Theo chuyên gia, người tính giá không nắm được chuyên môn, cơ quan giám sát không ràng buộc, quy trách nhiệm dẫn đến giá dự án bị tính tùy tiện.

Trước việc UBND TP Hà Nội sẽ được hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh nguồn vốn của Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng tức tăng 16.123 tỷ đồng), chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông đánh giá, việc tính toán giá cả dự án, quy hoạch và lên phương án tiền khả thi của Hà Nội rất ẩu, nếu không muốn nói là tùy tiện, thiếu tầm nhìn và thiếu hợp lý.

"Tôi cho rằng có hiện tượng lợi ích nhóm ở đây. Dư luận có quyền nghi ngờ có khoản chi không tên được đưa vào nên tổng mức đầu tư dự án mới đội lên cao như vậy.

Người tính giá rõ ràng đã sai, họ hoặc không nắm được chuyên môn hoặc không làm hết trách nhiệm của mình cũng như không có mục tiêu rõ ràng.

Còn cơ quan quản lý giám sát lại không ràng buộc, không có một hợp đồng chặt chẽ để quy trách nhiệm cho người tính giá để rồi cuối cùng họ tính tùy tiện, để tiền thuế của người dân bị trôi nổi, lãng phí, chưa nói là thất thoát đi đường nào", TS Nguyễn Xuân Thủy nghiêm khắc nói.

tang von khung cho duong sat so 2 ai chiu trach nhiem

Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn nhiều lần. Ảnh: VnEconomy

Theo vị chuyên gia, điều quan trọng là trước khi đồng ý cho Hà Nội điều chỉnh vốn tuyến đường sắt số 2 cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao tăng giá dự án. Dự án có thể tăng 5-10%, nhưng không thể tăng một lúc mấy chục phần trăm như con số đưa ra ở trên.

Việc tính toán giá cả dự án rất phức tạp, thể hiện tính trách nhiệm và chuyên môn sâu, TS Thủy cho biết. Trước hết, phải xem quy mô dự án thế nào, sử dụng công nghệ gì, công nghệ đó trên thế giới làm ở đâu và khi làm thì cần những thiết bị gì, tổng khái toán là bao nhiêu tính đến thời điểm đó... Phải cập nhật cả những phương án tương tự trên thế giới để biết được giá cả thực tế của nó, sau đó áp vào điều kiện của Việt Nam, đó là: giá công nhân rẻ, giá vật tư rẻ, chi phí vận tải thấp, yêu cầu công nghệ không cao.

"Chính vì thế, nếu tính trong điều kiện Việt Nam thì giá dự án của Việt Nam bao giờ cũng thấp hơn giá của nước ngoài. Từ đó, sẽ có một giá tổng thể sát với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Mức giá này chỉ chênh lệch 5-15%, chứ không thể hàng chục % như dự án tuyến đường sắt số 2 của Hà Nội", nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông nói.

Nhấn mạnh quan điểm việc nâng giá dự án là việc làm tùy tiện, không có ai chịu trách nhiệm, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, lãnh đạo TP Hà Nội và Chính phủ cần rà soát xem bộ phận nào được phân công tính giá, thẩm định giá? Tại sao giá lại tăng vọt?

Nhắc lại nhiều dự án đội vốn khủng trước đây, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, TS Thủy bày tỏ, không thể chấp nhận việc tăng giá dự án chênh lệch quá lớn như vậy. Ngoài việc cho thấy người tính toán dự án đã rất ẩu, nó còn tạo ra tiền đề xấu, đó là: tính thế nào cũng được và khi nó tăng, giảm thì không có ai chịu trách nhiệm.

"Rõ ràng việc quản lý đồng tiền của Nhà nước và người dân rất thiếu trách nhiệm, không chỉ ở người phụ trách tính toán giá cả mà còn ở cả những người phân công - những cơ quan cấp trên.

Những cơ quan ấy đã phân công không đúng cán bộ, quản lý không chặt chẽ, không có mục tiêu rõ ràng đối với việc tính giá dự án và không có sự ràng buộc về trách nhiệm.

Lẽ ra phải đặt ra yêu cầu việc tính giá không được chênh lệch quá 5-15%, nếu vượt thì sẽ cho người tính giá ra khỏi vị trí đó và để người khác làm. Có như thế người ta mới làm hết trách nhiệm", ông chỉ rõ.

Cũng theo TS Thủy, việc UBND TP Hà Nội phải hoàn thiện nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu đã cung cấp chẳng khác gì hành động "mất bò mới lo làm chuồng", mà cái chuồng mới chưa chắc đã tốt, biết đâu làm xong rồi lại bắt đầu đội giá lên.

Vì thế, ông đề nghị Bộ KHĐT, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm về chuyện này, không thể để đồng tiền của người dân trôi nổi như vậy.

"Khi tính toán một công trình, dự án phải xác thực, phải làm hết trách nhiệm và phải có sự ràng buộc nhà thầu. Việt Nam đã có nhiều bài học chua xót với nhiều dự án đầu tư công khi buông lỏng quản lý để rồi nhà thầu cứ thế đội vốn lên, gây lãng phí lớn cho đất nước".

tang von khung cho duong sat so 2 ai chiu trach nhiem Đường sắt số 2 đội vốn 16.123 tỷ: Ai cũng sốc

Việc tăng vốn tùy hứng như vậy cũng chỉ có thể xảy ra trong các dự án đầu tư công

tang von khung cho duong sat so 2 ai chiu trach nhiem Đường sắt số 2 "đội vốn" hơn 16 nghìn tỷ: Chính phủ vào cuộc

Dự án được UBND Hà Nội phê duyệt dự án từ năm 2008, tính đến nay, 5 gói thầu chính đã cơ bản thực hiện ...

Thành Luân

/ Đất Việt