Dư luận cả nước kêu sách giáo khoa lớp 1 nhiều "sạn", vậy Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nói gì?
Xin lưu ý, rằng đánh giá “Giáo dục Việt Nam thất bại” không phải là của riêng người viết mà đã và đang được nhiều người, nhiều cơ quan báo chí nêu trong hàng chục bài báo, liên tục trong nhiều năm cho đến ngày nay.
Nói đến giáo dục đương nhiên phải chú ý cả hai giai đoạn, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Bài viết này chỉ giới hạn ở bậc phổ thông, các bài viết về giáo dục đại học sẽ được đăng tải trong thời gian tới.
Hơn hai mươi năm trước, vào trước năm 2000 đã từng tồn tại tới bốn bộ sách giáo khoa cho giáo dục bậc tiểu học.
Trong bốn bộ sách đó, bộ sách được chọn nhiều nhất dành cho chương trình dạy và học bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) có thời lượng 165 tuần – bình quân mỗi năm là 55 tuần.
Với học sinh miền núi, bộ sách giáo khoa tiểu học được rút gọn còn 120 tuần.
Một bộ sách được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ với thời lượng 100 tuần dành cho trẻ em đường phố, trẻ lang thang, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.
Bộ sách còn lại là sách công nghệ giáo dục.
Việc ra đời bộ sách giáo khoa năm 2000 đã từng gây sóng gió dư luận, đã khiến “PGS.TSKH. Nguyễn Kế Hào quyết định từ chức vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học để phản đối việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định triển khai đại trà chương trình 2000”. [1]
Thế nhưng cũng có vị học hàm, học vị “ngang cơ” với ông Hào lại cho rằng “Đây là lần đổi mới sách giáo khoa được coi là bài bản nhất kể từ sau Cách mạng tháng 8”.
Năm 1979 bắt đầu cải cách giải dục theo hướng cả nước thực hiện chương trình phổ thông 12 năm. Hai năm sau, vào năm 1981, những cuốn sách sách giáo khoa thống nhất toàn quốc bắt đầu xuất hiện.Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, giáo dục phổ thông miền Bắc theo hệ 10 năm còn miền Nam là 12 năm, vì thế sách giáo khoa phổ thông hai miền không giống nhau.
Lúc đó cũng không ít lời ra tiếng vào, phải mất hàng chục năm biên soạn, xuất bản theo kiểu cuốn chiếu mới hoàn thành một bộ sách giáo khoa phổ thông hoàn chỉnh thì đùng một cái đến năm 2000 thì bộ sách này bị bỏ để thay bằng bộ sách mới.
Tính từ 1981 đến nay, giáo dục Việt Nam đã mất 40 năm loay hoay với sách giáo khoa và có lẽ thêm 20 năm nữa, gần đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045) biết đâu lại có “sáng kiến” viết bộ sách giáo khoa mới?
Vấn đề là đợt đổi mới nội dung, chương trình và sách giáo khoa phổ thông lần này có cần chờ 20 năm nữa mới có thể rút ra kết luận?
Nếu nhìn vào sự đông đúc của các cơ quan mang danh quốc gia liên quan đến giáo dục đào tạo nước nhà thì có lẽ “sạn” trong giáo dục có đãi mỏi tay cùng không có.
Xin nêu tên một số cơ quan:
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo;
Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình tổng thể;
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa;
Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (nay là Hội đồng giáo sư Nhà nước);...
Dân chúng và không ít chuyên gia giáo dục, thày cô giáo kêu chương trình lớp 1 quá nặng, vậy Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình tổng thể nói gì?
Dư luận cả nước kêu sách giáo khoa lớp 1 nhiều sạn, vậy Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nói gì?
(Ảnh minh hoạ: Phạm Minh) |
Mới thấy một vài cá nhân lên tiếng còn “Hội đồng” hình như đã giải thể?
Các Hội đồng im lặng còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sốt ruột, theo thông tin trên Báo Giáo dục và Thời đại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. [2]
Ba năm trước, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa lớp 1 đưa vào thẩm định.
Các đơn vị biên soạn, xuất bản sách phải viết “đơn đề nghị thẩm định sách giáo khoa” như quy định tại 33/2017/TT-BGDĐT.
Kết quả là sau hai đợt “thẩm định” tổng số sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức phê duyệt là 45 đầu sách của 9 môn học và hoạt động giáo dục.
Đã được thẩm định, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho sử dụng, vì sao bộ lại còn yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát?
Phải chăng cả Hội đồng thẩm định và cơ quan phê duyệt đều chưa làm tròn trách nhiệm hay có những lý do khiến hai cơ quan này khó lắc đầu?
Chuyện dạy trẻ con lớp 1 ôn tập tiếng Việt ở nhà đang khiến không ít phụ huynh phải “thở hí hóp”. Theo giải nghĩa trong một số từ điển tiếng Việt, “hí hóp” là từ ít được dùng, “thở hí hóp” nghĩa là thở có vẻ mệt nhọc, yếu ớt như sắp hết hơi!
Vì sao cha mẹ chỉ dạy thêm con buổi tối mà phải “hí hóp” trong khi trẻ con đã học gần như cả ngày ở trường (học bán trú)?
Thế có phải đổi mới toàn diện giáo dục lần này đang làm đảo lộn nhịp sống các gia đình theo chiều hướng tiêu cực?
Có lẽ phải 20 năm nữa mới có câu trả lời chính xác bởi vừa có ý kiến của một vị giáo sư nổi tiếng cho rằng 20 năm trước, vào năm 2000, khi tiến hành đổi mới chương trình phổ thông bằng cách thay đổi sách giáo khoa, dư luận đã kêu rầm trời nhưng không ít người ngày nay lại khen chương trình và sách giáo khoa cũ!
Có thời theo “ý chí” của ai đó, người ta bắt trẻ con viết chữ theo kiểu chữ trong các bản vẽ kỹ thuật, bị cả xã hội phê phán thế là quay lại với “vở sạch, chữ đẹp”.
Ngày nay, kiểu “ý chí” như xưa không còn đất sống bởi “Có thực mới vực được đạo”, thế là kinh tế lên ngôi, thế là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” hoặc gần đây là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật khách quan” trở thành chủ đề chi phối.
Và thêm nữa, việc trốn làm ấy lại được đánh giá là “Có lí lắm”!!!Đã gọi là kinh tế thị trường thì “định hướng” hay “đầy đủ” vẫn có ông chủ và người làm thuê, vậy những đứa bé 6, 7 tuổi hôm nay, sau chừng 20 năm nữa đi làm kiếm sống có nhớ bài học đầu đời từ năm lớp 1, rằng “Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn”?
Vấn đề thứ hai là tâm lý sính ngoại, một thống kê trên báo Danviet.vn cho thấy “46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài”. [3]
Quá nửa bài đọc dựa vào nguồn từ nước ngoài, thế có phải nền văn hóa Việt Nam không đủ truyện ngụ ngôn, truyện dân gian để dạy cho con cháu mình?
Thế có phải sách dạy cho trẻ con vẫn “Đậm đà bản sắc dân tộc”?
Người viết không tin rằng kho tàng văn hóa của 54 dân tộc trên toàn cõi Việt Nam lại không đủ tư liệu cho các tác giả viết sách.
Liệu có phải theo “truyền thống” 40 năm qua, cứ viết cái đã, cứ để cho kêu ca, phản biện, kiểu gì thì 20 năm nữa cũng viết lại toàn bộ?
Phải chăng “Giáo dục và quy luật … tít mù” vẫn đang vận hành trơn tru theo quy luật mà những người được giao trách nhiệm hoạch định chính sách sáng tạo ra?
Bánh xe Giáo dục đã quay tít mù 40 năm khối lượng khổng lồ mang tên “Vũ Đại”, nếu bây giờ phanh gấp liệu có đủ lực hay đành để quay tiếp 20 năm nữa theo quán tính?
Và những lời ca thán về một nền giáo dục thất bại liệu có bắt nguồn từ chính những cuốn sách giáo khoa lớp 1?