Hãng thông tấn Trung Quốc dẫn nguồn Sở Ngư nghiệp và Hải dương Hải Nam cho biết các tàu trên xuất phát từ cảng Nhai Châu ở Tam Á và trực chỉ các vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ cũng như các khu vực khác ở Biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc rầm rộ ra khơi. Ảnh: Reuters |
Giới hữu trách Hải Nam còn cho biết lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở Biển Đông, kéo dài 3 tháng rưỡi, đã chấm dứt vào ngày 16/8, với hàng chục ngàn tàu cá quay lại hoạt động bình thường.
Hoàn Cầu thời báo đưa tin hơn 18.000 tàu cá, 66.000 thủy thủ và 260.000 ngư dân thuộc tỉnh Hải Nam đã quay về cảng nhà khi cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1/5.
Trước đó, trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5- 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam phản đối lệnh cấm này, theo TTXVN.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc bởi chúng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 4/5/2017.
Người phát ngôn nhấn mạnh quy định này của phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã phản đối sau khi có thông tin lệnh cấm đánh bắt cá được phía Trung Quốc ban hành.
Trong khi đó, lệnh cấm cá do Trung Quốc đơn phương áp dụng ở Hoa Đông đã chấm dứt vào ngày 1/8, theo Tân Hoa xã.
Theo Tạp chí Nikkei Asian Review, Nhật Bản đặc biệt quan ngại về hoạt động của tàu cá Trung Quốc, vốn bị nghi ngờ nhằm che đậy hoạt động phi pháp của các tàu quân sự Trung Quốc.