Tàu Tiêu Tác của Trung Quốc và tàu Soobrazitelny của Nga cùng diễn tập các hoạt động cứu nạn và rà phá thủy lôi ở Vịnh Phần Lan.

SCMP ngày 31/7 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu hộ tống Soobrazitelny của Hạm đội Baltic và tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D Tiêu Tác (Jiaozuo) của Hải quân Trung Quốc đã tập trận chung ở Vịnh Phần Lan.

Tàu Tiêu Tác, được tàu hỗ trợ Type 903A Hồng Hồ (Honghu) hộ tống, đã đến Biển Baltic 10 ngày trước đó.

Tàu Tiêu Tác xuất hiện trong lễ kỷ niệm ngày hải quân Nga trước cuộc tập trận chung ở Baltic. (Ảnh: SCMP)

Tàu Tiêu Tác xuất hiện trong lễ kỷ niệm ngày hải quân Nga trước cuộc tập trận chung ở Baltic. (Ảnh: SCMP)

Theo Tass, tàu Tiêu Tác và tàu Soobrazitelny cùng diễn tập các hoạt động cứu nạn và rà phá thủy lôi ở Vịnh Phần Lan.

Là một trong những tàu chiến tiên tiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tàu Tiêu Tác có sức mạnh tương đương với tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ và được trang bị tên lửa siêu thanh.

Vịnh Phần Lan ngăn cách Phần Lan và Estonia, cả hai đều là quốc gia thành viên của NATO. Phần Lan, quốc gia có đường biên giới chung dài 1.330 km với Nga, đã gia nhập liên minh này vào năm ngoái sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

NATO đang theo dõi chặt chẽ quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga, bao gồm các cuộc tuần tra chung trên biển gần đảo Jeju của Hàn Quốc vào đầu tháng này và một cuộc tập trận gần thành phố cảng Trạm Giang, miền nam Trung Quốc.

Tháng này, quân đội Trung Quốc cũng tham gia một cuộc tập trận "chống khủng bố" với Belarus, một đối tác quan trọng của Nga. Cuộc tập trận gần Brest nằm ngay bên kia biên giới với Ba Lan và cách Ukraine 28 km.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo NATO đưa ra Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Washington hôm 11/7, trong đó nêu rõ mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga là vấn đề "đáng quan ngại sâu sắc".

NATO chỉ trích lập trường của Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại về "quan hệ đối tác không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moskva, cũng như "sự hỗ trợ quy mô lớn" của Trung Quốc cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trung Quốc đã kêu gọi đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Nga và Ukraine, nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva, trong khi mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu.

Hoa Vũ / VTC News