Lực lượng vũ trang Đài Loan gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển tân binh, do giới trẻ không còn hứng thú với việc gia nhập quân đội.
Binh sĩ Đài Loan trước một cuộc diễn tập năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Trung sĩ Jiang Pin-shiuan thuộc không quân Đài Loan tới đại học Tamkang nhằm kêu gọi các sinh viên gia nhập quân ngũ sau khi tốt nghiệp. Các chế độ đãi ngộ dường như rất hấp dẫn, bao gồm học bổng từ lực lượng vũ trang, 110 ngày nghỉ phép cùng khoản tiết kiệm tới 10.200 USD ngoài lương thưởng cho mỗi năm phục vụ, theo Reuters.
Tuy nhiên, nhiều thanh niên tỏ ra không hứng thú, cho rằng việc đi lính là "phí thời gian", nhất là khi Đài Bắc khó lòng đối đầu với Bắc Kinh. "Trung Quốc thừa sức đè bẹp Đài Loan bằng sức mạnh kinh tế, họ không cần gây chiến tranh. Tôi không có niềm tin và kỳ vọng với quân đội Đài Loan", Chen Fang-yi, sinh viên ngành kỹ thuật, cho biết.
Từ các bài giảng trong nhà trường tới màn đồng diễn trên phố của lực lượng đặc nhiệm, quân đội Đài Loan đang tìm mọi cách để tuyển thêm binh sĩ, một phần trong kế hoạch xây dựng lực lượng hoàn toàn tình nguyện sau hàng chục năm áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự.
Chính quyền Đài Loan hồi năm 2011 cam kết loại bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự để cắt giảm chi phí, tăng tính chuyên nghiệp cho lực lượng vũ trang. Mục đích của Đài Loan là đối phó với sức mạnh quân sự Trung Quốc thông qua năng lực tác chiến mạng và triển khai nhiều vũ khí công nghệ cao.
Quân đội Đài Loan đặt mục tiêu tuyển 188.000 quân nhân chuyên nghiệp vào cuối năm nay, khẳng định đã đạt 81% kế hoạch và kỳ vọng sẽ chạm mức 90% trong năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng quá trình tuyển quân của Đài Bắc đang gặp nhiều khó khăn, trong khi sự phát triển của lực lượng tình nguyện không theo kịp với chênh lệch cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm ngoái cao gấp 15 lần Đài Loan, Bắc Kinh cũng nhiều lần khiến Đài Bắc lo ngại bằng việc triển khai oanh tạc cơ tuần tra ở các vùng xung quanh Đài Loan, đồng thời hối thúc nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này.
Lính Đài Loan trong một sự kiện giao lưu cùng thiếu nhi đầu năm nay. Ảnh: Reuters. |
"Chính quyền Đài Loan cần xem xét khả năng khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự để bảo đảm an ninh. Chúng ta sẽ khó lòng tìm đủ binh sĩ với hình thức quân đội hoàn toàn tình nguyện như hiện nay", Lin Yu-fang, cựu chủ tịch ủy ban đối ngoại và quân sự Đài Loan, cho biết.
Lực lượng vũ trang Đài Loan khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường quân số và chất lượng binh sĩ, cũng như chuẩn bị mọi kế hoạch cần thiết để đối phó với hành động quân sự của Trung Quốc. Đài Bắc cũng kêu gọi "sự ủng hộ và động viên" của người dân với quá trình chuyển tiếp lực lượng này.
Thực trạng trốn quân dịch
Năm 2013, một lính nghĩa vụ Đài Loan tử vong sau khi chịu các hình phạt nặng nề do vi phạm kỷ luật. Cái chết đã gây ra hàng loạt cuộc biểu tình lớn khắp hòn đảo này, trở thành đòn giáng mạnh vào uy tín của quân đội Đài Loan. Trong ba năm qua, hơn 1.000 lính dự bị đã bị buộc tội trốn quá trình tái huấn luyện bắt buộc.
Đài Loan năm ngoái chi tới 47% ngân sách quân sự, tương đương 4,8 tỷ USD, cho các vấn đề nhân lực, khiến lực lượng vũ trang không còn đủ tiền mua sắm vũ khí mới. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định kế hoạch chuyển sang quân đội tình nguyện vào năm 2019 sẽ khiến Đài Bắc tiêu tốn nhiều chi phí hơn dự kiến, buộc hòn đảo này cắt giảm thêm các chương trình trang bị vũ khí và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Binh sĩ Đài Loan tham gia diễn tập năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Đài Loan đã rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ ba năm xuống chỉ còn 4 tháng huấn luyện, nhằm xoa dịu và tăng tính hấp dẫn của quân đội với giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều thanh niên vẫn cho rằng điều này là hoàn toàn vô ích.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất, có thể dùng đến vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây nhiều lần tổ chức tập trận trên biển và trên không gần hòn đảo để gây sức ép với Đài Bắc, đồng thời phản ứng dữ dội việc Mỹ phê duyệt hợp đồng bán vũ khí 330 triệu USD cho Đài Loan hồi tháng trước.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng sau khi Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo này vào tháng 5/2016. Kể từ khi bà Thái lên nắm quyền, đã có 5 quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, gồm Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Sao Tome và Principe, Panama cùng El Salvado.
"Đài Loan không thể đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến. Tại sao tôi phải phí phạm thời gian của mình trong quân đội?", Hsu Kai-wen, lính nghĩa vụ 20 tuổi vừa được tuyển vào hải quân Đài Loan, đặt câu hỏi.
Đài Loan sắp diễn tập bắn đạn thật trái phép ở đảo Ba Bình Cảnh sát biển Đài Loan dự kiến sử dụng pháo 40 mm trong cuộc diễn tập kéo dài ba ngày trên đảo Ba Bình vào ... |
Đài Loan diễn tập đáp trả đòn tấn công của Trung Quốc Lãnh đạo Đài Loan mời Tổng thống Paraguay thị sát cuộc diễn tập mô phỏng tình huống chống lại lực lượng Trung Quốc tấn công ... |