Mỹ dự kiến trang bị đạn siêu tốc cho các tổ hợp pháo lục quân và hải quân, biến chúng thành lá chắn tên lửa hạng nhẹ.
Pháo hải quân của Mỹ có thể bắn đạn HVP để chặn tên lửa chống hạm. Ảnh: US Navy.
Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa, Lầu Năm Góc đang cân nhắc biến pháo dã chiến lục quân và pháo hạm hải quân thành lá chắn tên lửa. Việc trang bị đạn siêu tốc (HVP) có thể giúp các tổ hợp pháo này bắn hạ tên lửa đạn đạo đang bay đến, theo Popular Mechanics.
Quân đội Mỹ đang đau đầu để tìm cách đối phó với những loại tên lửa đạn đạo chiến thuật như DF-21 Trung Quốc, Iskander-M Nga và Nodong Triều Tiên. Trong thời chiến, tên lửa Iskander-M đủ khả năng tấn công đội hình lục quân Mỹ, phá hủy sở chỉ huy và lực lượng hậu cần, trong khi "sát thủ diệt hạm" DF-21 có thể đe dọa các tàu sân bay và tàu mặt nước cỡ lớn của hải quân Mỹ.
Lầu Năm Góc sở hữu một loạt hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng chúng rất đắt đỏ. Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tên lửa đánh chặn SM-6 và Patriot PAC-3 có thể bảo vệ lực lượng lục quân và hải quân, nhưng mỗi quả đạn thường có giá trung bình tới hai triệu USD, đắt hơn cả mục tiêu cần bắn hạ.
Ngoài ra, không hệ thống nào có tỷ lệ bắn hạ thành công 100%, khiến Mỹ phải bố trí nhiều tổ hợp bảo vệ cho mỗi địa điểm, làm tăng đáng kể chi phí cho mỗi lần đánh chặn. Trong trường hợp đối phương phóng đồng loạt nhiều tên lửa trong một đòn tấn công, hệ thống phòng thủ của Mỹ có thể bị quá tải làm giảm hiệu suất đánh chặn.
Mối đe dọa này buộc Bộ Quốc phòng Mỹ tính tới giải pháp trang bị đạn siêu tốc (HVP) cho pháo tự hành M109A6 Paladin và lựu pháo M777, cùng pháo hạm cỡ nòng 127 mm trên các tàu mặt nước, biến chúng thành lá chắn tên lửa.
Pháo M109A6 và M177 được thiết kế để khai hỏa đạn nổ mạnh (HE) và nhiều loại đạn khác với tầm bắn tới 29 km. Văn phòng Năng lực Chiến lược (SCO) của Lầu Năm Góc đánh giá đây là nền tảng thích hợp để triển khai đạn pháo siêu tốc. Với tốc độ tối đa 9.000 km/h, HVP có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo đang bay tới với chi phí dự kiến chỉ 85.000 USD/phát, chỉ bằng 1/35 giá của một quả tên lửa đánh chặn Patriot.
Pháo tự hành M109A6 của lục quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Điểm yếu của giải pháp này là mỗi viên đạn siêu tốc đơn lẻ có tỷ lệ bắn hạ mục tiêu rất thấp. Tuy nhiên, pháo lục quân có thể bắn nhiều phát đạn trong thời gian ngắn, một khẩu đội gồm 6-8 khẩu pháo có thể khai hỏa 24 quả đạn HVP chỉ trong 15 giây. Lục quân Mỹ đang biên chế hàng trăm lựu pháo và bố trí chúng ở gần chiến trường, vị trí lý tưởng để bắn hạ tên lửa đối phương.
Trong khi đó, hải quân Mỹ cũng tìm kiếm phương án thay thế Đạn tấn công mặt đất tầm xa (LRLAP) dành cho pháo 155 mm trên tàu khu trục lớp Zumwalt. HVP là ứng viên sáng giá nhờ độ linh hoạt, có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau, dù có tầm bắn kém hơn LRLAP.
Nếu được trang bị HVP, pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm trên tàu mặt nước của Mỹ sẽ có tầm bắn tới 65 km, gấp ba lần đạn bình thường. Việc bổ sung hệ thống dẫn đường và cánh lái cho HVP giúp pháo Mark 45 có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình và đạn đạo, cũng như máy bay từ khoảng cách tương đương tên lửa phòng không tầm trung.
"Đạn siêu tốc được thiết kế để đối phó với nhiều mối đe dọa. Chúng có thể áp dụng nhiều cơ chế diệt mục tiêu khác nhau như dùng đầu đạn nổ mảnh hoặc va chạm trực tiếp (hit-to-kill)", ông Vincent Sabio, giám đốc chương trình HVP thuộc SCO, nhấn mạnh. Lầu Năm Góc dự kiến thử nghiệm HVP trong năm nay.
Những lần Mỹ \'dựng tóc gáy\' vì báo động tên lửa giả Hệ thống cảnh báo tên lửa của Mỹ từng có lần phát đi báo động giả vì bị Mặt Trăng đánh lừa hay chỉ vì ... |
Nga chỉ trích Nhật phá quan hệ khi triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ nước này sẽ gây ... |