Nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính.
- 5 ngành học độc lạ tuyển sinh năm 2023, có game và đầu tư tiền ảo
- Lật lại vụ lừa đảo tiền ảo lớn nhất trong lịch sử
Chính phủ vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Kế hoạch).
Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đưa ra Kế hoạch hành động quốc gia với 17 hành động cụ thể để thực hiện cam kết về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Một trong những nhiệm vụ đáng lưu ý là Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo;
Đồng thời, chứng minh việc thực thi khung pháp lý gồm: nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro của khu vực này; đào tạo, phổ biến, nâng cao hiểu biết, nghĩa vụ của tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Có biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiệm vụ này được Thủ tướng yêu cầu thực hiện trong tháng 5/2025.
Trước đó, Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 cũng chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.
Tại Quyết định lần này, để thực hiện 17 hành động đề ra, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền về các nhiệm vụ được giao.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ là đầu mối theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
Trước ngày 01 của các tháng 1, 3, 6, 9 và tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp thông tin, số liệu, tài liệu từ các bộ, ngành liên quan để xây dựng báo cáo đúng quy định, đảm bảo lợi ích quốc gia gửi cho Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo.
Các Bộ ngành liên quan phải phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện các hành động được giao tại Kế hoạch này và gửi thông tin, số liệu, tài liệu báo cáo định kỳ nêu trên cho Ngân hàng Nhà nước.