Phó Chánh án Toà tối cao Lê Hồng Quang cho biết triệu tập người bị kiện như chủ tịch, phó bí thư tỉnh ủy đến tòa trong vụ án hành chính là "cực khó".
Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ xét xử án hành chính thấp so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, Phó chánh án Toà tối cao Lê Hồng Quang trình bày tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp vào ngày 4/9.
Theo ông Quang, nhiều chủ tịch, phó bí thư tỉnh có tên trong Thường trực Tỉnh uỷ cho rằng nếu phải đến toà để thẩm phán trung cấp xét xử thì "vị thế sẽ bị thấp đi". Do vậy, họ không xuất hiện theo quyết định triệu tập. Việc vắng những người này khiến phiên tòa không đối thoại được, không cung cấp được chứng cứ nên HĐXX phải hoãn xét xử, chất lượng giải quyết thấp.
Phó chánh án Toà tối cao Lê Hồng Quang. Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Ông Quang nói: "Đại biểu hỏi có nể nang không? Tôi nghĩ ai cũng biết rồi. Ông chủ tịch to đùng như thế, thẩm phán bé như thế, không nể nang không được. Nhưng có điều, hiện nay bản lĩnh của thẩm phán tốt rồi. Nể nang nhưng không vì thế mà không xử được, chỉ có điều nó bị ách tắc".
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hạn chế này có thể xử lý dứt điểm thông qua việc Toà tối cao thống kê những chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh nào không đến toà khi bị triệu tập; xác minh cấp ủy ở địa phương nào có việc thẩm phán vì xử án hành chính mà không được phê chuẩn tái bổ nhiệm.
"Nếu Toà án tối cao có đánh giá và kiến nghị khoảng 10 vụ cụ thể thì chúng tôi sẽ có kiến nghị với cấp uỷ ấy, đưa ra trước Quốc hội. Chúng ta chỉ nói mà không có giải pháp cụ thể thì như chém vào không khí thôi", bà Nga nói và khẳng định, nếu ngành tư pháp làm được đề nghị trên thì Uỷ ban Tư pháp sẽ sát cánh cùng cơ quan tố tụng xử lý các vướng mắc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Cho biết sẽ có ý kiến để Chánh án chỉ đạo về đề nghị nói trên, ông Quang nêu thêm một nguyên nhân khiến tỷ lệ án hành chính xử thấp là do số lượng án tăng nhanh, trong khi biên chế lại phải giảm 10%.
Năm 2012, số lượng vụ án ngành tiếp nhận là 360.000 nhưng đến 2018 đã lên đến hơn 585.000 vụ. Trong 10 tháng từ 1/10/2018 đến 31/7/2019 toà đã thụ lý giải quyết hơn 410.500 vụ trong đó có 181.500 vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại...
Trả lời đại biểu Quốc hội về việc cán bộ toà án, thẩm phán nghỉ việc nhiều, ông Quang nói nguyên nhân do áp lực quá lớn, công việc quá nhiều mà đãi ngộ thấp. Từ 1/10/2018 đến 31/7/2019, 51 thẩm phán xin thôi việc, hầu hết ra làm luật sư.