Đây không phải là trường hợp cá biệt. Điều này cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức của chúng ta chưa tốt.
Liên quan tới vụ việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản hành vi đòi "chung chi" nhiều tỉ đồng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận đó là việc đáng tiếc.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích thêm, bộ đã thực hiện rất nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra của bộ trong sạch cũng như hiệu quả trong công việc, tuy nhiên, sự việc vẫn xảy ra.
Trước thực tế như vậy, ông cho biết đã chỉ đạo làm rõ thông tin và kiên quyết xử lý, không bao che dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm quy định của pháp luật.
Từ góc nhìn của ĐBQH, ông Nguyễn Bá Sơn (ĐBQH Đà Nẵng) nói thẳng đó là biểu hiện của hành vi nhận hối lộ, phải xử lý nghiêm theo luật.
"Hành vi đã khá rõ ràng, đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng được xác định có hành vi vòi tiền và bị lập biên bản, nếu đây là thông tin chính xác thì có thể khẳng định tội nhận hối lộ bị bắt quả tang, hành vi phạm tội đã hoàn thành như vậy thì không còn gì phải băn khoăn nữa, cứ luật mà xử lý", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, dù chưa thể khẳng định những đồn đoán về tiêu cực trong quá trình thanh tra là phổ biến song đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Điều này cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức của chúng ta chưa tốt.
"Vì sao, cứ nhắc đến cán bộ công chức ở bất kỳ cấp bậc, chức vụ, lĩnh vực nào người dân cũng đều có nghi ngờ tiêu cực, tham nhũng. Những nghi ngờ của dư luận và người dân không phải không có cơ sở khi mà ở những vị trí càng cao, quyền lực càng lớn thì nguy cơ bị tha hóa quyền lực càng nhiều. Nếu quyền lực không được kiểm soát một cách chặt chẽ thì những nguy cơ bị tha hóa càng lớn hơn, một trong những biểu hiện rõ nhất chính là tình trạng nhận hối lộ, tham nhũng, tiêu cực như vụ việc vừa xảy ra.
Chính những nguy cơ như vậy nên người ta mới cần tới một hệ thống quản lý nhà nước chặt chẽ, kiểm soát lẫn nhau nhằm bảo đảm các hoạt động của bộ máy không bị tha hóa, biến chất", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hiện tượng trên cũng xảy ra ở các nước chỉ khác nhau về tính chất, mức độ. Do đó, cần phải nhìn nhận vụ việc này gắn với vị trí quyền lực để có giải pháp kiểm soát cho hiệu quả.
Về dư luận phản ánh chi phí lót tay ở Việt Nam quá lớn, thậm chí chiếm 30% dự án, là nguyên nhân cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ông sơn cho rằng đó là kết quả tổng bình quân của hàng loạt những vấn đề vun vặn trong công tác quản lý nhưng chưa được làm tốt đã tích tụ gây ra.
Vì thế, muốn cải thiện thì phải làm tốt ở tất cả các khâu, phải có sự thống nhất, đồng bộ.
Một yếu tố đã được nhắc đến từ lâu và cũng là con đường duy nhất có thể hóa giải những yếu điểm trong quản lý đó là điều hành bằng công nghệ hóa nhằm minh bạch thông tin, giảm thiểu những tác động tiêu cực.
"Con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội. Khi bé anh có thể là người rất tốt nhưng khi lớn lên, được đặt trong một môi trường công vụ không lành mạnh, cán bộ lãnh đạo có những hành xử không chuẩn mực thì bản thân anh cũng khó có thể tốt hơn được. Vì thế mới nhấn mạnh ở đây là phải có giải pháp tổng hòa của cả nền hành chính, bắt đầu từ nụ cười của công chức khi đón tiếp người dân vào công sở. Phải thay đổi bắt đầu từ những câu chuyện rất nhỏ nhặt như vậy thì mới mong thay đổi được những thứ to tát, lớn hơn", ông Sơn nói.
Vị đại biểu đoàn Đà Nẵng cho biết, các giải pháp phải đồng bộ trong hệ thống quản lý nhà nước, chứ không phải là cách giải quyết đơn lẻ kiểu thấy một vụ việc này thì chạy theo giải quyết là có thể hi vọng sẽ ngăn chặn hay chấm dứt được tình trạng trên.
"Chính phủ đang bàn về quy định nêu gương, đạo đức công vụ từ vụ việc trên nếu không làm quyết liệt sẽ dẫn tới những hệ lụy đáng ngại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của cả xã hội và người dân".
Trước đó, dư luận phản ánh về vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản, tạm giữ về hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong Đoàn Thanh tra có bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng) làm trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường. Được biết, vào đêm 12, rạng sáng 13/6, đại diện VKS cũng có mặt tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường với Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng. Theo đó, lực lượng chức năng đã làm việc từ 13h ngày 12/6 đến rạng sáng 13/6. Đến 7h ngày 13/6, toàn bộ Đoàn Thanh tra gồm 5 người, sau đó đã được lực lượng công an đưa về nơi tạm giữ.
Trưa 13/6, thay mặt Bộ Xây dựng, ông Tạ Quang Vinh (Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ) ký thông cáo về việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản đối với đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vào chiều 12/6. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đang có một đoàn thanh tra về công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Vĩnh Tường theo kế hoạch được Bộ trưởng phê duyệt.
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục điều tra làm rõ.
Cận cảnh dự án được đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng 'quan tâm' trước khi bị tạm giữ Công trình khu đất đấu giá quyền sử dụng đất Đầm Thùng được đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng "quan tâm" bởi số vốn đầu ... |
Lãnh đạo xã ở Vĩnh Phúc tiết lộ mức giá đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng 'vòi' Một lãnh đạo xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - nơi đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đến làm việc tiết lộ “mức giá” ... |