Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam và một số nước đang phát triển bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá.
Doanh nghiệp FDI càng lỗ càng mở rộng sản xuất
Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường, ngày 31/10, rất nhiều ĐBQH đưa ra ý kiến về tình trạng chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia và giải pháp cho nguồn thu bền vững của ngân sách.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh: “Hiện tại đang diễn ra nghịch lý là các doanh nghiệp FDI càng lỗ thì càng mở rộng sản xuất.
Thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 cho thấy, khối doanh nghiệp FDI xuất hiện đến 46% danh sách, nhưng số tiền thuế nộp lại chỉ chiếm 37% và đang có xu hướng giảm dần”.
Theo ông Nhân, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Do đó, lợi nhuận từ con số này là vô cùng thấp.
Trích dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân nói mỗi năm các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam thất thu 170 tỷ USD do chuyển giá.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân, đoàn tỉnh Bình Dương.
“Dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao, thậm chí là bằng 0 khi bị báo cáo lỗ. 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được các doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc.
Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách. Con số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ”, đại biểu Nhân bình luận.
Ngoài ra, ĐBQH tỉnh Bình Dương còn đề cập đến một trong những mục tiêu thu hút FDI là để hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo thống kê thì 80% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5 - 6% là sử dụng công nghệ cao. Dù vậy, các công đoạn thực hiện ở Việt Nam chủ yếu là khâu lắp ráp.
Điều đó khiến xếp hạng hiệu quả chuyển giao công nghệ của Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu tụt xuống thứ 103 vào năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm. Vị trí này thấp hơn nhiều so với Malaysia ở thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonexia thứ 39 và Campuchia thứ 44.
“Trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép chuyển lỗ, hoàn thuế để tái đầu tư... Thì chúng ta lại khắt khe với chính người nhà của mình, người đồng cam cộng khổ và có nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước.
Đó là khi Viettel vỡ mộng vì bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác việc xin ưu đãi thuế giống Samsung, hay như khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển công nghệ của gốm sứ Minh Long không được đáp ứng chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính...”, ông Nhân dẫn chứng.
Ông Nhân nói, ông ủng hộ Chính phủ với việc không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Trọng Nhân kết thúc phần phát biểu ý kiến của mình: “Liệu chúng ta có rời được vai những gã khổng lồ để tự sớm đứng trên đôi chân của mình hay không là một câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta ít nhiều đều có trách nhiệm trả lời”.
Tìm cách tăng thuế
Một điều đáng quan tâm đó là, liên quan tới vấn đề thu ngân sách của Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài – doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi thuế hay cắt giảm nhiều khoản thuế. Chính phủ cũng không rõ ràng là các doanh nghiệp này được miễn giảm thuế trong bao nhiêu lâu.
Rõ ràng, cơ cấu thuế và vấn đề miễn, giảm thuế là hai lĩnh vực có dư địa, Chính phủ cần xem xét lại”.
Ưu ái các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhưng lại tìm cách tăng thuế của dân, cụ thể, trước bối cảnh nợ công tăng cao, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng từ mức 10% hiện nay lên 12% hoặc 14%.
Thế nhưng, theo TS Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy khi tăng sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn.
Và thực tế, mức thu thuế của Việt Nam đã cao so với nhiều nước trong khu vực, nếu tiếp tục tăng thu VAT sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi chứ không phải nới rộng thu.
Lý do là, với người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Nhưng vì người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập.
“Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, ông Anh chỉ rõ.
10 tháng, vốn FDI giải ngân đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua ... |
Thu hút FDI: Xây tổ cho phượng hoàng nào ở? Không ai nghi ngờ về đóng góp của FDI trong tạo việc làm, thu ngân sách, đóng góp GDP… nhưng người ta cũng có quyền ... |
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/that-thu-170-ty-usdnam-tu-viec-khoi-fdi-chuyen-gia-3346260/