Thả 3 vạn hoa đăng nhựa xuống biển Cát Bà là làm ngược. Sóng to gió lớn, đèn hoa đăng nhựa thả xuống biển bị tản mát đi khắp nơi thì không hiểu Hải Phòng vớt thế nào?

Một chuyên gia về rác thải nhựa làm việc tại Vụ Chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đánh giá, thả hàng vạn hoa đăng nhựa xuống biển Cát Hải rồi vớt lại là điều khó khăn.

Hình ảnh rác thải nhựa trôi dạt trên biển sau khi huyện Cát Hải (Hải Phòng) tổ chức lễ thả hoa đăng

“Phải xem loại nhựa làm đèn hoa đăng là loại nhựa gì, thành phần, tính chất ra sao, khi nó xuống biển thì bị tác động như thế nào… 

Thứ hai, sóng to gió lớn thế, đèn hoa đăng bị tản mát đi khắp nơi thì không hiểu sẽ vớt thế nào? Không ai quản lý được khi thả xuống biển nó sẽ trôi nổi ở đâu. Mặt khác, nói là vớt lên và tái sử dụng thì sẽ chuyển cho ai, ở đâu, phải có địa chỉ tiếp nhận để tái sử dụng rõ ràng.

Theo tôi hiểu, hoa đăng nói trên dạng nến trong đó có pin. Trong lúc Bộ TN&MT kêu gọi người dân cả nước hạn chế tối đa sử dụng các loại rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, việc làm của Hải Phòng là điều khá ngược” - vị chuyên gia nêu quan điểm.

Thông báo của TP Hải Phòng cho hay, đêm hoa đăng mừng đại lễ Vu lan Cát Bà 2019 có 3 vạn hoa đăng được thả trên biển.

Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Phạm Quang Hiển giải thích: Ở Cát Bà không thể chọn hoa giấy như các nơi khác vì sóng to sẽ làm hoa đăng hư hỏng ngay khi thả xuống. Hoa đăng bằng nhựa sẽ được tái sử dụng.

"Sau khi kết thúc buổi lễ, các cơ quan chức năng đã tổ chức thu gom toàn bộ hoa để đưa về trụ sở phật giáo của huyện sửa chữa, làm sạch để tái sử dụng. Toàn bộ số hoa nhựa này vẫn đang được bảo quản tại huyện. Lựa chọn 3 vạn hoa đăng nhựa là để bảo vệ biển và môi trường”, ông Hiển khẳng định.

Trước đó, ngày 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp phát động Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc.

Thủ tướng kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.

Năm 2018, Liên hợp quốc phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Cùng chung nỗ lực đó, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.

Thả 30.000 đèn hoa đăng xuống biển Cát Bà là đầu độc thiên nhiên
Xôn xao 30.000 hoa đăng thả trôi trên biển gây ô nhiễm môi trường: Chính quyền Hải Phòng trần tình
Hàng nghìn phật tử dự lễ hoa đăng tại chùa Tam Chúc

/ vietnamnet.vn