Ngành chức năng tại tỉnh Đắk Nông phát hiện 1 cơ sở sơ chế càphê tại gia đình bà Nguyễn Thị Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) chứa hàng tấn càphê bẩn nghi sử dụng bột pin để nhuộm vào cho càphê.
cà phê Tây Nguyên |
Pin Con Ó đập bẹp nghi nhuộm với vỏ cà phê. Ảnh: PV
Đây không phải là lần đầu tiên, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên phát hiện tình trạng làm càphê bẩn, nhưng là lời cảnh báo vấn nạn thực phẩm bẩn đang ngày càng tinh vi, phức tạp.
Càphê “độc”?
Ngày 17.4, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49), Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng Thanh tra Sở NNPTNT kiểm tra cơ sở chế biến càphê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan và phát hiện trong xưởng của bà Loan có hàng chục tấn càphê nghi chế biến bẩn. Tại hiện trường, ngành chức năng phát hiện một số công nhân tại cơ sở bà Loan lấy vỏ càphê trộn với đất đá và nghi nhuộm pin Con Ó, sau đó đóng thành từng bao 50kg. Người dân địa phương cho biết, cơ sở sản xuất càphê của bà Loan hoạt động từ năm 2016 đến nay. Cơ sở này nằm ở 1 bãi đất trống, xa khu dân cư, đóng cửa kín mít, nên người dân địa phương không biết.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông) - thông tin: Làm việc với đoàn liên ngành, bà Loan không khai nhuộm pin với vỏ càphê để làm gì. Tuy nhiên, bà này khai rằng, sau khi nhuộm vỏ càphê, nếu có khách hàng tìm mua thì cơ sở này sẽ bán. “Vụ việc liên quan đến sức khỏe người dân nên chúng tôi phải điều tra, xác minh vô cùng cẩn thận, tránh gây hoang mang dư luận. Hiện, công an vẫn đang xác minh có hay không việc bán vỏ càphê nhuộm bằng pin này ra thị trường trong miền Nam,” - ông Chương nói.
Thông tin càphê nhuộm pin Con Ó hay vỏ càphê được nhuộm pin tại cơ sở của bà Loan vẫn đang được cơ quan làm rõ, tuy nhiên, đây quả thật là lời cảnh báo về vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn hoành hành, gây ảnh hướng xấu tới sức khỏe người tiêu dụng. Đại diện lãnh đạo 1 Cty càphê lớn tại Đắk Lắk thừa nhận, tình trạng càphê bẩn thời gian qua gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu càphê sạch Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. “Thương hiệu càphê của chúng tôi và một số thương hiệu càphê tại Tây Nguyên thường xuyên bị làm giả gây lẫn lộn, mất uy tín. Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác, phải lựa chọn những sản phẩm sạch, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng trên thị trường “ - vị này nói thêm.
Vàng thau lẫn lộn
Hiện chưa có thống kê nào từ các cơ quan chức năng về các cơ sở chế biến càphê bẩn; độn ngũ cốc, sử dụng hóa chất chế biến. Nhưng theo khảo sát cuối năm 2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam về hàm lượng cafein trong 253 mẫu càphê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam khiến nhiều người giật mình. Theo kết quả kiểm tra, tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng, có tới gần 1/3 lượng càphê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l), đặc biệt đáng báo động có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh càphê khác nhau gồm: Càphê quán (cửa hàng lịch sự); quán càphê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; càphê vỉa hè và xe đẩy.
Thực tế, tại Đắk Nông, cơ quan chức năng đã từng phát hiện nhiều cơ sở chế biến càphê bẩn. Việc làm càphê bẩn bằng hóa chất, bột bắp, đậu nành vẫn tồn tại bởi sẽ giúp chủ cơ sở giảm chi phí sản xuất trong khi lợi nhuận cao. Ông Lê Như Hiền - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông - thông tin: “Đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện một số cơ sở chế biến càphê không đảm bảo chất lượng. Đối với những cơ sở chế biến càphê không đảm bảo chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường thường đem mẫu đi các trung tâm lớn kiểm định. Nếu không đảm bảo chất lượng, đơn vị sẽ căn cứ xử lý những chủ cơ sở càphê theo quy định. “Việc sử dụng pin trong sản xuất vỏ hay hạt càphê từ trước đến nay Đắk Nông chưa từng phát hiện, nhưng nếu đúng như vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng” - ông Hiền nói.
Cà phê "nhuộm" pin, thuốc ung thư trộn than tre: Người Việt đang tự giết mình Hành vi sử dụng pin Con Ó để nhuộm màu cho cà phê đang được cơ quan có thẩm quyền xác minh nhưng rõ ràng, ... |
Cận cảnh cơ sở sản xuất cà phê trộn lõi pin Cơ quan chức năng đang kiểm đếm hàng chục tấn cà phê bẩn trộn với lõi pin chuẩn bị xuất ra thị trường. Tại cơ ... |
Uống cà phê bị trộn pin nguy hiểm ra sao? Chủ cơ sở mua pin con ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản ... |