Thầy giáo Trần Mạnh Tùng - Giáo viên trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cùng thầy Vũ Khắc Ngọc - Chuyên gia đến từ Hệ thống giáo dục Học Mãi là một trong 3 người đầu tiên phát giác, tố cáo những tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang đã bày tỏ những lo lắng về những tin nhắn đe dọa với mình những ngày qua.

Nhà báo Hà Sơn: Hai thầy là những người đầu tiên có những phân tích, dữ liệu để câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang được báo chí đề cập giúp cơ quan chức năng vào cuộc. Vậy động lực nào khiến các thầy quyết định lên tiếng vụ việc này?

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng: Tôi xuất phát từ 2 dấu hiệu đó là bất thường và bất bình. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm vào chiều 11/7 rất nhiều đồng nghiệp của tôi có những dữ liệu trong tay và đã có những phân tích chỉ ra những bất thường này. Chúng tôi thấy có 3 sự bất thường: Một là phổ điểm của Hà Giang không giống theo phân phối chuẩn. Theo đó phổ điểm sẽ phải trải đều sang 2 bên, nhưng ở Hà Giang mốc 8,8-9,5 lại ngóc đầu dậy, nhiều người nói là phổ điểm răng cưa.

Bất thường thứ 2 là điểm cao theo khối, những em trên 27 điểm của 2 khối A, A1 riêng tỉnh Hà Giang gần bằng một nửa so với cả nước. Thứ 3 là sự bất thường của những cá nhân, trong đó chúng tôi nhìn thấy những em Toán 9,6, Văn 9,75, Tiếng Anh 9,8; như vậy cả 3 môn đều đứng ở top nhất nhì ba cả nước. Theo dõi điểm thi cả một quá trình lâu dài chúng tôi chưa bao giờ thấy có thí sinh nào hội đủ những yếu tố cao nhất nhì cả nước như vậy.

Thứ 2 là chuyện bất bình. Ngay sau khi có điểm thi nhiều giáo viên thể hiện sự phẫn nộ. Họ rất sốc vì Hà Giang vốn là nơi vùng cao đặc biệt khó khăn, điểm thi đứng thấp nhất cả nước nhưng lần này điểm cao nổi trội. Đối chiếu lại với cả quá trình thầy với trò vật vã suốt cả vài năm mà điểm vẫn cách xa so với điểm của các bạn ở Hà Giang, từ đó chúng tôi cần phải lên tiếng để đòi lại công bằng cho các em học sinh.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc: Sự cố tiêu cực ở Hà Giang xuất phát từ đêm 11/7 lúc 0h khi Sở đào tạo các tỉnh bắt đầu công bố điểm thi của các thí sinh. Rất nhanh chóng sáng 11/7 là hàng loạt báo, trên mạng xã hội mọi người đã tổng kết được 11 thí sinh có tổng điểm thi các môn cao nhất cả nước. Là những giáo viên dạy online trên hệ thống giáo dục Học Mãi nên chúng tôi cũng háo hức xem các học sinh được điểm cao có học sinh nào của mình không? Một cảm xúc rất tự nhiên. Nhưng khi nhìn vào danh sách công bố 11 thí sinh cao điểm nhất cả nước trong đó bất thường gần một nửa thí sinh đến từ Tây Bắc: Hà Giang, Sơn La và một số tỉnh khác. Đầu tiên tôi cũng không nghi ngờ vì nghĩ trong một triệu thí sinh cả nước bao giờ cũng có bạn học rất xuất sắc.

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc.

Tôi kêu gọi học sinh của mình đi tìm facebook các bạn thi đạt điểm cao xem là những ai vì tò mò nghĩ các em đó chắc toàn là "những siêu nhân\'\'. Và việc tìm kiếm cho chúng tôi thấy rõ sự bất bình. Phú Thọ có 2 bạn được 10 Toán của chuyên Hùng Vương khi vào facebook thấy bạn bè, thầy cô, họ hàng chúc mừng rất nhiều. Thế nhưng với trường hợp Hà Giang facebook các bạn có điểm cao khá im lặng, lác đác có vài người thân họ hàng vào chúc mừng ngay lập tức có biểu tượng cảm xúc phẫn nộ comment. Đó chính là điều khiến tôi hơi lấn cấn.

Khi nhìn bảng điểm của các bạn, trong đó có trường hợp rất đặc biệt ở bài thi khoa học tự nhiên cả 3 môn Lý - Hóa - Sinh đều 9, 5 và 9,75. Thực ra chuyện 3 môn trong 1 khối thi cùng cao cũng có vì đó là thủ khoa, những năm trước cũng có những bạn 3 điểm 10. Thế nhưng bài thi khoa học tự nhiên mà Lý Hóa Sinh đều được điểm cao như vậy rất phi lý, vì với phương án xét tuyển như hiện nay mỗi thí sinh chỉ cần tập trung vào 1 khối thi duy nhất chứ chẳng ai lại học cả 3 môn Lý Hóa Sinh cả. Hơn nữa, đề thi môn nào năm nay cũng khó nên điểm số như vậy nó rất phi lý. Nhưng nó vẫn chỉ là sự nghi ngờ.

Cuối cùng điều khiến chúng tôi xác nhận là có sự nghi vấn là sự phản ứng từ chính những bạn học sinh. Có rất nhiều học sinh học qua mạng cùng lớp với những bạn thủ khoa ở Hà Giang gửi tin nhắn chia sẻ sự bức xúc đối với những bạn bình thường học rất kém, thậm chí có những bạn thi cùng phòng thi với những thủ khoa thấy rõ ràng trong giờ thi còn ngủ nhưng cuối cùng điểm số lại quá cao.

Lúc bấy giờ tôi cảm thấy cũng có nghi vấn nên liên hệ với một số phóng viên, những người có dữ liệu điểm thi trong tay nhưng mọi người không chia sẻ nên phải chờ. Đến cuối giờ sáng khi trên báo điện tử có cập nhật danh sách 100 thí sinh điểm cao nhất từng môn ở từng tỉnh lúc này chúng tôi bắt đầu kiểm đếm và thấy ngay sự bất thường ở môn Lý - Toán ở khối A, A1.

Chiều 11 chúng tôi bắt đầu thống kê về những bất thường ở Hà Giang và sau đó một ngày, chiều 12/7 báo chí dẫn lại những thông tin thống kê đấy. Vì có rất nhiều báo dẫn lại thống kê từ nhóm của chúng tôi thành ra mọi người hay nói đây nhóm đầu tiên lên tiếng vụ Hà Giang nhưng thực ra tôi nghĩ trên mạng xã hội ai cũng có quyền lên tiếng, rất khó để xác nhận thông tin nào là đầu tiên. Tôi nghĩ rằng bản thân chúng tôi cũng rất vô tư, đóng góp tiếng nói vào việc làm sáng tỏ những điểm bất thường trong điểm thi ở một số địa phương thôi.

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa
Hai thầy giáo phanh phui gian lận điểm ở HG: Lo lắng trước tin nhắn đe dọa!

Việc các thầy nói với học trò hãy đi tìm các bạn thủ khoa trên mạng xã hội cũng là một trong những mấu chốt để biết cảm xúc của mọi người dành cho các thủ khoa nhìn thấy những bất bình hiện rõ hơn?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Ở đây có một yếu tố là bất thường đã đành, nhưng cũng rất bất bình nữa. Sự bất bình với năm nay tôi thấy cao trào hơn nhiều vì đề thi năm nay rất khó. Ngay khi thi xong thì từ những ngày khoảng 25/6, trước đấy khoảng 1 tuần thì rất nhiều học sinh gửi tin nhắn về các thầy, đều là những bạn rất giỏi, bày tỏ cảm xúc thất vọng, thậm chí có bạn tuyệt vọng vì trước khi đi thi có bạn so với đề năm ngoái tự đặt ra mục tiêu 27, 28, 29 điểm nhưng khi nhận về chỉ được 23, 24 điểm.

Có nhiều bạn chia sẻ em khóc hết mấy, có bạn còn chia sẻ phải dùng thuốc an thần mới ngủ được. Khi nhận được thông tin bất bình ở Hà Giang tôi nghĩ đến những học sinh như vậy, cảm giác rất phẫn nộ thôi thúc mình nghĩ cần phải lên tiếng.

Thầy Trần Mạnh Tùng: Ngay sau khi có đề thi tôi đã làm thử và sau đó có bài viết được nhiều người quan tâm khi chia sẻ mình đã khóc khi làm đề Toán vì thương các em. Giống như thầy Ngọc đã chia sẻ là nó vượt xa sự kỳ vọng của các em, dẫn đến sự thất vọng vì cho dù có học rất chăm chỉ, vất vả suốt năm 12 thì để tiếp cận một đề như vừa rồi là quá sức vì rất khó. Và một trong những lý do để việc Hà Giang hay Sơn La bộc lộ rõ sớm chính là đề năm nay khó mà điểm lại cao quá.

Từ những phân tích của các anh, có thể nói những tiêu cực thi cử đã được khui ra một cách trần trụi nhất. Những tiêu cực đó gây sốc cho nhiều người. Khi bắt đầu ngồi phân tích những dữ liệu điểm đầu tiên, các anh có nghĩ những phân tích của mình đưa đến một kết quả xa như thế?

Thầy Trần Mạnh Tùng: Thú thực chả bao giờ tôi nghĩ kết quả lại đi xa thế này và sự thật trần trụi đến thế. Cũng may Bộ Giáo dục vào cuộc tương đối kịp thời và tích cực. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của công an, sự chỉ đạo của Thủ tướng nên sự việc không bị chìm xuồng. Bước đầu đã vén được bức màn che tiêu cực ở khu vực Hà Giang, Sơn La.

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Là người theo sát sự kiện Hà Giang, cũng có rất nhiều nguồn tin từ phụ huynh và cả những số liệu từ giáo viên trên Hà Giang cung cấp nhưng quả thực khi bộ GDĐT công bố con số sai phạm Hà Giang bản thân tôi cũng rất sốc vì số lượng cũng như mức độ vi phạm rất khủng khiếp.

Rõ ràng chưa bao giờ người ta thấy được sự bất công trong thi cử lớn đến như vậy. Có những thí sinh từ điểm liệt được nâng lên thành thủ khoa của cả nước, đứng trên cả triệu thí sinh. Gian lận bình thường có thể là quay cóp, nâng điểm, gỡ điểm, cải thiện cho học sinh khoảng nửa điểm, 1-2 điểm để đỗ vớt còn đây đến mức thủ khoa cả nước thực sự quá trắng trợn.

Các anh đã chịu nhiều áp lực khi công bố những phân tích dữ liệu điểm thi của Hà Giang và đến thời điểm hiện tại những áp lực đó còn hay không?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Thực ra áp lực cũng rất nhiều. Áp lực ở đây từ chính những người không tin kết quả đó, họ không tin hoặc không muốn tin. Họ phản ứng ngược với nhóm chúng tôi. Từ chiều tối 11/7 đến 12/7 khi báo chí đưa tin nhóm chúng tôi rất căng thẳng, hồi hộp vì không hiểu liệu mình đưa việc này có ra ánh sáng hay không hay lại tiếp tục chìm xuồng như những câu chuyện tản mác khác trên mạng xã hội.

Cộng với việc áp lực từ những phụ huynh, những phụ huynh trên Hà Giang cũng là những người nhận được điện thoại, thậm chí tin nhắn đe dọa. Bản thân chúng tôi vẫn liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa. Tất nhiên trên mạng xã hội nên mình cũng không xác minh độ tin cậy đến đâu. Nhưng thực sự cũng có những, lo lắng, áp lực nhất định trước tin nhắn đe dọa ấy.

Trong quá trình đấu tranh bạn bè đồng nghiệp cũng khuyên việc nghiêm trọng như thế dừng đi, theo đuổi làm gì vì cũng chả đi đến đâu. Người ta cũng chẳng xử lý sự việc đấy đâu mà lại đi xử lý mình, cũng có những áp lực như thế, bản thân người thân chúng tôi cũng lo lắng khôn nguôi. Sau khi sự việc ở Hà Giang được công khai chúng tôi trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ trên mạng xã hội, thành ra khắp nơi trên cả nước cả phụ huynh lẫn học sinh gửi tin nhắn về nói nơi này nơi kia có tiêu cực nhưng chúng tôi đâu đủ sức để xác minh tất cả điều đó.

Đối với trường hợp Hà Giang chúng tôi có những con số thuyết phục, còn những địa phương khác không thể nào kiểm soát hết được. Nhưng họ gửi về và kèm theo rất nhiều kỳ vọng. Nhưng họ không dám ra mặt, đề nghị phải giấu tên, đừng đưa tin nhắn này ra hay như không gặp báo chí đâu, thành ra tôi ở vị trí rất kẹt vì sự kỳ vọng mọi người rất lớn, đẩy hết trách nhiệm cho mình nên đó cũng là một kiểu áp lực.

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng.

Còn thầy Tùng thì sao?

Thầy Trần Mạnh Tùng: Tôi không đến mức nghiêm trọng như thầy Ngọc tuy nhiên ngoài áp lực giống như thầy Ngọc tôi còn có áp lực lớn hơn là đối diện với các em học sinh. Hiện nay các em học sinh đang mất niềm tin ghê gớm và để lấy lại được niềm tin, lấy lại được động lực đặc biệt là các em 12 năm nay, sinh năm 2001, rõ ràng là bài toán khó. Tôi nghĩ trong câu chuyện này trước mắt và trực tiếp nhất Bộ GD phải đi đến cùng, lấy lại công bằng cho các em, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của bộ Công an và các ban ngành liên quan cần phải làm ráo riết và thực chất thì giới giáo viên chúng tôi mới có động lực dạy và học.

- Những lỗ hổng từ quy chế thi, từ phần mềm chấm thi chắc nghiệm khiến nhiều người cho rằng cần phải xem lại kỹ 2 vấn đề này. Quan điểm của các anh về việc này như thế nào?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Quy trình thi hiện nay khi tôi phản ứng điều bất thường trong điểm thi ở Hà Giang thì một trong những người có ý kiến phản đối lại chính là bạn bè, đồng nghiệp của tôi, những người giảng viên các trường đại học đi trông thi ở các tỉnh. Thậm chí một số người quản lý cán bộ các trường ĐH họ theo dõi tôi trên mạng cũng vào phản đối vì cho rằng trải nghiệm của họ thì kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc.

Như vậy để thấy quy trình trông thi và chấm thi cũng rất chặt chẽ. Ngay trong quy trình chấm thi, mỗi khâu đều có 3 bên tham gia, bao gồm cán bộ chấm thi, thanh tra của bộ GDĐT và cán bộ công an. Nhưng vấn đề thuần túy là con người. Một khi người ta có ý định tiêu cực thì 3 bộ phận đó phối hợp với nhau quy trình chặt chẽ đến đâu cũng không thể nào đảm bảo không có tiêu cực.

Cho nên tôi nghĩ bản chất câu chuyện ở các địa phương vừa qua không phải câu chuyện riêng ngành giáo dục mà là việc đạo đức xuống cấp của xã hội, không chỉ không trung thực nó còn liên quan đến gian lận, tư lợi cá nhân. Động cơ của nhưng người sửa điểm là gì? Hiện nay vẫn phải chờ cơ quan điều tra mới kết luận nhưng dư luận có quyền nghi ngờ nên đối với sai phạm lần này nằm ở con người. Điều này cần phải khắc phục trong thời gian tới.

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc.

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Thực ra năng lực ở các trường ĐH trong việc có khả năng tổ chức một kỳ thi từ ra đề, tự xét tuyển rất ít trường ĐH ở Việt Nam đủ khả năng làm được. Vì vậy thời gian qua nhiều trường vẫn ủng hộ, vẫn dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Phải nói rằng trình độ trường ĐH chúng ta hiện nay chưa đủ để làm được việc đó vì nó phát sinh rất nhiều khâu.

Một số người nói với tôi thay vì sai phạm ở nhiều tỉnh lại sai phạm ở nhiều trường, mỗi trường lại là điểm tiêu cực. Ít nhất là trong kỳ thi này có mặt bằng chung để chúng ta so sánh, đối chiếu. Những bất thường ở Hà Giang, Sơn La chúng ta có được là nhờ đối chiếu với các địa phương khác để phát hiện. Nếu như các trường tự chấm kết quả chúng ta không có số liệu so sánh với các trường khác, vì vậy nếu có tiêu cực sẽ rất khó phát hiện.

Trước đây chúng ta đã từng trải qua giai đoạn tự trường ĐH tuyển sinh cho mình và hiện nay một số trường cũng tự tuyển sinh nhưng cho khối 10 chuyên, trong đó cũng có những sai phạm, tiêu cực, chẳng qua quy mô nhỏ hơn nên sự chú ý chưa đủ lớn. Tôi nghĩ trong bối cảnh chung xã hội hiện nay nếu chúng ta giao quyền về các trường ĐH rủi ro gian lận cũng không khác gì so với giao quyền cho các địa phương.

Phương án tốt nhất vẫn nên thi THPT quốc gia nhưng phải cải tiến yếu tố kỹ thuật, giảm bớt tối đa yếu tố con người tác động vào kết quả thi. Ví dụ thi trắc nghiệm đó cũng là một biện pháp để nó trở nên khách quan thay vì chủ quan của người chấm. Nhưng cần phải có những yếu tố kỹ thuật lớn hơn. Đơn giản như chuyện các thầy giáo tự ngồi đếm với nhau một số lượng điểm thi cao để chỉ ra sự bất thường là công việc Bộ GD hoàn toàn có thể làm được thay vì chờ các thầy như chúng tôi làm.

Bộ có số liệu điểm thi cả nước, hoàn toàn có thể dựng lên từng phổ điểm của từng đia phương và chỉ ra sự bất thường. Ngoài ra nếu chúng ta chưa đủ tin tưởng địa phương thì tách khâu tổ chức thi và khâu chấm thi ra. Tổ chức thi giao cho các địa phương với sự phối hợp các trường ĐH nhưng chấm thi thì dữ liệu đó cần chuyển ngay lập tức về Bộ để kết hợp các trường ĐH tại các cụm như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng... để cùng tham gia chấm thi. Tôi nghĩ kết quả sẽ tốt hơn nhiều so với việc giao quyền cho địa phương như hiện nay.

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa Sai phạm chấm thi ở Sơn La tinh vi, phức tạp hơn Hà Giang thế nào?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, Tổ trưởng Tổ công tác xác minh nghi vấn điểm thi ở Sơn ...

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa Bộ trưởng GD-ĐT: Bộ đã trả lại công bằng cho học sinh với quyết tâm cao nhất

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ ...

thay giao phanh phui gian lan diem o ha giang lo lang tin nhan de doa Sau khởi tố ông Nguyễn Thanh Hoài, Công an Hà Giang tiếp tục khoanh vùng đối tượng

Thông tin trên được đại tá Lê Văn Canh, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Hà Giang chia sẻ với báo chí.

/ http://vietnamnet.vn