năm 2017, số ôtô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỉ đồng. Số ôtô công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá 1.139,41 tỉ đồng. Trong tổng số 2.604 ôtô công tăng của năm 2017 thì có 1.523 xe tăng do tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là 1.234,32 tỉ đồng. Còn lại, số xe công mua mới là 1.081 chiếc với tổng nguyên giá là 1.030,85 tỉ đồng. Như vậy, hiện tổng số ôtô công là 39.425 chiếc với tổng nguyên giá 25.554,21 tỉ đồng, chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận xét: "Rõ ràng thấy còn lãng phí, cứ rủ nhau đi thăm đi viếng các tỉnh gì mà lắm thế! Tiêu chuẩn ôtô rất quan trọng. Nếu có kết luận của cấp có thẩm quyền giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách ôtô công thì từ nay đến năm 2020 giảm 30%-50% đầu xe công. Vừa rồi, Chính phủ bỏ phiếu cũng đã cơ bản đồng ý".
Gây sức ép lên nợ công
Bà Vũ Thị Lưu Mai nêu cảnh báo đáng lo ngại là việc sử dụng vốn ODA chưa hiệu quả, vi phạm nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công trong hạn. Nghị quyết quy định trần huy động là 300.000 tỉ đồng nhưng kết quả thực hiện đã vượt 173.000 tỉ đồng là vượt ngưỡng thanh toán, gây sức ép lên nợ công vốn đã chạm trần. Trong khi đó, nền kinh tế thiếu vốn đầu tư nhưng thực chất là sử dụng không hiệu quả. Năm 2016 có 279.000 tỉ đồng chuyển nguồn sang năm 2017, trong đó có vốn đọng lại trong các dự án là lãng phí vô cùng lớn.
Thế Dũng - Thanh Tuấn
BOT: Vì sao trạm thu phí chuyển thành trạm thu giá? Vì sao trước đây các trạm thu phí BOT thu phí BOT để hoàn vốn dự án nhưng từ 1/1/2017 lại xuất hiện thuật ngữ ... |
Kiểm toán Nhà nước: Dự án BT chiếm dụng vốn ngân sách Những ưu ái về thanh toán, giao đất cho nhà đầu tư các dự án BT, theo cơ quan kiểm toán không làm giảm hơn ... |
Cái giá của sự lãng phí Người dân đang có thể bắt gặp ở bất cứ đâu những sự lãng phí đến vô lý: Những dự án nước bạc tỉ không ... |
Bộ Tài chính đã tính thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ Kiểm toán Nhà nước cho rằng Bộ Tài chính tổng hợp chưa đủ nợ nước ngoài của Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ... |