UBND tỉnh Thái Bình sẽ không chuyển đổi trung tâm hội nghị tỉnh (cũ) để làm đối ứng, đồng thời chưa phê duyệt dự án trung tâm mới 230 tỷ - Giám đốc Sở KH&ĐT Đoàn Hồng Kỳ trao đổi với VietNamNet.

Không chuyển đổi trung tâm hội nghị

Thưa ông, VietNamNet đã phản ánh về dự án BT xây dựng trung tâm hội nghị tỉnh kết hợp biểu diễn nghệ thuật 230 tỷ đồng. Lý do để tỉnh thực hiện dự án này, trong khi đã có trung tâm hội nghị vẫn hoạt động?

Đây là dự án tỉnh có chủ trương đầu tư theo hình thức PPP. Thái Bình đã tổ chức đấu thầu quốc tế, có 3 đơn vị tham gia nhưng 2 đơn vị không đủ điều kiện, năng lực. Đơn vị còn lại, theo quy định của đấu thầu quốc tế sẽ thực hiện phương thức chỉ định.

Thái Bình giữ lại trung tâm hội nghị tỉnh. Ảnh: Kiên Trung

Thái Bình mới thực hiện đến bước đấy. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu dừng lại các dự án PPP, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại để rà soát lại các quy trình thủ tục.

Các ngành đề xuất phương án tổ chức đấu giá các khu đất đối ứng, nhằm nâng giá trị các khu đất đó để có nguồn thanh toán cho các dự án PPP.

Có bao nhiêu dự án BT sẽ phải dừng lại để rà soát?

Thái Bình đã triển khai dự án đường Kỳ Đồng; dự án làm nhà ở cho tổ 39, 40; còn lại liên quan đến đất của tổ chức, cơ quan đơn vị thì không có mấy.

Dự án xây mới trung tâm hội nghị tỉnh có liên quan đến đất của một số đơn vị.

Tỉnh chủ trương không chuyển đổi trung tâm hội nghị (cũ) làm đối ứng mà giữ lại để khai thác.

Vậy còn dự án xây dựng trung tâm hội nghị mới có tiếp tục thực hiện hay không?

Bước tiếp theo, sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, tìm phương án thanh toán. Vì thế cho đến thời điểm này, dự án đang dừng lại khảo sát, điều chỉnh lại phương hướng. Thái Bình thực hiện rất nghiêm túc như vậy.

Chỉ đạo này của Chủ tịch tỉnh có trước khi Chính phủ có yêu cầu các địa phương xem xét, rà soát lại các dự án đầu tư theo hình thức BT, chuyển đổi, sử dụng quỹ đất của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp sau khi di dời sang vị trí mới.

Với vai trò là đơn vị tham mưu, tại sao Sở KH&ĐT Thái Bình lại chấp thuận theo phương án mà chủ đầu tư đề xuất đổi bằng 5 khu đất đối ứng ở vị trí đất vàng?

Theo QĐ, dự án đầu tư theo hình thức PPP - BT được thanh toán bằng các khu đất đối ứng. Quỹ đất đó dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm đối ứng thanh toán.

Thái Bình sẽ đấu giá các khu đất đối ứng để nâng giá trị thanh toán đối với các dự án BT

Chủ trương của tỉnh lúc đó muốn sắp xếp, tổ chức lại một số cơ quan, đơn vị để tạo ra một nguồn vốn, trong số đó có các khu đất của một số cơ quan, đơn vị đã di dời sang nơi khác. Chỉ còn có một điều là làm sao nâng được giá trị của khu đất đó lên. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh hạn chế, mà nhu cầu hạ tầng thì rất lớn nên các hình thức đầu tư này là một phương án tốt mà nhiều địa phương đang áp dụng.

Dự án mà dư luận đang quan tâm, mức độ bức thiết để xây dựng Trung tâm hội nghị mới là gì, trong khi tỉnh vẫn có Trung tâm hội nghị còn khá khang trang?

Trung tâm hội nghị cũ sát đường, bãi đỗ xe không có. Trụ sở này đã sử dụng từ lâu, phải sửa chữa để phục vụ đại hội từ nhiều năm trước, bên trong có nhiều chỗ bất cập. Công năng sử dụng không còn phù hợp, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông… nên Thái Bình có chủ trương đó từ lâu chứ không phải bây giờ.

TP Thái Bình vừa lên đô thị loại 1 nên cũng cần có một trung tâm hội nghị, do đó tỉnh cũng có chủ trương chuyển giao cho TP sử dụng để không phải xây mới cho TP nữa. Đây cũng là một phương án hợp lý xuất phát từ nhu cầu khách quan.

Nộp lại ngân sách nếu giá trị đất đối ứng vượt giá trị đầu tư

Dư luận có đặt câu hỏi về việc, đối với 5 khu đất đối ứng, theo giá trị thị trường hiện tại, nếu đem bán sẽ thu được số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng, gấp rất nhiều lần con số 230 tỷ mà nhà đầu tư bỏ ra thực hiện?

Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Bình Đoàn Hồng Kỳ

Đó là nhận định cảm tính. Việc định giá đất có cả một hội đồng, có phương pháp tính của nhà nước quy định chứ không phải tính cả mớ như vậy được. Một khu đất muốn đấu giá phải là đất sạch, có quy hoạch. Phải đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đền bù tài sản cho các cơ quan kia…

Phương án giao đất đối ứng mới chỉ là tạm tính để làm cơ sở xác định giá trị dự án. Sau khi dự án xong, sẽ phải có một hội đồng thẩm định tính toán, các cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt.

Thứ hai, nếu như đất đối ứng sau khi thực hiện dự án xong, chủ đầu tư bán ra thu được cao hơn, sẽ phải nộp lại ngân sách phần dư đó. Nghị định 23 về thanh toán các dự án BT đã quy định chặt chẽ điều này.

Người dân cứ yên tâm, Nhà nước quản lý là rất chặt chẽ.

Đổi đất lấy công trình đâu phải là thượng sách

Thái Bình đang thực hiện dự án Trung tâm hội nghị của tỉnh, với tổng kinh phí 230 tỷ đồng. Tỉnh này cũng đã lập dự ...

16 dự án giao thông, môi trường 6 tỷ đô Hà Nội muốn làm

Trong số các dự án đầu tư đổi đất lấy hạ tầng mà Hà Nội đang đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng, có ...

Về các sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý: Không có chuyện cả nể mới lạ!

Trả lời PV Dân Việt về lý do tại sao ông Phạm Sĩ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái mắc hàng ...

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/thai-binh-dung-doi-dat-vang-giu-lai-trung-tam-hoi-nghi-tinh-411760.html)

/ Theo Kiên Trung/VietNamnet.vn