Mỗi ngày có tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn lượt xe tải chở vật liệu xây dựng (VLXD) có dấu hiệu quá tải. Nhiều xe cơi nới thùng lưu thông từ các mỏ, các tuyến đường tỉnh, quốc lộ (QL)… trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường.
- Xe quá tải lại bùng phát ở nhiều tỉnh, thành
- Xe quá tải bùng phát, Bộ Giao thông yêu cầu tổng kiểm tra trên toàn quốc
- Tai nạn giao thông giảm, xe quá tải tăng
Người dân kêu trời vì xe quá tải
Từ phản ánh của người dân, nhiều ngày qua, PV Báo CAND có mặt tại một số địa bàn huyện Phú Lương, Đồng Hỷ hay TP Sông Công (Thái Nguyên) ghi nhận, mỗi ngày trên các địa bàn này có tới cả nghìn lượt xe tải hạng nặng có dấu hiệu quá tải chạy gây hư hỏng đường, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Theo ghi nhận của PV trong những ngày vừa qua tại địa bàn huyện Phú Lương, tình trạng xe tải các loại từ 5 đến 10 tấn hay xe tải hạng nặng vài chục tấn như Howo chở đất, VLXD cày nát đường là chuyện quá bình thường. Tuy nhiên, hoạt động này đều không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra xử lý.
Ông Lều Văn Phượng (xã Vô Tranh, huyện Phú Lương) cho biết, những năm gần đây, tình trạng xe tải chạy trên địa bàn ngày một nhiều gây hư hỏng đường. Người dân chúng tôi cũng có ý kiến nhưng đâu lại vào đó. Chỉ tay ra khu đất mới được san gạt cách nhà gần 200m, ông Phượng nói, như quả đồi cạnh UBND xã Vô Tranh, từ năm 2021 người ta đào, múc đất, hạ cốt… rồi cho xe tải vào chở đi đâu không biết. Mỗi ngày có vài chiếc xe tải cả to lẫn nhỏ ra, vào chở đất gây bụi bặm, hư hỏng đường. Khi người dân có ý kiến thì họ bảo xong sẽ làm trả lại. Tuy nhiên, đến nay việc đã xong nhưng đường hỏng vẫn còn nguyên, chúng tôi chẳng biết kêu ai.
Còn tại địa bàn huyện Đồng Hỷ, chỉ cần ngồi 30 phút tại quán nước nằm sát ngã ba trên QL1B - lối vào Cụm công nghiệp (CCN) Quang Sơn (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) và hướng đi Đồng Đăng (Lạng Sơn) có tới cả trăm lượt xe tải chạy ngoài tuyến QL1B và xe tải chạy từ khu mỏ của CCN Quang Sơn hay Nhà máy vôi Thái Nguyên ra, vào cuốn theo gió bụi.
Bà Vũ Thị Hoà (xóm La Giang, xã Quang Sơn) cho biết, gia đình sống ở đây đã được hơn chục năm nay. Quốc lộ 1B này xe lưu thông nhiều lắm. Hàng ngày, các gia đình ở đây phải hứng chịu khói bụi, tiếng còi inh ỏi của từng đoàn xe tải ra, vào CCN hay chạy trên tuyến quốc lộ này. Mãi cũng thành quen!
“Nếu trời nắng, chỉ cần đứng bên ngoài khoảng 10 phút bụi bám trắng xoá, bàn ghế đồ đạc cũng vậy. Biết là ô nhiễm nhưng không thể chuyển đi nơi khác ở. Người dân nơi đây cũng nhiều lần có ý kiến phản ánh đến chính quyền nhưng chẳng thấy thay đổi gì. Mới đây, cả báo chí, truyền hình cũng đưa tin về tình trạng xe quá tải chạy hư hỏng đường, gây ô nhiễm nhưng được một thời gian đâu lại vào đấy!”, bà Vũ Thị Hoà chia sẻ.
Muôn kiểu qua mặt lực lượng chức năng
Liên tục trong nhiều ngày ghi nhận tình trạng xe tải hoạt động có dấu hiệu quá tải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, không chỉ các loại xe có trọng tải từ 5-10 tấn mà những xe hạng nặng như Howo hay Doosung (loại 3 chân, 4 chân) không những chạy ngoài các tuyến đường tỉnh, QL mà ngay trong cả thị trấn huyện cũng tung hoành ngang dọc.
Điển hình như tại trung tâm địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng liên tục xuất hiện nhiều loại xe tải hạng nặng chở VLXD có dấu hiệu quá tải chạy rầm rập suốt ngày. Chỉ cần đứng ngay vòng xuyến ngã tư trung tâm huyện Đồng Hỷ 15 phút, PV ghi nhận có tới hàng chục lượt xe tải hạng nặng có dấu hiệu quá tải ngang nhiên hoạt động mà không hề bị bất kỳ lực lượng chức năng nào đứng ra xử lý.
Trao đổi với PV, ông Ngô Thanh Tùng, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cho biết, tình trạng quản lý, xử lý xe quá khổ, quá tải chỉ là một trong những phần việc của đơn vị. Riêng về xe quá tải, Thanh tra Sở GTVT có kế hoạch làm riêng, làm rất căng. Năm 2021, Thanh tra Sở GTVT Thái Nguyên xử phạt vi phạm về tình trạng quá khổ, quá tải số tiền gần 2 tỷ đồng.
“Quan điểm của chúng tôi là không bao che. Nếu phát hiện xử lý ngay. Tuy nhiên, trong công tác quản lý cũng có cái khó như chỉ cần ra khỏi cổng đơn vị đã có người bám theo thông báo cho các đối tượng đầu bên kia. Tình trạng này không chỉ riêng ở Thái Nguyên mà nhiều tỉnh, thành khác cũng tương tự”, ông Ngô Thanh Tùng chia sẻ.
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngoài các kế hoạch công tác hàng năm thì đơn vị cũng xây dựng kế hoạch cao điểm trong đó có công tác kiểm tra xe quá khổ, quá tải nhằm kiểm soát tải trọng của phương tiện trên các tuyến đường tỉnh, QL chạy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng có những khó khăn nhất định do lực lượng mỏng.
“Thực tế cho thấy, các phương tiện chở quá khổ, quá tải khi thấy lực lượng chức năng đều tìm nhiều cách đối phó như: lập hội nhóm, sử dụng “chim mồi” để thông báo cho nhau nắm và “né” các chốt kiểm tra. Để công tác xử lý xe quá tải đạt hiệu quả cao rất cần sự phối hợp của liên ngành. Vì nếu lơi lỏng quản lý, kiểm soát thì “vấn nạn” này rất dễ tái diễn”, Thiếu tá Chu Anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Thiếu tá Chu Anh Tuấn, đợt cao điểm đầu năm 2022, Phòng CSGT Công an tỉnh tổng xử lý vi phạm ATGT đứng thứ 21/63 toàn quốc (4.875 trường hợp); xử lý xe quá tải đứng thứ 18/63 toàn quốc; xử lý vi phạm nồng độ cồn đứng thứ 32/63 toàn quốc (với 321 trường hợp).
“Đối với công tác kiểm soát xe quá tải, đơn vị cũng đã tham mưu Ban Giám đốc ra văn bản giao cho Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các địa phương đến tận mỏ tuyên truyền và cho ký cam kết không vi phạm về hoạt động quá khổ, quá tải… đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở GTVT hàng năm có kế hoạch kiểm tra, xử lý”, Chỉ huy Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm.
Báo cáo Bộ GTVT về công tác kiểm soát tải trọng xe trong Quý I, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 19.500 phương tiện, trong đó phát hiện hơn 2.400 phương tiện vi phạm, tước 463 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ, đường cao tốc và một số đường địa phương nơi có các mỏ VLXD, các dự án, nhà máy xi măng, khu công nghiệp... Điển hình như các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa... Cùng đó là trên các tuyến QL37 tỉnh Thái Nguyên; QL12B, QL1 tỉnh Ninh Bình; ĐT.566, QL1 tỉnh Quảng Bình; QL1, QL14 địa phận tỉnh Quảng Nam.