Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo cơ hội cho hàng triệu người thuộc nhóm đối tượng chính sách xã hội có một mái ấm, an cư lạc nghiệp. Để hiện thực hóa chủ trương này, thời gian qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã tập trung rà soát các quy định của pháp luật, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đề án kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cung, góp phần làm giảm giá nhà, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhiều lao động.

Theo Bộ Xây dựng, đến quý IV/2022, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155,8 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.

Hiện nay, đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng 454 nghìn căn, tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300 nghìn căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án, với quy mô 156,7 nghìn căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Trước đó, khi trả lời chất vấn của địa biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được Nhà nước quan tâm, nhất là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân. Thời gian qua, tuy việc xây nhà ở xã hội đã đạt được kết quả nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa như mong muốn, hiện mới đạt được 7,79 triệu m2 so với yêu cầu là 12 triệu m2. Như vậy, nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, một số tồn tại là quy định pháp luật còn vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở và Luật khác có liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư, giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê. Đây là những hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội. Việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, mới đáp ứng được 35% yêu cầu.

Trong khi đó, một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội; chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đưa ra đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030). Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều điều kiện về chính sách và sự thuận lợi của thị trường bất động sản nói chung.

5358_nha_o_xa_hoi_2
Dự án nhà ở xã hội ở tỉnh Khánh Hòa

Nhiều bất cập chưa được giải quyết

Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân trong đó khó khăn về cơ chế, chính sách đất đai.

Ông Trần Văn Khải cho rằng, đây là một nút thắt lớn khiến việc thực hiện "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" không thành công. Bộc lộ rõ nhất là việc thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Nguyên nhân là do vẫn có tình trạng chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359 ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu. Với quỹ đất nhà ở xã hội đã có trong quy hoạch thì chủ đầu tư nhà ở thương mại chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa thể triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, thủ tục giao đất phức tạp, kéo dài, khó tiếp cận cũng làm doanh nghiệp nản lòng.

Dù nhà ở xã hội là lĩnh vực được ưu tiên về mặt thủ tục hành chính nhưng đã có nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, không khác gì với dự án nhà ở thương mại. Thậm chí, một thủ tục mà mất 3 năm vẫn chưa làm xong. Ví dụ, với quy định nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng thay vì cấn trừ luôn để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì cơ quan chức năng vẫn thẩm định như dự án nhà ở thương mại. Sau khi ra quyết định số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng, nhà nước mới ra quyết định miễn. Có lẽ, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp nản lòng, không muốn làm nhà ở xã hội. Bởi lẽ, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì lợi nhuận thấp trong khi thủ tục hành chính kéo dài.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phản ánh có nhiều vướng mắc liên quan các quy định, thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án…

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc công ty Luật ANVI cho rằng, hiện nay cần giải quyết gấp các vướng mắc pháp lý của các dự án đã và sắp hoàn thiện, nhất là nhà ở xã hội và nhà ở khác thuộc phân khúc bình dân. Về sản phẩm thì phải chấp nhận giải pháp tình thế để khắc phục việc lệch pha cung - cầu.

“Bởi thời điểm này thị trường đang dư thừa tới trên 70 triệu mét vuông sàn nhà ở trung - cao cấp, trong khi sản phẩm nhà ở còn lại rất thiếu hụt. Sự gia tăng nhanh chóng của nhà ở thương mại và nhà ở riêng lẻ giá cao, trong khi số lượng nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân hạn chế đang khiến tình trạng mất cân bằng giữa các loại hình nhà ở trên địa bàn cả nước.”- luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

5832_18422xh
Nhà ở xã hội của Thành phố Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần quyết liệt, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc; sửa đổi, hoàn thiện các quy định theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết đối với dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về phát triển nhà ở xã hội. Bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp nhằm tạo thuận lợi nhất để các DN hào hứng chung tay phát triển nhà ở xã hội.

Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra một số giải pháp cụ thể, nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ưu tiên sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó, Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ quy định theo hướng dễ thực hiện. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP năm 2021, Chính phủ quy định trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm các bước.

Một là, chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Về vấn đề tài chính, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay có hai nguồn lực cho nhà ở xã hội. Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.

Nguồn thứ hai được xác định theo chương trình phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15.000 tỷ đồng.

Như vậy từ hai nguồn này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đến 9.994 tỷ đồng, tức gần 10.000 tỷ đồng; cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong 9.994 tỷ này có 3.717 tỷ thuộc chương trình phục hồi theo Nghị quyết 11 vừa qua, với số lượng khách hàng 9.527 khách hàng.

Tiếp theo là sử dụng nguồn của các NHTM cho vay nhưng có cơ chế ưu đãi của nhà nước. "Phần này thì các Bộ ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các NHTM. Tuy nhiên, một là chưa có tiền, thứ hai là chưa hoàn thiện cơ chế nhưng các NHTM đang rất sẵn sàng", Phó Thống đốc thông tin.

Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, hiện còn có nguồn từ NHTM cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

"Đây cũng là một trong những chủ trương nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 vừa qua và năm 2023 này. NHNN vẫn xác định đây là đối tượng khuyến khích cũng như chỉ đạo các NHTM tập trung cho vay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Hà An / Thời báo Ngân hàng