Hàng chục dự án điện mặt trời đã được các “đại gia” Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… nắm quyền sở hữu từ các nhà đầu tư “nội” bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần. Vì sao dự án điện lại trong tầm ngắm nhà đầu tư "ngoại"?
Giá bán điện cao, sớm hoàn vốn
Như VietNamNet đã đưa tin, hàng chục dự án điện mặt trời quy mô lớn từ các tập đoàn trong nước đã được chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nói về lý do các “đại gia” năng lượng nước ngoài mạnh tay chi tiền sở hữu cổ phần chi phối tại các dự án điện mặt trời, một nhà đầu tư thừa nhận giá điện mặt trời lên tới 2.100 đồng/số (tương đương 9,35 cent/kWh) cho các dự án vận hành trước tháng 7/2019 trong thời gian 20 năm là một hấp lực quan trọng.
“Các nhà đầu tư nước ngoài huy động được vốn bằng đồng USD với chi phí rẻ nên khi tính toán dòng tiền, họ thấy rằng mức giá trên đảm bảo khả năng hoàn vốn và có lãi”, vị này cho biết. Ngoài ra, mức giá ổn định trong vòng 20 năm cũng là một lợi thế.
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng đã được nhà đầu tư Thái Lan nắm cổ phần chi phối. Ảnh: Lương Bằng |
Theo tính toán, với dự án điện mặt trời 50 MW ở khu vực có bức xạ tốt như Ninh Thuận, Bình Thuận, trong điều kiện không bị giảm phát, mỗi ngày có thể thu về trên 500 triệu đồng tiền bán điện. 1năm có thể thu về trên 150 tỷ đồng. Như vậy, với chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng cho dự án 50 MW, trong vòng 6-7 năm nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.
Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành điện nhận định: Việc nhà đầu tư ngoại nắm quyền sở hữu hàng loạt dự án điện mặt trời đánh giá sơ bộ không thấy ảnh hưởng gì đến hệ thống điện quốc gia. Chủ trương của nhà nước là không hạn chế giới hạn sở hữu nước ngoài tại các nhà máy ấy. Vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào các dự án điện mặt trời được coi là dòng đầu tư gián tiếp, chứng tỏ thị trường Việt Nam sinh lợi tốt.
Mặt khác, sản lượng điện mặt trời chiếm chưa đến 3% tổng sản lượng toàn hệ thống, với khoảng 10 tỷ kWh so với tổng sản lượng điện toàn hệ thống là 250 tỷ kWh. 3% sản lượng điện mặt trời đó bao gồm cả sở hữu của nhà đầu tư trong nước nên tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp.
Chia sẻ với PV, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, khẳng định cần coi những giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu này là những hoạt động thông thường trong cơ chế thị trường.
Một dự án tốt, có khả năng đạt các chỉ số tài chính cao thì sẽ có người quan tâm mua lại. Bản thân việc chuyển nhượng quyền sở hữu dự án cũng có thể giúp các nhà đầu tư phát triển dự án ban đầu điều chỉnh lại các mục tiêu kinh doanh, tập trung vốn để thực hiện các dự án quy mô lớn hơn; hoặc cho phép một nhà đầu tư có năng lực tốt hơn tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án.
Cần lưu ý những vấn đề phát sinh
Tuy nhiên, chuyên gia Hà Đăng Sơn nhận định: Khác với các giao dịch dự án thông thường, một dự án nguồn năng lượng có một số đặc thù riêng biệt đòi hỏi phải có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Thứ nhất, cần làm rõ liệu một dự án được chuyển nhượng như vậy có tiềm ẩn rủi ro gì về an ninh năng lượng hay không. Nếu việc chuyển nhượng dự án xảy ra trong giai đoạn đầu của triển khai xây lắp sẽ có thể có sự can thiệp của nhà đầu tư mới trong việc thay đổi hoặc bổ sung các thiết bị không trong hồ sơ nghiên cứu khả thi ban đầu, thậm chí có thể lắp đặt những thiết bị có thể can thiệp từ xa vào hệ thống.
"Ngoài ra, khi tỷ trọng nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời) tăng lên tới một mức đủ lớn thì các sự cố đồng thời tại một số dự án - do nguyên nhân khách quan, hoặc có chủ định - có thể gây tác động nghiêm trọng tới lưới điện quốc gia, làm ảnh hưởng tới khả năng cung ứng điện tại một khu vực địa lý lớn", ông Sơn lưu ý.
Hàng chục dự án điện mặt trời đã thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài |
Do vậy, chuyên gia này đề nghị cần quản lý và vận hành hệ thống chặt chẽ để nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia ("Grid Code") cũng như đánh giá các kịch bản sự cố có thể xảy ra để lên phương án xử lý phù hợp, kịp thời, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, trước khi cấp phép cho đấu nối vào lưới điện quốc gia, cũng cần lưu ý kiểm tra các khía cạnh phi kỹ thuật khác. Ví dụ như việc có bản đồ "lưỡi bò" trên bảng điều khiển của cụm inverter, như đã được chia sẻ trên một số diễn đàn).
Thứ hai, các dự án năng lượng tái tạo thực chất đang được trợ giá khi giá mua điện cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Như vậy, về bản chất thì người tiêu dùng đang gián tiếp trả tiền trợ giá cho các dự án này, nên cần chú ý xem các lợi ích xã hội có được đảm bảo thông qua việc chuyển giao những dự án kiểu này là gì.
Ví dụ nhà nước có thu được thuế chuyển nhượng dự án hay không, hay việc cấp các giấy phép hoặc áp dụng các cơ chế hỗ trợ có phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, có tạo ra sự ưu đãi "bất thường" không?
“Khi nhà đầu tư xin dự án với các ưu đãi "bất thường", rồi chuyển giao quyền sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, thì lợi nhuận "ngầm" sẽ được tạo ra chính bởi các ưu đãi "bất thường" này, nhưng nhà nước rất khó để xử lý khi phát hiện ra sai phạm, chưa kể những rắc rối về mặt pháp lý với nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư”, ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.
Việc nhà đầu tư “nội” dồn dập thoái vốn khỏi các dự án điện mặt trời, nhượng lại cho các nhà đầu tư ngoại là hoạt động kinh tế thông thường. Nhưng khi nhìn lại diễn biến của việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam thời gian qua, một chuyên năng lượng tái tạo chỉ ra 3 “điều tiếc nuối”.
Một là Chiến lược Quốc gia về năng lượng tái tạo ban hành đã nhiều năm nhưng không hề có hoạch định cụ thể để phát triển, nhất là công nghệ phát triển tấm pin. Vì thế khi nhà nước có chính sách hỗ trợ về giá mua điện mặt trời thì Việt Nam trở thành thị trường của nước khác. Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng năng lượng mặt trời có vẻ cũng có vấn đề, dẫn đến có thể lãng phí về đất hoặc sử dụng đất không hợp lý.
Hai là chính sách hỗ trợ có vẻ không được chuẩn bị kỹ, vì thế bộc lộ nhiều bất hợp lý. Ví dụ những nhà đầu tư trước 30/6/2019 để được hưởng ưu đãi cả về giá lẫn thời gian hiệu lực của hợp đồng 20 năm, dẫn đến bất bình đẳng cho những nhà đầu tư sau 2019. Đúng ra Chính phủ nên hỗ trợ mạnh cho những năm đầu của dự án để nhà đầu tư sớm thu hồi vốn, còn giá bán điện cần đấu thầu như thông lệ quốc tế.
Ba là các nhà đầu tư Việt Nam, hoặc thiếu vốn hoặc vì lý do thu lợi nhanh, dẫn đến nhanh chóng sang tay dự án cho nước ngoài.
Lương Bằng
Thâu tóm nguồn điện vô tận Việt Nam, đại gia ngoại tham vọng lớn Hàng chục dự án điện mặt trời đã được các “đại gia” Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… nắm quyền sở hữu từ các nhà đầu ... |