Đam mê với những sản phẩm trang trí ở hoàng cung triều Nguyễn, anh Đỗ Hữu Triết đã tìm cách khôi phục nghề pháp lam bị thất truyền.
Sáng cuối thu, trong ngôi nhà rộng 200 m2 trên đường Chi Lăng (phường Phú Cát, TP Huế, Thừa Thiên Huế), anh Đỗ Hữu Triết và cộng sự tập trung cho ra mẻ sản phẩm pháp lam mới - những chiếc bông tai bằng bạc tráng men. Sản phẩm hoàn thiện được anh mang đến gian trưng bày ở phía trước.
Anh Triết với các sản phẩm pháp lam. Ảnh: Võ Thạnh.
Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý, Đại học Tổng hợp Khoa học Huế, anh Triết (45 tuổi) về làm việc tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Được tiếp xúc với các mẫu trang trí của dòng pháp lam ở Đại nội, lăng tẩm vua triều Nguyễn, anh Triết bị cuốn hút bởi hình vẽ trang trí bắt mắt.
Theo anh Triết, nhìn vào sản phẩm pháp lam, nhiều người nhầm tưởng là gốm sứ hoặc thủy tinh. Thực ra pháp lam là kỹ thuật tráng men trên kim loại, thường là đồng.
Nghề này phát triển rực rỡ vào thế kỷ 13-18, xuất hiện ở Huế từ thời vua Minh Mạng (trị vị 1820-1841) với dòng họa pháp lam, tức là vẽ trực tiếp lên sản phẩm.
Vua Minh Mạng đã cử người sang Trung Quốc học nghề. Triều Nguyễn sau đó thành lập Pháp lam tượng cục thuộc Bộ Công, xưởng chuyên chế các tác phẩm pháp lam cho hoàng cung. Sau này do chiến tranh và kinh tế khó khăn, nghề làm pháp lam ở Huế thất truyền từ thời vua Tự Đức (trị vì 1847-1883).
Các sản phẩm pháp lam do xưởng anh Triết sản xuất. Ảnh: Võ Thạnh.
Làm việc tại phòng hóa nghiệm chuyên nghiên cứu các vật liệu cổ của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế do UNESCO tài trợ, anh Triết tìm cách khôi phục công nghệ làm pháp lam đã thất truyền.
Sau gần 10 năm tìm tòi nghiên cứu, năm 2005, anh làm luận án thạc sĩ với đề tài "Phục dựng pháp lam Huế". Đề tài được đánh giá cao khi mở ra tiềm năng phục hồi các công trình di tích có sử dụng nghệ thuật trang trí pháp lam. Anh Triết sau đó đã lập xưởng phục chế nhằm hồi sinh nghề pháp lam Huế. Nhiều lần thất bại, cuối cùng anh và cộng sự đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.
Anh Triết tập hợp những nghệ nhân, họa sĩ về xưởng của mình làm việc. Những sản phẩm pháp lam trên gốm, trên đồng dùng để trang trí lần lượt ra đời.
Nữ trang pháp lam. Ảnh: Võ Thạnh.
Với mục tiêu đưa pháp lam Huế khỏi giới hạn của việc trùng tu di tích đến gần với người dân và du khách, gần đây anh Triết sản xuất trang sức bằng bạc tráng men pháp lam, tranh pháp lam.
Để có một sản phẩm pháp lam phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là tạo dáng mẫu đồng, rồi tráng men lên và đưa vào lò nung. Sau đó, người thợ mang mẫu vật ra vẽ trang trí rồi lại đưa vào lò nung. Ngoài sản phẩm tráng men trên đồng, anh Triết bắt đầu làm mẫu tráng men trên bạc, vàng.
Trước đó năm 2013, anh và các họa sĩ của công ty làm hai cây đèn pháp lam với kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng tặng thành phố Huế. Hiện hai cây đèn được đặt tại công viên Tứ Tượng.
Sao phải "sợ" triển lãm ảnh khỏa thân? “Không bị cấm nhưng ảnh khỏa thân chưa được triển lãm lần nào. Có thể do không hiểu nên phải e dè chăng?” – Họa ... |
Phòng thay đồ như triển lãm nghệ thuật của CLB Anh Lãnh đạo CLB bán chuyên Billericay Town ở nước Anh thuê hoạ sĩ vẽ tranh tường 3D sư tử, đại bàng đẹp mắt trong phòng ... |
Thực hư thông tin heo đất làng nghề gốm sứ Bát Tràng bị nhiễm chì Sự việc bắt đầu khi một tài khoản facebook tuyên bố sẽ tặng heo đất khử độc chì cho các bé nếu các mẹ chia ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thac-si-vat-ly-hoi-sinh-nghe-co-bi-that-truyen-thoi-vua-tu-duc-3657504.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=ho&vn_campaign=vn
.