Dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III hiện đang gặp nhiều vướng mắc do những quy định trong việc sử dụng nguồn vốn ODA từ Nhật Bản, dẫn đến khả năng cả chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ bị chậm triển khai.

Những vướng mắc về mặt tài chính

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư, dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án được đặt tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Tháng 8/2022, UBND Thành phố Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án với sơ bộ tổng mức đầu tư là 25.243 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 17.670 tỷ đồng và vốn đối ứng là 7.573 tỷ đồng.

Dự kiến, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III sẽ khởi công vào quý I/2025, bắt đầu tiếp nhận khí trong quý III/2027 và phát điện thương mại vào quý IV/2027. Tuy nhiên, đề xuất vay vốn ODA cho dự án nhiệt điện Ô Môn 3 hiện đang vướng về cơ chế tài chính trong nước.

Tháo gỡ vướng mắc về việc sử dụng vốn ODA từ Nhật Bản cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn III

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III sẽ nằm tại Trung tâm điện lực Ô Môn

Lý do là không có ngân hàng thương mại trong nước nào đáp ứng các điều kiện để thực hiện chức năng là cơ quan cho vay lại và chịu toàn bộ rủi ro tín dụng đối với khoản vay từ Nhật Bản cho dự án theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Để giải quyết vấn đề này, EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đề xuất dự án nhiệt điện Ô Môn III thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật quản lý nợ công. Tuy nhiên có vướng mắc là luật này lại không quy định rõ trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về các vướng mắc liên quan dự án nhiệt điện Ô Môn III, trong đó đặc biệt nhấn mạnh "nếu vướng mắc này không được giải quyết dứt điểm có thể dẫn tới nguy cơ Chuỗi dự án không thể triển khai được".

Nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ cả chuỗi dự án điện khí Lô B

Dự án Nhiệt điện khí Ô Môn III nằm trong nhóm 9 dự án nguồn điện cần triển khai nhanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thuộc Chuỗi dự án trọng điểm khí - điện lô B cần ưu tiên đầu tư để tiêu thụ hết khí lô B, phù hợp với mục tiêu chiến lực phát triển năng lượng quốc gia

Trong đó, Chuỗi dự án khí - điện Lô B (bao gồm Dự án Phát triển mỏ khí Lô B, Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, các Dự án Ô Môn I, II, III, IV) có quy mô lớn với sản lượng khai thác khí hàng năm dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho 4 nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến 3.810 MW khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia.

Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh đó, chuỗi dự án cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án đều là các dự án trọng điểm của Nhà nước, trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm cho địa phương, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một số địa phương tại vùng Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, do nằm ở vị trí chiến lược ngoài khơi, tiếp giáp đường biên giới trên biển với nhiều nước, nên việc triển khai chuỗi dự án khí - điện Lô B sẽ góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, khẳng định chủ quyền biển đảo khu vực biển Tây Nam của tổ quốc.

Theo Bộ Công Thương, dự kiến thời điểm dự án khai thác khí lô B có dòng khí đầu tiên là vào quý 4-2026. Nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn I và Ô Môn IV sẽ tiêu thụ khí đầu tiên, sau đó là các dự án Ô Môn III và Ô Môn II. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng EVN cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thượng nguồn để tiến độ dự án Ô Môn III đồng bộ với tiến độ khai thác mỏ khí lô B, đảm bảo cam kết tiêu thụ khí.

Để giải quyết các vướng mắc, kịp thời để triển khai dự án đúng tiến độ, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương dự án Ô Môn III là dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA mà cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Nghị định số 97/2018/NĐ-CP.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/789d2fdc-f8ce-4c97-95da-e928c80490d3

PV / Cổng thông tin điện tử PVN