Một kết quả khảo sát của cơ quan chức năng gần đây cho biết, sau 2 năm Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đến nay chỉ mới có 109 kỹ sư, trong đó có 10 kiến trúc sư đủ điều kiện dịch chuyển, làm việc tại các nước ASEAN. Nhưng điều đáng buồn hơn là trong số đó chưa ai có được việc làm ở các nước trong khu vực; trong khi AEC cho phép dịch chuyển tự do đối với lao động có trình độ cao trong 8 nhóm ngành nghề: kế toán, kiến trúc sư, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, giám sát
thầy và thợ
Đào tạo nghề điện cơ tại Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt.
8 nhóm ngành nghề kể trên tuy nhỏ trong tổng số lao động dịch chuyển của ASEAN (khoảng 1%) nhưng đều là những công việc có mức lương cao. Có nghĩa là ASEAN ưu tiên dịch chuyển là lao động có tay nghề cao. Trong khi tay nghề của người lao động Việt Nam trong nhiều lĩnh vực lại không cao, bằng chứng là năng suất lao động của chúng ta rất thấp so với thế giới cũng như so với mức bình quân của khu vực.
Việc phân luồng trong bậc học phổ thông đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Nhưng tới nay, đó vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Vì sao vậy?
Băn khoăn ở đây là phân luồng ngay sau khi học xong trung học cơ sở hay là sau trung học phổ thông- điều đó vẫn không có sự thống nhất. Nhưng thực tế cho thấy, nếu vẫn chú trọng phân luồng sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì điều đó đã là lạc hậu, bởi lẽ việc học xong trung học cơ sở (lớp 9), hay kể cả trung học phổ thông (lớp 12) đã là điều bình thường.
Dân trí ngày một nâng lên, hệ thống trường lớp ngày một hoàn thiện, mở rộng thì việc học xong trung học phổ thông cũng trở nên bình thường. Rất rõ ràng là với tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay rất khó xin việc, loại trừ lao động giản đơn. Ngay đến bằng trung cấp nghề, cao đẳng, đại học cũng không dễ gì có được một việc làm như ý đúng với chuyên môn đào tạo.
Trở lại với câu chuyện thừa thầy thiếu thợ, xã hội vẫn lo lắng việc quá nhiều người được trang bị lý thuyết mà thiếu kỹ năng làm việc cụ thể. Hầu hết học sinh lớp cuối cấp trung học phổ thông đều có ý định thi vào đại học chứ không mấy người định “rẽ ngang” học nghề hoặc tìm một công việc bình thường nào đó.
Ngay cả các bậc cha mẹ học sinh cũng đều muốn con cái mình học đại học, để làm “thầy” ăn trắng mặc trơn, “sáng vác ô đi tối vác về” chứ không muốn con cháu mình làm thợ. Tâm lý làm “thầy” đè nặng lên nhiều thế hệ người Việt Nam, vì thế đại học luôn được coi là cánh cửa duy nhất đưa người ta vào đời.
Quay lại với việc hiện tại chỉ có 109 kỹ sư, kiến trúc sư Việt Nam đủ điều kiện dịch chuyển, làm việc tại các nước ASEAN, mới thấy ở một khía cạnh khác trong đào tạo cũng rất có vấn đề. Bởi theo đó, kiến trúc sư hay kỹ sư cũng đều phải được đào tạo bài bản, công phu, chứ không phải là lối truyền nghề giản đơn.
Nhưng tại sao mỗi năm có rất nhiều kỹ sư, kiến trúc sư ra trường lại chỉ có ngần ấy người có đủ trình độ đáp ứng được đòi hỏi của khu vực khi dịch chuyển lao động? Câu trả lời vẫn là trong quá trình đào tạo đã quá chú trọng lý thuyết mà không coi trọng thực tế.
Dư luận đã nhiều lên lên tiếng về việc sinh viên đại học cũng chỉ là “học sinh lớp 13”, có nghĩa là họ cũng chỉ là người tiếp thu kiến thức trên giảng đường một cách thụ động, chứ không phải là một sinh viên- trong đó có vấn đề tự nghiên cứu. Đặc biệt, với những trường đại học đào tạo nghề bậc cao thì việc thực học gắn với thực việc lại càng quan trọng.
Những năm qua, lao động Việt Nam xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới là khá lớn. Nhưng trong đó đại đa số lại là lao động giản đơn, thu nhập không cao. Làm sao để lao động xuất khẩu của Việt Nam đủ trình độ và năng lực thực tế làm việc trong những ngành nghề có thu nhập tốt vẫn là điều trăn trở. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, việc hạn chế về chất lượng và kỹ năng lao động là một rào cản, cho thấy đã đến lúc phải đặt vấn đề lại một cách căn bản về giáo dục nghề nghiệp của nước ta.
Trước hết, phải rõ ràng trong quan điểm phân luồng học sinh: sau trung học cơ sở hay trung học phổ thông? Thực tế cho thấy, không thể quá chú trọng ở mức trung học cơ sở (lúc đó đối tượng được đề cập chỉ 15-16 tuổi), mà nên “xoay trục” phân luồng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (khoảng 18 tuổi).
Phân luồng sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trong thực tế, là khá khiên cưỡng, không được các bậc cha mẹ học sinh đồng tình. Còn phân luồng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ như một sự tất nhiên đúng quy luật, vì lúc đó học sinh trong một chừng mực nào đó cũng đã ý thức được năng lực học vấn của mình, có những sự chọn lựa riêng cho cá nhân mình cùng với tinh thần “hướng nghiệp” mà các em tiếp nhận trong nhà trường.
Tiếp đó, rất cần thay đổi cách đào tạo trong các trường trung cấp nghề, trường đại học nghề. Không thể mãi quá nặng lý thuyết mà phải chú trọng đến kỹ năng, phải đưa những kiến thức mới, kỹ năng mới vào bài giảng hàng ngày thay vì những kiến thức đã trở thành “cổ điển” vài chục năm trước. Cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thay đổi bộ mặt thế giới, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Không thể khước từ thực tế hiển nhiên đó mà phải thay đổi vì nó.
Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến- Viện Nghiên cứu tài chính, hợp tác và đầu tư thương mại Đông Nam Á (SEAFIT), thời điểm hiện tại kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt Nam chỉ đạt mức trung bình và thấp, so với yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và trong khu vực. Đáng chú ý, các kỹ năng mềm như làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, làm việc trong môi trường đa văn hóa… lại rất hạn chế.
Ông Tiến dẫn chứng các kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của nước ta rất thấp, chỉ đạt 3,79 điểm (đứng 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng). Còn năng suất lao động chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/3 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan.
Vì thế mới nói, việc dịch chuyển lao động trong khu vực đang là thách thức lớn với lao động Việt Nam. Nhưng, hãy nhìn nhận một cách thực tế hơn, trước khi đáp ứng nhu cầu “dịch chuyển” thì hãy làm tốt việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo, từ trung cấp cho đến đại học. Chỉ có như thế thì thợ giỏi mới nhiều lên chứ không phải chỉ có nhiều “thầy”.
Đất lành nào cho tiến sĩ "đậu" Một tiến sĩ đi học nước ngoài về, muốn mời hội đồng khoa học nghe anh giảng về phương pháp mới mình đã học được ... |
Hàng trăm người khóc nghẹn vì chủ hụi biệt tăm Hàng trăm người dân vô cùng hoang mang, lo lắng khi suốt nhiều ngày qua, chủ hụi không có mặt tại nhà |