Tôi ở trong khu tập thể cũ của một công ty cơ khí, xây từ những năm 70 của thế kỷ trước. Gần đây, theo làn sóng cổ phần hoá, công ty này được bán lại cho một doanh nghiệp bất động sản tư nhân. Công nhân công ty cơ khí được vận động nghỉ việc hàng loạt. Máy móc đắp chiếu, chuẩn bị nhường chỗ cho cao ốc mọc lên. 

Chưa đủ, những ông chủ mới cũng lên kế hoạch trưng thu cả khu tập thể cũ nhằm xây thêm những ngôi nhà cao, cao mãi. Người dân tất nhiên phản đối, nhưng bị rơi vào thế yếu bởi nhà tập thể về danh nghĩa vẫn là “đất nhà nước”. Khi được cổ phần hoá, bán cho tư nhân, chẳng phải quyền sử dụng đất sẽ thuộc về tư nhân hay sao?

Những băn khoăn như vậy xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là khi quá trình cổ phần hoá đang chạy nước rút để đạt mục tiêu giảm xuống còn 150 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020.

Đây là vấn đề hệ trọng không chỉ riêng cho vài chục nóc nhà tập thể ở ngoại thành Hà Nội. Đất đai hiện đang là tài sản công có giá trị nhất, ước tính lên đến 742 nghìn tỷ đồng - khoảng 34 tỷ USD. Phân nửa được các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị công quản lý. Và nhiều trong số đó đã, đang nằm trong kế hoạch tái cơ cấu.

Với nhà nước, đất là tài nguyên tạo ra khoản lợi tức khổng lồ và đều đặn, đóng góp phần lớn vào nguồn thu ngân sách. Chỉ tính riêng năm 2017, nhà nước thu lợi 150 nghìn tỷ đồng từ quyền sử dụng và cho thuê đất, gấp ba lần doanh thu từ dầu thô và năm lần từ thuế của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

tham nhung dat

Với một số doanh nhân nhanh nhạy, đây là cơ hội kinh doanh hiếm có. Do đặc thù lịch sử, nhiều doanh nghiệp nhà nước sở hữu những mảnh đất vàng với vị trí đắc địa, có tiềm năng tạo ra siêu lợi nhuận dù chỉ bằng cách mua đi bán lại. Không phải ngẫu nhiên mà những toà nhà chọc trời, khu cao ốc tiện nghi ở Hà Nội hay TP HCM đều xây dựng trên nền đất từng thuộc quản lý của các đơn vị nhà nước. Năm ngoái, vụ ồn ào liên quan đến cổ phần hoá Hãng phim Truyện Việt Nam cũng liên quan đến nghi vấn “đất vàng”.

Với những cán bộ biến chất, đất đai không gì hơn là miếng mồi béo bở, do chế độ sở hữu mập mờ, thiếu minh bạch trong quản lý, cùng với cơ chế giám sát không hiệu quả.

Chỉ riêng ở bảy địa phương được kiểm tra, gồm Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP HCM, Thành phố Cam Ranh, Thành phố Sầm Sơn, Kiểm toán Nhà nước cho biết sai phạm đất đai trong giai đoạn 2013 - 2016 đã lên đến hơn 8.300 tỷ đồng. Những vụ việc mờ ám mới đây tại Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM hay Đà Nẵng cho thấy tham nhũng đất có thể diễn ra dễ dàng như thế nào nếu có sự can thiệp từ quyền lực tha hóa.

Câu chuyện đất công sản trong thời gian qua chủ yếu xoay quanh mối quan hệ ba bên như trên. Người dân không tham gia trực tiếp vào quá trình này, mà trao quyền đại diện cho nhà nước. Điều này tương tự như mô hình quản trị của một công ty cổ phần: ban giám đốc thay mặt cổ đông điều hành, và chịu trách nhiệm giải trình về những quyết định hệ trọng của mình.

Mô hình đại diện hiệu quả cần tính minh bạch cao và cơ chế giám sát đủ mạnh. Nhưng cả hai điều kiện này đều đang thiếu vắng trong hoàn cảnh hiện tại.

Minh bạch đất công gắn liền với yêu cầu minh bạch từ tổ chức đang quản lý nó: các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đây dường như là một đòi hỏi quá sức. Không có thông tin thì không thể giám sát được gì. Bởi vậy, dù Luật Quản lý tài sản công có riêng một điều về quyền giám sát của cộng đồng, thực tế không một ai có đủ khả năng thực hiện quyền đó.

Không khó hiểu khi tất cả những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất công đều được phát hiện từ trên xuống bởi quyền lực nhà nước, thay vì nhờ nhân dân giám sát. Đó thực sự là chuyện hên xui: cần bao nhiêu cán bộ để theo dõi được hết gần 150 triệu mét vuông đất công sản?

Với những ông chủ, ở đây là người dân, lựa chọn duy nhất là đặt niềm tin vào nhà nước, rằng bộ máy công quyền sẽ quản lý chặt chẽ và hiệu quả đất công, rằng quyền lợi của họ được bảo đảm, và rằng những vi phạm sẽ bị xử lý đích đáng. Đó là niềm tin khiến cho người dân ở Thủ Thiêm, Yên Bái, Đồng Nai, hay ngay ở khu tập thể nhà tôi, vẫn còn “kêu oan” sau nhiều năm ròng rã mà không có kết quả. Trong năm 2017, khiếu nại về đất đai, chỉ riêng do bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp nhận, đã chiếm hơn 95% tổng số đơn từ.

Tất nhiên, đó là bởi họ vẫn nuôi niềm tin. Sẽ không ai “đáo tụng đình” nếu như không còn niềm tin vào công lý.

Nhưng khác với đất đai, niềm tin là loại tài sản có mức khấu hao rất nhanh. Và đó là thứ khi mất đi thì rất khó để thu hồi lại, như những văn bản ký sai thẩm quyền.

tham nhung dat \'Dự thảo Luật đặc khu sẽ bỏ quy định cho thuê đất 99 năm\'

Uỷ ban Pháp luật và các đơn vị hữu quan vừa tổ chức cuộc họp để chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính ...

tham nhung dat Đặc khu, nhìn từ góc độ ưu đãi thuế

Liệu ba đặc khu có trở thành cực tăng trưởng mới cho đất nước xét từ góc độ ưu đãi thuế.

tham nhung dat Đặc khu làm casino: Những ưu đãi gây lo ngại

Dự án casino ở đặc khu kinh tế nhận được nhiều ưu đãi “khủng”. Điều này khiến cho đơn vị kinh doanh casino ngoài đặc ...

Nguyễn Khắc Giang

/ VnExpress