Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có những bất đồng từ lịch sử và Ankara luôn coi lực lượng dân quân SDF là một mối đe dọa.
Các Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và Quân đội Syria Tự do ngày 9/10 bắt đầu mở chiến dịch tấn công nhằm vào người Kurd ở đông bắc Syria. Một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiến dịch gồm các cuộc không kích kết hợp với pháo kích. Nhiều vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thành phố Ras al Ain, Syria, nằm gần thị trấn Ceylanpinar của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở thành phố Kilis, gần biên giới với Syria, ngày 9/10. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có nguồn gốc sâu xa từ những động lực cạnh tranh quyền lực trong khu vực, tạo ra một mạng lưới lợi ích rối rắm. Bức tranh càng bị làm phức tạp thêm với thực tế rằng Mỹ là đồng minh với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của dân quân người Kurd.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố mục tiêu của chiến dịch là "phá hủy hành lang khủng bố" mà theo ông dân quân người Kurd đang cố gắng thiết lập ở biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời mang lại hòa bình cho khu vực.
Những lãnh đạo SDF chỉ trích các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây nguy hiểm cho dân thường, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng. Các nhóm người Kurd trên chiến trường đã chia sẻ những bức ảnh và video cho thấy người dân bỏ chạy khỏi làng mạc khi khói đen bốc lên sau lưng họ vì các cuộc không kích.
Để hiểu rõ xung đột hiện nay đòi hỏi phải biết về nền tảng tranh chấp chữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd và cách Mỹ tham gia vào tranh chấp này.
Người Kurd là nhóm dân tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông. Dù số lượng lớn, họ không có quốc tịch và quê hương trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran tới Armenia. Sau Thế chiến I cùng sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, rất nhiều người Kurd đã nỗ lực đấu tranh cho một nhà nước Kurd độc lập. Những lời hứa hẹn đã được đưa ra trong các hiệp ước đầu tiên hướng tới một quốc gia cho người Kurd. Nhưng khi khu vực bị chia rẽ, ước mơ của người Kurd không thể trở thành hiện thực. Từ đó tới nay, người Kurd vẫn theo đuổi nỗ lực lập quốc nhưng đều bị dập tắt.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd luôn ở thế đối đầu căng thẳng. Ankara coi các lực lượng người Kurd ở biên giới phía nam nước này là một mối đe dọa và Tổng thống Erdogan nhiều năm qua đã liên tục thông báo về các kế hoạch can thiệp quân sự vào vùng đất phía bắc Syria. Thực tế, tranh chấp có nguồn gốc từ rất lâu trong lịch sử và về bản chất, nó gắn liền với một cuộc xung đột nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara xung đột với đảng Lao động người Kurd (PKK) kể từ sau khi PKK phát động một phong trào ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1980. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều coi PKK là tổ chức khủng bố.
Tại Syria, lực lượng dân quân mang tên Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) bắt đầu hoạt động từ năm 2004 với mục tiêu thành lập một nhà nước tự trị cho người Kurd.
YPG và một nhóm dân quân liên kết gồm toàn các nữ chiến binh được một số nước phương Tây hoan nghênh vì lập trường chống Hồi giáo cực đoan của họ. Nhóm đã thu hút được số lượng đáng kể các tình nguyện viên tới gia nhập hàng ngũ để chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhưng các thành viên dân quân YPG lại có quan hệ chặt chẽ với PKK, nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ gắn mác "tổ chức khủng bố", dù các lãnh đạo YPG phủ nhận mối liên hệ.
Thời kỳ đầu cuộc nội chiến Syria, YPG đã thành công trong việc thiết lập một vùng đất hòa bình mà họ gọi là Rojava ở phía bắc Syria. Các thành viên YPG sau đó tham gia cùng những nhóm vũ trang khác trong khu vực và phát triển thành SDF như hiện nay. SDF góp công lớn trong nỗ lực đẩy lùi IS khỏi lãnh thổ Syria.
Khi SDF giành lại quyền kiểm soát các thị trấn và thành phố trên khắp vùng đông bắc Syria từ tay IS, sức mạnh của người Kurd vì thế được gia tăng, song đây lại là mối lo ngại đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.