Trung Quốc đã chi phối Venezuela bằng "xuất khẩu cách mạng" và “bẫy nợ". “Thoát Trung” không có nghĩa là phải chống Trung Quốc, mà phải hợp tác bình đẳng hơn.

Đầu năm Kỷ Hợi có nhiều chuyện đáng nói, trong đó Venezuela là nỗi ám ảnh làm nhiều người giật mình.

Tại sao một đất nước giàu đẹp, hầu như đứng đầu thế giới về “dầu hỏa và hoa hậu”, nay suy sụp biến thành một thảm họa quốc gia?

Bi kịch đó đáng lẽ đã không xảy ra nếu không ngộ nhận và lường trước được nguyên nhân và hậu quả.

Một nguyên nhân chính không thể phủ nhận là do mô hình chính trị và vai trò của Trung Quốc tại Venezuela, cũng như tại các nước khác không chỉ tại Châu Á mà còn tận châu Mỹ La-tinh.

tet ky hoi va bai hoc venezuela

Ngoài khủng hoảng năng lượng, Venezuela đang bị thiếu hụt lương thực và giá cả tăng vọt (Ảnh: Getty)

Xu hướng thoát Trung

Lâu nay, người ta hay nói đến “thoát Trung” như một khái niệm mà chưa rõ “thoát cái gì và thoát thế nào”.

Trong khi người ta còn tranh cãi và chưa khái quát hóa được vấn đề đó, thì hãy cụ thể hóa vài trường hợp điển hình (như case studies) về xu hướng “thoát Trung” để làm sáng tỏ vấn đề.

Xu hướng “thoát Trung” ngày càng rõ trong bối cảnh chiến tranh thương mại khi “sáng kiến Vành đai và Con đường” cũng như thương hiệu Huawei đang trở thành phản cảm.

Xu hướng “thân Trung” tại một số nước “có thể đảo ngược” (reversible), do ngộ nhận về ý thức hệ hay vì đấu tranh quyền lực và do tham nhũng nên đánh đổi lợi ích lâu dài của dân tộc lấy lợi ích trước mắt.

Trong khi đó, xu hướng “thoát Trung” là “không thể đảo ngược” (irreversible) do “phản tỉnh” (backlash) dẫn đến “phản kháng” (push back) để tránh “bẫy nợ” (debt trap) của Trung Quốc và “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” (neo-colonialism).

Trong khi một số nước (như Myanmar, Malaysia, Bắc Triều Tiên) phản tỉnh và tìm cách “thoát Trung”, tuy không giống nhau và không dễ dàng, nhưng đã thấy lối thoát, thì một số nước khác (như Philippines, Thailand, Cambodia, Laos) đang mắc kẹt trong “thế lưỡng nan”.

Venezuela vẫn đang quằn quại chuyển mình như đang "lột xác", và những gì đang diễn ra tại đó làm người ta nhớ tới bài học của Myanmar và Malaysia gần đây.

Tại Myanmar, sau hai thập niên (1960-1970) của “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện” (dưới thời Ne Win) giới quân sự đã biến một đất nước giàu đẹp thành một xã hội nghèo nàn lạc hậu và một chế độ độc tài quân phiệt.

Nhưng, may là Thein Sein đã khôn ngoan hòa giải với phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi để nhường quyền lực sau bầu cử (năm 2016). Họ đã đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích phe nhóm và chế độ.

Myanmar là một bài học về sự thức tỉnh của giới quân sự muốn bảo vệ quyền lực và lợi ích của họ, trước sức ép quốc tế và xu thế dân chủ trong nước.

Họ đã hòa giải dân tộc nhằm “thoát Trung” trước nguy cơ bị “Hán Hóa” của “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” (như ông Mahathir Mohamad đã cảnh báo).

Malaysia là một bài học điển hình về sự phản kháng của phe đối lập do ông Mahathir Mohamad cầm đầu đã khôn ngoan hòa giải và liên minh với ông Anwar Ibrahim để đủ sức mạnh đánh bại ông Najib Razak tại cuộc bầu cử (9/5/2018).

Đó là một “cơn địa chấn” mở đường cho Malaysia “thoát Trung” và “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”, để thời chấm dứt chính phủ Rajib Razak tham nhũng và “thân Trung” đã xô đẩy Malaysia vào “bẫy nợ” vì chạy theo sáng kiến Vành đai và Con đường để trục lợi, làm đất nước ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc.

Sự kiện ông Mahathir “tái xuất giang hồ”, làm Thủ tướng (lần thứ hai) khi đã 92 tuổi là một hiện tượng hiếm có, góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ASEAN và bức tranh địa chính trị Đông Nam Á.

Bắc Triều Tiên là một bài học điển hình khác về sự trỗi dậy ngoạn mục của hai anh em Kim Jong-un và Kim Yo-jong đã khôn ngoan và dũng cảm hòa giải với chính quyền Moon Jae-in của Nam Triều Tiên, mở ra cơ hội hợp tác Liên Triều và triển vọng từng bước thống nhất đất nước, làm cơ sở cho hòa hoãn Mỹ-Triều, nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nếu vai trò Seoul càng tăng thì vai trò Bắc Kinh càng giảm. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, triển vọng hòa giải Liên Triều và hòa hoãn Mỹ-Triều đã mở ra cho Bình Nhưỡng cơ hội “thoát Trung” và thoát hiểm, làm thay đổi bức tranh địa chính trị Đông Bắc Á.

Bài học Venezuela

Vào thập niên 1970-1980, Venezuela là một trong 20 quốc gia giàu nhất thế giới, với bình quân đầu người (per capita) là 31.000 USD.

Với trữ lượng dầu hỏa vào loại cao nhất thế giới (chiếm 95% giá trị xuất khẩu), nên khi giá dầu tụt dốc, kinh tế Venezuela cũng tụt hậu.

Dầu khí chính là “con dao hai lưỡi” như một duyên nợ đã buộc chặt Venezuela với Trung Quốc.

Đất nước giàu đẹp nổi tiếng về dầu hỏa và hoa hậu đã biến thành thảm họa (dưới thời Hugo Chavez), khi lạm phát tới 1,7 triệu %, thất nghiệp tới 34,3% (theo Economist), làm đất nước khánh kiệt, khi 3 triệu người dân (gần 1/10 dân số) đã bỏ tổ quốc ra đi.

Bầu không khí chính trị ngày càng ngột ngạt và tham nhũng đang xô đẩy Venezuela đến bờ vực hỗn loạn (dưới thời Nicolas Maduro), có nguy cơ nội chiến và can thiệp quân sự từ bên ngoài (nếu không thay đổi).

Nguyên nhân chính làm Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay là do chính sách của Trung Quốc gần 20 năm qua.

Họ đã dùng nguồn tín dụng lớn (như “bẫy nợ”) để buộc chặt chế độ này vào ý thức hệ mô hình Trung Quốc và khai thác tài nguyên bằng mọi giá.

Venezuela mắc nợ hơn 150 tỷ USD nên phải dùng dầu khí để trả nợ cho các nước đã bảo vệ mình (như Trung Quốc và Nga).

Nay khi Mỹ và phương Tây công nhận Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando là “Quyền Tổng Thống”, thì Trung Quốc và Nga vẫn bênh vực Nicolas Maduro.

Còn Việt Nam khôn ngoan và thận trọng đứng giữa, không công khai ủng hộ hay chống bên nào.

Sự thất bại của Chavez và Maduro tại Venezuela cũng chính là một thất bại của Trung Quốc.

Nhưng dù chính thể hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, thì Bắc Kinh chắc không buông bỏ Venezuela, một mặt để bảo vệ những gì đã đầu tư, mặt khác để tiếp tục khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản của Venezuela, được đánh giá là tiềm năng còn rất lớn.

Cách đây mấy năm (từ 2015) Bắc Kinh đã bắt đầu tiếp xúc với phe đối lập, để đề phòng thay đổi chế độ và chuẩn bị cho “phương án thay thế” như kinh nghiệm đối với Cambodia.

Trước khi Hugo Chavez thắng cử (1998) tập đoàn dầu khí Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được khai thác dầu khí ở Venezuela.

Sau khi lên cầm quyền, ông Chavez đã tìm thấy ở Trung Quốc một đồng minh lớn về ý thức hệ, nên không thay đổi các hợp đồng đã ký với Trung Quốc trước đó, mà còn mở rộng hơn nữa.

Năm 2004 là một bước ngoặt trong quan hệ hai nước, khi Bắc Kinh và Caracas đã thỏa thuận cho Trung Quốc được đầu tư mà không phải nộp thuế.

Caracas đã dành cho Bắc Kinh nhiều ưu đãi về thuế quan, trong khi Bắc Kinh coi Venezuela là cánh cửa để xâm nhập khu vực Mỹ La-tinh (là sân sau của Mỹ).

Năm 2005, Trung Quốc đã đầu tư khoảng một tỷ USD vào Venezuela, nhiều hơn tất cả các nước khác trong khu vực Mỹ La-tinh cộng lại.

Tổng số tín dụng của Trung Quốc dành cho Venezuela là 60 tỷ USD, chiếm 40% tổng số tín dụng dành cho các nước khu vực này, trong đó họ đã dành 90% để đầu tư cho khai thác khoáng sản.

Trong khi quan hệ hai nước ngày càng mật thiết, thì Venezuela đã trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại khu vực Mỹ La-tinh (trên 5 tỷ USD).

Tháng 9/2018, Bắc Kinh đã đầu tư thêm 5 tỷ USD để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu khí Nhà nước (PDVSA).

Mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, nên các dự án đầu tư phát triển không hiệu quả vì chỉ để che mắt thế gian.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại châu Mỹ La-tinh (trị giá 7,5 tỷ USD) do tập đoàn China Railway Group thực hiện, đã khởi công từ năm 2009 nhưng sau đó bị đình trệ.

Đến năm 2015 tập đoàn này đã rút, để lại cho Venezuela một khoản nợ là 400 triệu USD.

Một dự án khác không hiệu quả là công ty liên doanh điện tử viễn thông Orinoquia đã ra đời (năm 2010) với 35% vốn đầu tư là của Huawei.

Quan hệ hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên quốc gia cho nước ngoài, được xúc tiến (dưới thời Hugo Chavez) nay được tăng cường khai thác (dưới thời Nicolas Maduro).

Sau khi Chavez qua đời, Maduro vẫn tiếp tục thỏa thuận cho Trung Quốc và một số nước khác khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiếm (như vàng, kim cương, coltan, boxit, sắt) tại vùng “vòng cung Orinoco”, với tổng diện tích lớn bằng 12% lãnh thổ Venezuela.

Nhưng mô hình kinh tế nhà nước, kế hoạch hóa tập trung "kiểu Venezuela” đã bị phá sản.

Trên thực tế, trong khi sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tràn vào.

Sau khi biết Venezuela đã lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối thoát, Bắc Kinh không thừa nhận thất bại mà còn từ chối tham gia vào các nỗ lực của khu vực nhằm giúp Venezuela tìm lối thoát.

Trung Quốc vẫn tin vào mối quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, với nguồn tín dụng lớn của các ngân hàng Trung Quốc sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách bán dầu khí và khoáng sản làm trụ cột của nền kinh tế, mà bất chấp các dấu hiệu biến động thị trường và khủng hoảng chính trị.

Trở về tương lai

Trong bối cảnh Venezuela đang bị nghèo đói (về kinh tế) và phân hóa sâu sắc (về chính trị) không thể có một giải pháp quân sự hay chính trị nào hoàn hảo và hiệu quả ngay, mà cần phải cải cách thể chế chính trị.

Muốn khôi phục nền dân chủ tại một đất nước như Venezuela chắc phải mất một thế hệ. Giải pháp can thiệp quân sự là bất đắc dĩ và nhất thời, phải kết hợp với giải pháp kinh tế và chính trị.

Tuy Mỹ đang tăng cường sức ép với Venezuela bằng cấm vận và đe dọa can thiệp quân sự, nhưng nếu Mỹ can thiệp thật thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, chắc sẽ bị nhiều nước phản đối (nhất là Trung Quốc và Nga).

Nhưng không can thiệp để bảo vệ Juan Guiando vào lúc này thì dễ mất cơ hội (vì Trung Quốc đang đàm phán với Mỹ).

Để thay đổi một cách ôn hòa (tránh bạo loạn và nội chiến) phải có mấy yếu tố cần và đủ (như “game changers”).

Thứ nhất, phe đối lập phải được dân ủng hộ để có chính nghĩa. Cuộc biểu tình với hàng triệu người tham gia (23/1/2019) đánh dấu sự trưởng thành của phe đối lập được dân chúng ủng hộ (từ dưới lên).

Thứ hai, Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando phải được quốc tế công nhận và hỗ trợ (nhất là Mỹ và phương Tây) để có chính danh.

Thứ ba, Juan Guiando phải phân hóa và vận động được quân đội ủng hộ hay trung lập (không đàn áp).

Thứ tư, Juan Guiando phải vận động Trung Quốc (và Nga) chấp nhận để Maduro ra đi. Muốn “thoát Trung” không có nghĩa là phải chống Trung Quốc, mà phải hợp tác với họ (bình đẳng hơn).

Cũng như với Myanmar và các nước khác ở châu Á, Trung Quốc đã chi phối Venezuela bằng "xuất khẩu cách mạng" và “bẫy nợ” (như “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”) nhằm khai thác khoáng sản (như dầu khí).

Cái giá phải trả cho mô hình "xuất khẩu cách mạng" và phụ thuộc vào Trung Quốc là khó lường, vì đến khi nhận ra thì đã quá muộn.

Đây là một bài học lớn về “thân Trung” do ngộ nhận về ý thức hệ nên đã biến một đất nước vốn giàu đẹp và có một hệ thống chính trị đa nguyên, thành đống đổ nát (a big mess).

Nay người Venezuela phải viết lại lịch sử của họ bằng máu và nước mắt, nhằm “thoát Trung” để “trở về tương lai” (back to the future).

tet ky hoi va bai hoc venezuela Quốc gia xuất khẩu hoa hậu và mộng tưởng đổi đời của những cô gái nghèo

Trong khi mối quan tâm ngày càng tăng về vấn đề tình dục và sự nổi lên của phong trào #MeToo gần đây đã khiến ...

tet ky hoi va bai hoc venezuela Maduro cảnh báo nhiệm kỳ của Trump "nhuốm máu" nếu Mỹ tấn công Venezuela

Tổng thống Venezuela cảnh báo Trump sẽ chịu hậu quả nếu âm mưu lật đổ chính phủ Maduro, đồng thời khẳng định ông không có ...

tet ky hoi va bai hoc venezuela Trump để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela

Tổng thống Mỹ không loại trừ khả năng đưa quân tới Venezuela, đồng thời cho biết từng từ chối đề nghị họp của Maduro.