Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/giờ. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, dự kiến tháng 9/2022, sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/giờ. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Công trình này có tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD; chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD; chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,82 tỷ USD; chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu vận tải, Bộ GTVT cũng đưa ra phương án phân kỳ đầu tư.

antd-duong-sat-toc-do-cao-4873
Đường sắt tốc độ cao theo báo cáo của Bộ GTVT có vận tốc tối đa 320km/h, tổng mức đầu tư gần 59 tỉ USD

Cụ thể, giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang-TP.HCM chiều dài 665km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỉ USD, trong đó chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020-2026, thi công giai đoạn 2027-2031, đưa vào khai thác khoảng năm 2032.

Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh-Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỉ USD, trong đó khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng; khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng-Nha Trang

Từ năm 2005 đến nay, Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu, năm 2009 Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định nhà Nước thông qua, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư, tuy nhiên chưa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2010.

Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát, cập nhật bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Quá trình nghiên cứu, Bộ cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành liên quan, cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học; đã thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua.

Trước đó, tại buổi công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào đầu tháng 11/2021, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, quy hoạch đường sắt đã xác định, từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai hai đoạn ưu tiên của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TP.HCM.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, điểm đầu dự án tại ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Đề cập đến vốn, Bộ trưởng Thể cho hay sẽ cố gắng tham mưu để bố trí cho ngành đường sắt 240.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030.

Số tiền còn lại sẽ bố trí sang các giai đoạn tiếp theo đến khi hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đồng thời đề xuất với Chính phủ cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư, vốn xã hội để thực hiện quy hoạch.

Ngân Tuyền / ANTĐ