Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 cùng ít nhất hai tàu hộ tống rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 24/10, theo Reuters.
Hãng thông tấn Reuters dẫn dữ liệu của Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi tàu thuyền trên biển, cho biết sau khi rời vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam trên Biển Đông, nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 đang thực hiện hành trình hướng về phía Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm qua, khi được hỏi về thông tin nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng con tàu bắt đầu "hoạt động khảo sát khoa học" từ đầu tháng 7 và "hiện công việc đã hoàn tất".
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Gulf Times. |
Địa chất Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam, Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu này và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực.
Trong cuộc họp báo hôm 12/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối hành vi của nhóm tàu cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, khẳng định hoạt động vi phạm của nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hữu nghị giữa hai nước, với hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và ở khu vực.
Nhiều nước trên thế giới cũng như ASEAN đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế. Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật Bản, Australia hồi tháng 8 ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng đối với những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí lâu dài ở Biển Đông.
Huyền Lê (Theo Reuters)