Dư luận đang dồn sự quan tâm đến quyền lợi của những người bị hại trong vụ việc lừa đảo diễn ra trên diện rộng tại Công ty cổ phần Ðịa ốc Alibaba.

Ở một góc khác, việc Alibaba "hóa phép" tăng vốn điều lệ từ mức 20 tỷ đồng khi thành lập năm 2016 lên 1.600 tỷ đồng vào năm 2017 và 5.600 tỷ đồng vào năm 2019 cũng đang đặt ra những câu hỏi lớn. Phải chăng loại hình công ty cổ phần dễ dàng tăng vốn như vậy và nếu một công ty, sau khi tăng vốn "khủng" và làm đẹp báo cáo tài chính, nộp hồ sơ lên sàn thì sao?

Theo quy định hiện hành, thủ tục tăng vốn của các doanh nghiệp khi chưa phải là đại chúng rất đơn giản: Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi số vốn đăng ký.

Chỉ sau khi doanh nghiệp là công ty đại chúng, nếu muốn tăng vốn, doanh nghiệp bắt buộc phải có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và sẽ khó có cơ hội tự vẽ vốn cho mình.

 Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, TTCK Việt Nam từng là nơi chịu hậu quả cho quá trình tăng vốn bất thường của doanh nghiệp trước khi lên sàn.

Không ít doanh nghiệp “cấp tập” tăng vốn, lớn thật nhanh, sau đó đưa cổ phiếu lên sàn, làm đẹp hình ảnh công ty, tạo thanh khoản và giữ thị giá cao một thời gian, rồi lặng lẽ tụt dốc, để lại cho nhà đầu tư mớ giấy lộn, vô nghĩa.

Mã NHP của Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu NHP là một trong số những mã như thế khi hiện treo ở giá 500 đồng/cổ phiếu, trong khi chào sàn với giá 15.600 đồng/cổ phiếu rồi tăng liền mạch lên trên 22.000 đồng/cổ phiếu và sau đó rớt thảm.

6 tháng trước thời điểm niêm yết trên sàn HNX, NHP tăng vốn liền 3 lần, từ 25 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng lên 275 tỷ đồng thông qua bán ưu đãi thưởng cổ phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu…

Ðại hội đồng cổ đông NHP mới đây chỉ có 5 cổ đông tham dự trong sự lay lắt của mất mát. Những người dựng lên doanh nghiệp và làm đẹp doanh nghiệp thời mới lên sàn nay tan tác ở đâu…

Mã KSH của Công ty cổ phần Khoáng sản Hà Nam cũng có quá trình tăng vốn ấn tượng trước niêm yết 1 năm, khi từ 5 tỷ đồng ban đầu, tăng lên 25 tỷ đồng và sáp nhập thêm 2 công ty khác, tăng vốn lên gần 120 tỷ đồng, đổi tên thành Tổng công ty rồi lên nộp hồ sơ sàn niêm yết.

Những nhà đầu tư mua KSH giờ gần như mất trắng khi cổ phiếu treo ở giá 800 đồng/cổ phiếu và hầu như không có giao dịch.

Bên cạnh lý do khó khăn kinh doanh, hậu quả tất yếu của các doanh nghiệp, các cổ phiếu bị “đội vốn”, tăng vốn không thực chất trước thời điểm lên sàn là rơi về đúng quỹ đạo giá trị ảo sau một thời gian “quay chong chóng” giữ giá, để lại sự mất mát cho rất nhiều nhà đầu tư không hiểu chuyện, mua nhầm.

TTCK Việt Nam có trên 1.500 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng trong số này có trên 100 doanh nghiệp đang có giá giao dịch cổ phiếu rẻ hơn cốc trà đá (2.000 đồng).

Những cổ phiếu yếu, doanh nghiệp yếu là một mảng tối của TTCK Việt Nam. Vậy làm thế nào để hạn chế mảng tối này?

Ngoài việc trông chờ vào đạo đức nghề nghiệp của các chủ thể có liên quan đến quá trình đưa một cổ phiếu lên sàn, gồm doanh nghiệp, công ty tư vấn, công ty kiểm toán, đơn vị xét duyệt hồ sơ (Sở GDCK), để giám sát sức khỏe tài chính doanh nghiệp, cần có một hệ sinh thái thông tin liên thông về nhiều mảng.

Nếu thông tin về có lịch sử tín dụng, quá trình thực thi nghĩa vụ thuế, thực hiện trách nhiệm xã hội… của doanh nghiệp được công khai và dễ dàng thẩm định, thì nhà đầu tư đỡ phải đón nhận thêm những cổ phiếu rác trên sàn.

Câu chuyện Alibaba tăng vốn khủng, tự tung tự tác chào bán bất động sản ảo, thu lời bất chính đang chờ chế tài xử lý của pháp luật.

May là, doanh nghiệp chưa phải đại chúng, nên sự làm giả, làm ảo trên chỉ gây mất mát trọng yếu cho các khách hàng của Alibaba. Nếu trên sàn chứng khoán để lọt những doanh nghiệp tăng vốn kiểu Alibaba, thì khi doanh nghiệp không thể che dấu thêm sự yếu kém, thiệt hại sẽ rất khó lường.

/ vtc.vn