Trước bối cảnh kinh tế đầy thách thức, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đang phải “thu mình” để chống chọi với khó khăn.
- Lời khai bất ngờ của kẻ dùng súng cướp tài sản ở cửa hàng Thế giới di động
- Top 10 thương hiệu tốt nhất Việt Nam: Samsung tiếp tục dẫn đầu, Thế giới Di động tụt hạng
Những "đứa con" phải xóa bỏ
Đầu năm 2023, cửa hàng Thế Giới Di Động nằm tại số 26 Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chính thức trả mặt bằng. Đây là một trong những cửa hàng đầu tiên, tồn tại lâu năm của công ty. Việc đóng cửa điểm bán truyền thống đánh dấu một năm đầy “sóng gió” của Thế Giới Di Động.
Khi nền kinh tế phát triển sôi động, tuyến đường Phan Đăng Lưu có đến 2 cửa hàng Thế Giới Di Động nằm cách nhau khoảng 800m nhằm “chia lửa” lượng khách đông đảo tại TP.HCM. Thế nhưng, hai năm qua, khi bức tranh kinh tế ảm đạm, MWG buộc phải chia tay những “đứa con” của mình.
Cửa hàng Thế Giới Di Động tại số 26 Phan Đăng Lưu đã phải đóng cửa sau thời gian dài phục vụ khách hàng. (Ảnh: B.L)
Không chỉ có cửa hàng Thế Giới Di Động “teo tóp” dần mà nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh hay Điện Máy Xanh cũng phải trả mặt bằng khi kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Một đại diện của MWG thừa nhận, tập đoàn đang thực hiện các chiến lược kinh doanh một cách dè dặt và giảm chi tiêu ở những hoạt động không cần thiết nhằm tối ưu hóa hoạt động.
Việc “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh hiện nay của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam cũng là điều dễ hiểu, bởi lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chỉ đạt 70.200 tỷ đồng, giảm đến 21% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ kinh doanh online của hai chuỗi này cũng chỉ đạt 13.300 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần của MWG trong 10 tháng năm 2023 chỉ đạt hơn 98.000 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, tập đoàn này sẽ đóng khoảng 200 cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả trong quý 4/2023.
Doanh thu thuần của MWG trong 10 tháng năm 2023 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong buổi tiếp xúc với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MWG cho biết, những cửa hàng nào trước đây có doanh thu 3 tỷ đồng/tháng và có lãi nhưng nay chỉ còn 1,5 – 2 tỷ đồng/tháng thì chạm ngưỡng EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) tối thiểu. Như vậy, cửa hàng nào không đem tiền về thì MWG sẽ "xử lý" những cửa hàng đó.
“Cửa hàng nào hoạt động kém hiệu quả thì chúng tôi sẽ cắt giảm. Gia đình 10 đứa con nhưng có đến 2 đứa ăn bám sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của cả nhà. Chính vì vậy, MWG buộc phải cắt giảm, chỉ tập trung cho 8 đứa con mang tiền về”, ông Tài nói.
Ông Tài chia sẻ, MWG đang trong tinh thần tái cấu trúc ở mọi nơi, chỉ giữ lại những thứ hiệu quả. Doanh thu chỉ “di chuyển” và không sụt giảm nhiều. Điển hình như việc người dân không mua ở cửa hàng 26 Phan Đăng Lưu thì sẽ di chuyển sang cửa hàng 153B Phan Đăng Lưu để mua hàng.
Trước đây, khi kinh tế còn tăng trưởng mạnh mẽ, chiến lược của MWG rất khác. Khi đó, cửa hàng 26 Phan Đăng Lưu đang có doanh thu 6 tỷ đồng/tháng, MWG sẽ mở tiếp cửa hàng mới tại 153B Phan Đăng Lưu để hai cửa hàng có tổng doanh thu là 10 tỷ đồng. Như vậy, MWG sẽ có tổng lợi nhuận nhiều hơn.
Thế nhưng, hiện nay, mọi thứ đã thay đổi. Khi đóng cửa hàng 26 Phan Đăng Lưu, MWG sẽ giảm đi 4 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, 4 tỷ đồng này không mất đi mà dịch chuyển qua cửa hàng 153B Phan Đăng Lưu.
Theo Chủ tịch HĐQT MWG, nếu doanh thu dịch chuyển là 3 tỷ đồng/tháng thì khi nhân với 10 – 20% Gross Margin (tỷ suất lợi nhuận gộp) và nhân với ít phần trăm chi phí (lương, thưởng) thì hiệu quả sẽ tối ưu hơn rất nhiều. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, tiền điện MWG không phải trả thêm; tiền lương, thưởng cũng không phải trả thêm quá nhiều. Đây cũng sẽ là phương án chủ đạo của MWG trong năm 2024, đó là chỉ giữ lại những thứ hiệu quả.
Những cửa hàng đem lại hiệu quả mới được tập trung đầu tư và được sử dụng nguồn lực. Những cửa hàng kém hiệu quả hay “ăn bám” sẽ được di dời ra khỏi tập đoàn.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, giai đoạn “đáy” của thị trường điện máy, điện thoại chính là năm 2023, MWG sẽ nỗ lực xử lý mọi vấn đề trong năm nay. Bước qua năm 2024, MWG sẽ có một “cơ thể” khỏe khoắn, gọn gàng để đi đến tương lai.
MWG sẽ "thu mình" lại bằng cách cắt bỏ những cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả. (Ảnh: B.L)
Tương lai "màu xám"
Về kế hoạch phát triển trong 5 năm tới, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, mỗi chuỗi của MWG sẽ có những hướng đi và giai đoạn phát triển khác nhau.
Cụ thể, Bách Hóa Xanh đang trong giai đoạn tăng trưởng. Chiến lược kinh doanh của chuỗi đang tăng trưởng là tiếp tục thúc đẩy doanh thu của các cửa hàng. Nếu mở cửa hàng mới, cần kiểm soát chất lượng mở mới, tức doanh thu/m2 sàn phải chấp nhận được.
Ông Tài ví dụ, doanh thu của cửa hàng cũ là 10 triệu đồng/m2 thì cửa hàng mới phải đạt doanh thu 7 - 8 triệu đồng/m2, chi phí vận hành phải được kiểm soát. Cửa hàng mới thường có nhiều chi phí phát sinh một lần nhưng chi phí vận hành cũng phải nằm ở mức 70 – 80% cửa hàng cũ.
“Những chuỗi đang trong giai đoạn tăng trưởng như Bách Hóa Xanh, Era Blue thì phải tập trung thúc đẩy doanh thu các cửa hàng cũ, mở mới có chất lượng. Chi phí điều hành của những cửa hàng này phải kiểm soát theo chiều hướng giảm, mở thêm cửa hàng nhưng không thêm nhân sự, không thêm chi phí”, ông Tài chia sẻ.
Cũng theo ông Tài, đối với những chuỗi đang tiếp tục đóng góp lợi nhuận như Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh, MWG vẫn tiếp tục duy trì doanh thu, thúc đẩy lợi nhuận dù thị trường đang đi xuống hoặc đi ngang.
Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang và AVAKids, MWG tiếp tục thúc đẩy doanh thu và cố gắng đưa đến điểm hòa vốn. Nếu việc vận hành AVAKids gặp quá nhiều khó khăn, MWG sẽ sẽ cân nhắc để điều chỉnh chiến lược cho chuỗi cửa hàng mẹ và bé này.
Ghi nhận của VTC News, hiện nay, MWG đang có khoảng 5.751 cửa hàng tại Việt Nam. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh có số lượng cửa hàng đông đảo nhất với 2.281 cửa hàng, kế đến là chuỗi Bách Hóa Xanh với 1.706 cửa hàng và xếp thứ 3 là chuỗi Thế Giới Di Động với 1.158 cửa hàng. Còn lại là cửa hàng của chuỗi An Khang và AVAKids.
Xét về trụ cột doanh thu, Điện Máy Xanh vẫn là “chiến binh” mang về doanh thu lớn nhất cho MWG, chiếm 47,3%. Kế đến là Bách Hóa Xanh với 25,9% và tiếp theo là Thế Giới Di Động (bao gồm Topzone) với 24,3%.
Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và Thế Giới Di Động vẫn là 3 trụ cột chính về doanh thu của MWG.
Đánh giá về tình hình kinh doanh tương lai, ông Nguyễn Đức Tài nhận định, tình hình quý 4/2023 sẽ khá hơn quý 3. Tuy nhiên, trong quý 4, ông không kỳ vọng nhiều vào dịp Noel hay Tết như những năm trước. Nếu kỳ vọng vào sự tăng trưởng “khủng” trong dịp Noel và Tết thì kỳ vọng này rất rủi ro.
Ông Tài cho rằng, sức mua gắn liền với tình hình công ăn việc làm, gia công, xuất khẩu. Hiện tại, sức mua ở Mỹ và Châu Âu chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh nên Việt Nam cũng khó có sự tăng trưởng về sức mua.
“Các quốc gia phát triển gặp khó khăn trước thì 3-6 tháng sau khó khăn sẽ đến Việt Nam, còn quốc gia khác phục hồi thì 3 – 6 tháng sau, Việt Nam sẽ phục hồi. Đó là những kinh nghiệm quan sát của tôi về sự phục hồi kinh tế”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, ông và đội ngũ của mình đang thực hiện kế hoạch cho năm 2024 và dự kiến trong tháng 12/2023 sẽ ban hành kế hoạch này.
Còn theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG, tình hình kinh doanh điện thoại, điện máy của MWG trong quý 4/2023 không có nhiều khả quan, tăng trưởng chậm, thậm chí là không tăng trưởng. Đây là một năm vô cùng đặc biệt đối với ngành kinh doanh điện thoại, điện máy.
Về dự báo tổng quan năm 2023, ngành kinh doanh điện thoại, điện máy tại Việt Nam đang sụt giảm khoảng 25 – 30%. Vấn đề phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô của thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách giá rẻ được áp dụng tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã giúp tập đoàn khôi phục 85% doanh thu trong 3 quý của năm 2023. Thị phần của MWG cũng gia tăng từ 5 – 25%, tùy vào nhóm hàng.
Trong thời gian tới, MWG sẽ có những điều chỉnh cần thiết về giá nhưng vẫn đảm bảo sự cạnh tranh của công ty đối với thị trường.
Ông Hiểu Em cho rằng, cuối năm là thời điểm mua sắm sôi động. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, dịp Noel hay Tết thì sức mua cũng chỉ tăng trưởng nhẹ. MWG đang có những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, MWG cũng phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng để mang đến cho người dân nhiều sự lựa chọn bằng những sản phẩm thiết thực hơn, tính năng vượt trội hơn, giá cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, MWG cũng khai thác thêm nhiều sản phẩm “vệ tinh” khác như đồ gia dụng, phụ kiện vì những sản phẩm này có biên lợi nhuận gộp khá tốt. Tập đoàn cũng đưa ra nhiều phương án bán hàng trong dịp cuối năm nay. Với tất cả những hành động đó, MWG kỳ vọng lợi nhuận trong quý 4 sẽ được cải thiện hơn.
Hiện nay, mảng kinh doanh online đang chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Lợi thế kênh online của MWG chính là chuỗi cửa hàng offline. Các cửa hàng offline sẽ đáp ứng nhu cầu giao hàng, lắp đặt, bảo hành… cho người dân tốt hơn so với kênh online của các sàn thương mại điện tử khác.
Nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại việc bán hàng xuyên biên giới của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của MWG nhận định, việc bán hàng xuyên biên giới cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến những mặt hàng mà MWG đang kinh doanh, bởi ít người mua tivi, tủ lạnh rồi “ship” qua biên giới.
Thế nhưng, lãnh đạo MWG thừa nhận, đối với các mặt hàng nhỏ như máy xay sinh tố, chậu hoa, bát chén thì việc đặt hàng xuyên biên giới cũng có thể diễn ra sôi động nếu khách hàng không ngại việc vận chuyển gây hư hỏng hoặc sản phẩm không có thương hiệu, chất lượng không đảm bảo.
Cũng theo lãnh đạo MWG, trước tình hình khó khăn như hiện nay, việc “bắt tay” lâu năm với các công ty tài chính đang giúp MWG hỗ trợ linh hoạt cho những khách hàng có nhu cầu mua trả góp. Các bên đã thống nhất, tìm ra phương án tài chính phù hợp nhất cho khách hàng của mình.
Trong bối cảnh thị trường đầy thách thức, MWG đang tiến hành giảm giá, giảm lợi nhuận để giành lại thị phần của các đối thủ và MWG đang vượt lên, tạo khoảng cách về doanh thu một cách rõ ràng. “Ông trùm” bán lẻ của Việt Nam sẽ tiếp tục tái cấu trúc toàn diện, cắt bỏ những cửa hàng “dư thừa” để giữ lại những thứ cốt lõi, hiệu quả nhằm chống chọi với những khó khăn hiện nay.
"Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng qua ước đạt 5,667 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 9,6% (cùng kỳ năm ngoái tăng 20,2%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4,42 triệu tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,7%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) giảm 3,3%.
Tại các địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước như sau: Quảng Ninh tăng 12,4%; Bình Dương tăng 10,8%; Khánh Hòa tăng 10,7%; Hải Phòng tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,5%; TP.HCM tăng 7%; Hà Nội tăng 6,7%; Đà Nẵng tăng 6,2%."
https://vtc.vn/the-gioi-di-dong-thu-minh-trong-con-bi-cuc-ar838137.html