Trước khi bàn tới chuyện phát triển kinh tế hay bất kỳ vấn đề nào khác, các nhà lãnh đạo thực sự có tâm cần phải hành động vì sức khỏe của hàng triệu người dân.

 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ từng vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm, đó là:

- Vấn đề chất lượng nước sinh hoạt tại Hà Nội bao giờ mới được giải quyết dứt điểm để người dân (trong đó có hàng triệu học sinh) thực sự được dùng nước sạch? Thế lực nào đang làm rối loạn thông tin nước sinh hoạt?

- Chi phí đầu tư dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng có hợp lý không?

- Tại sao có giá nước tạm tính là 10.246 đồng? Vì sao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đồng ý bù giá nước cấp cho nhân dân?

Doanh nghiệp Nhật Bản ra điều kiện ràng buộc không thể đáp ứng

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Xây dựng quan tâm xem xét nghiên cứu đầu tư tại văn bản số 685/TTg-KTN ngày 28/4/2010, giao Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) là đơn vị nghiên cứu thực hiện dự án.

Báo cáo về dự án đã được lập đề cập tới nhiều vấn đề như: Quy mô, công suất, hình thức đầu tư, tiến độ thực hiện, phương án dây chuyền công nghệ xử lý, phạm vi vùng cấp nước, giá bán nước, tổng mức đầu tư, các chỉ tiêu kinh tế tài chính; một số đề xuất với Chính phủ về những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư... và nguồn vốn thực hiện dự án đề xuất với cơ cấu: 30% vốn tự có của chủ đầu tư và 70% là vốn vay, trong đó dự kiến nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ một ngân hàng.

Tuy nhiên trong năm 2011 tình hình tài chính rất khó khăn, cùng với một số vấn đề sẽ phải đối diện (điều kiện ràng buộc vay vốn), do đó phải tiếp cận những nguồn tài chính khả thi khác cho dự án, trong đó có phương án thu xếp nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ đầu tư khu vực tư nhân PSIF của Nhật Bản do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) làm đại diện.

Theo yêu cầu của việc sử dụng vốn PSIF phải có sự tham gia của một số nhà đầu tư tư nhân của Nhật Bản. Cụ thể là Công ty Metawater - một doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản tiến hành độc lập tổ chức nghiên cứu, đánh giá tính khả thi, các chỉ tiêu kinh tế tài chính và hiệu quả đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, đề xuất của doanh nghiệp Nhật Bản có hai vấn đề lớn khác biệt với Việt Nam, đó là: Giá bán nước đề xuất giao động từ 14.000 - 18.000 đồng/m3 (tại thời điểm đó) và áp dụng hình thức chỉ định thầu EPC đối với các hạng mục cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị của dự án.

Do có những khác biệt trên nên các bên tiếp tục trao đổi để tìm phương án thống nhất, tuy nhiên đến ngày 4/6/2012, JICA đã thông báo Công ty Metawater không tiếp tục tham gia đầu tư dự án.

Sau đó, JICA giới thiệu Tập đoàn Mitsubishi tham gia dự án.

Ngày 17/1/2013, Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, công suất 300.000 m3/ngày đêm đã được Bộ Xây dựng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 72/QĐ-BXD với quy mô và tổng mức đầu tư như sau: Tổng mức đầu tư dự án lên tới 7.306 tỷ đồng (làm tròn), trong đó giai đoạn I (đến năm 2015 - công suất 150.000 m3/ngày đêm) vốn đầu tư là 5.582 tỷ đồng (làm tròn); Giai đoạn II (đến năm 2020 - nâng tổng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm) cần thêm vốn đầu tư là 1.453 tỷ đồng (làm tròn).

Nguồn vốn đầu tư: 20% vốn tự có của chủ đầu tư và 80% vốn vay của JICA, được thực hiện theo phương án vay hai bước, trong đó bước 2 thông quá tổ chức tài chính của Việt Nam – Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Lãi suất vay: 10%/năm cố định trong vòng 25 năm.

Dự án chỉ đảm bảo tính khả thi và được triển khai khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận:

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ký hợp đồng BOT và phát triển mạng lưới đường ống nhằm tiếp nhận khối lượng nước của Nhà máy nước sông Đuống.

- Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) tiếp nhận nguồn vốn vay từ JICA và cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất cố định 10%/năm trong thời gian 25 năm và được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng vay.

- Dự án được hưởng một số ưu đãi đặc thù:

+ Hỗ trợ toàn bộ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị và áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với hoạt động mua sắm thiết bị.

+ Giá bán nước được đề xuất khởi điểm từ năm 2015 là 9.500 đồng/m3 (chưa bao gồm VAT).

Bộ Xây dựng đã chủ trì tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 6034/VPCP-KTN, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi hiện hành đối với các dự án tương tự, không đề ra cơ chế chính sách riêng.

Ngày 18/11/2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 22/BXD-HTKT gửi JICA về các nội dung tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương liên quan, không đồng ý các điều kiện như: Bảo lãnh của Chính phủ về hợp đồng BOT, hợp đồng tiêu thụ nước, cơ chế ngoại hối, giải ngân khoản vay bắt buộc từ VDB...

Với những khác biệt ấy, phía Nhật Bản đã dừng việc tham gia dự án.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã "thai nghén" từ 2011 với số vốn dự kiến đầu tư lên tới hơn 7000 tỷ đồng nhưng không thực hiện được. Tới năm 2016 mới có nhà đầu tư dự án này. ảnh: QT.

7 năm sau, nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành: Nước uống được tại vòi, chi phí giảm hơn 2.000 tỷ đồng

Mặc dù dự án không thể tiếp tục triển khai, nhưng do yêu cầu đáp ứng nhu cầu nước sạch cho Thành phố Hà Nội theo quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có trách nhiệm xác định chủ đầu tư mới, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư khác và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện dự án. Kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 264/TTG-KTN ngày 28/2/2014.


Hà Nội có quyết tâm làm cho ra lẽ vụ nước ăn uống của dân bị nhiễm dầu?

Ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-TTg về danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong đó có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Hai năm sau mới có các nhà đầu tư tư nhân (cả Việt Nam và nước ngoài) quan tâm tới dự án này. Đến ngày 3/6/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, công suất 300.000 m3/ngày đêm tại Quyết định số 2869/QĐ-UBND, tổng mức đầu tư của dự ánlà4.998 tỷ đồng.

Như vậy, ngay từ đầu Hà Nội đã thành công trong việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã khẳng định tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 15/11/2019. Cụ thể:

+ So với thời điểm năm 2013 thì dự án đã được triển khai với tổng mức đầu tư giảm hơn 2.000 tỷ đồng.

+ Nhà máy được đội ngũ chuyên gia của Đức và Áo lắp đặt các thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay có nguồn gốc chủ yếu từ châu Âu cho ra chất lượng nước uống ngay tại vòi (vượt trội so với Nhật Bản).

+ Trong chi phí đầu tư này, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã xây dựng được hơn 80km tuyến ống truyền tải, đảm bảo cung cấp nước ổn định cho tới tận cuối nguồn - ở những điểm rất xa như khu vực Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội). Đây là điểm khác biệt rất lớn, vì tại dự án mà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia năm 2013 thì mức đầu tư lên tới hơn 7.203 tỷ đồng mà vẫn không có tuyến ống truyền tải này.

+ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống chủ động kinh phí thỏa thuận xử lý mặt bằng trên cơ sở hỗ trợ thủ tục từ các cơ quan chức năng, chứ không đẩy gánh nặng tài chính về phía thành phố. Đây cũng là điểm khác biệt lớn, vì dự án năm 2013 mà phía doanh nghiệp Nhật Bản tham gia, yêu cầu Thành phố Hà Nội giải phóng mặt bằng.

Toàn bộ quá trình triển khai dự án được tuân thủ đúng quy định của pháp luật (Quyết định chủ trương, Phê duyệt tổng mặt bằng, Thỏa thuận dịch vụ cấp nước, Văn bản chấp thuận giá bán nước, Quyết định thuê đất, giấy phép xây dựng và các Thỏa thuận với các cơ quan quản lý nhà nước,…), trong đó phải kể tới Nghị địnhsố 117/2007/NĐ-CP ngày 117/7/2011 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT_BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tài Chính – Bộ Xây dựng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tài Chính - Bộ Xây dựng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hệ thống kỹ thuật hiện đại tại Nhà máy nước mặt sông Đuống được tư vấn và lắp đặt bởi đội ngũ kỹ sư giỏi của Đức và Áo, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào và chất lượng đầu ra, đảm bảo người dân được dùng nước sạch thật sự. ảnh: LM.

Vì sao giá nước tạm tính là 10.246 đồng/m3? Vì sao thành phố bù giá?

Ngày 6/7/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có văn bản số 3310/UBND-KT chấp thuận giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, chưa bao gồm thuế VAT (trên cơ sở tờ trình số 4158/TTLS: TC-XD ngày 30/6/2017 của Liên Sở: Tài Chính – Xây dựng) và Giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống.

Ngày 28/11/2017, Sở Xây dựng và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã ký Thỏa thuận dịch vụ cấp nước số 01/TTTHDVCN-SXD-NMSĐ. Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì “Thoả thuận này là văn bản pháp lý được ký giữa UBND Thành phố hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị cấp nước để ràng buộc quyền hạn và nghĩa vụ của hai bên trong việc bảo đảm dịch vụ cấp nước an toàn và hài hòa quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, cộng đồng”.

Như vậy, Bên A (Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)có trách nhiệm đảm bảo vùng cấp nước và sản lượng cung cấp nước theo như đã thỏa thuận với các đơn vị cấp nước của thành phố và xem xét việc hỗ trợ bù giá nướccho Bên B (nhà đầu tư) để có cơ sở hoàn thành, đảm bảo việc cung cấp nước sạch được ổn định, an toàn, bền vững cho các khách hàng, người dân, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo quy định hiện hành.


Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ có biện pháp tích cực xử lý nguồn nước

Giá nước sạch tạm tính phê duyệt tại văn bản số 3310/UBND-KT ngày 6/7/2017 là văn bản pháp lý để triển khai thực hiện và đã được ngân hàng tổ chức thẩm định cho vay, đảm bảo dòng tiền, tính khả thi của dự án.

Đồng thời đây cũng là cơ sở để nhà đầu tư đáp ứng chất lượng và tiến độ hoàn thành dự ántheo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm kịp thời bổ sung nguồn nước sạch đang thiếu hụt cho nhân dân.

Để có cơ sở Nhà máy nước mặt sông Đuống vận hành đi vào hoạt động sau khi hoàn thành trước phân kỳ I, công suất 150.000 m3/ngày đêm vào tháng 10/2018, ngày 9/1/2019, Tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Thông báo kết luận số 28/TB-UBND ngày 9/1/2019 về việc chấp thuận đề xuất của Liên ngành: Sở Tài Chính - Sở Xây dựng - Công ty TNHH Một Thành viên nước sạch Hà Nội - Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội - Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống về việc tạm thời cấp bù kinh phí khi dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động.

Theo đó tạm thời thanh toán chi phí thiết yếu là: 8.871,17 đồng/m3; chấp thuận giá bán buôn của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho 2 đơn vị lưu thông là: 7.700đ/m3 (chưa bao gồm VAT), cấp bù cho cả đơn vị sản xuất và lưu thông.

Ngày 18/4/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4581/BTC-QLG trả lời Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về vướng mắc trong xây dựng phương án giá đối với Nhà máy nước mặt sông Đuống, trong đó đồng ý với nguyên tắc xác định mức giá tạm tính mà Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề xuất tại văn bản số 293/UBND-KT ngày 21/1/2019, việc xem xét, thực hiện cấp bù theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Như vậy việc cấp bù cho cả đơn vị sản xuất và lưu thông đã được thể hiện rõ trong các Nghị định của Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Tài chính và chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Việc trợ giá thực hiện tương tự như đã áp dụng cho các nhà đầu tư đã triển khai trước đó như:

+ Quyết định số 2131/QĐ-UBND ngày 13/5/2010 về phê duyệt giá mua nước sạch và phương án trợ giá tạm thời cho Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Nhà máy nước sông Đà - đơn vị bán buôn);

+ Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 13/5/2010 về phê duyệt chi phí lưu thông nước sạch và phương án trợ giá tạm thời cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO) – đơn vị lưu thông;

+ Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 18/2/2014 về phê duyệt giá thành sản xuất, giá bán buôn và phương án bù giá cho Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Nhà máy nước sông Đà - đơn vị bán buôn).

(Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng các hình thức khác nhau để triển khai dự án nước sạch, tất cả đều vì mục tiêu phục vụ đời sống nhân dân).

Thật khó có thể tưởng tượng được là tại Thủ đô mà người dân lại khốn đốn, phải xếp hàng nhận nước trong đêm vì không thể sử dụng nước nhiễm dầu thải từ Nhà máy nước sông Đà. Cho đến nay, Hà Nội chưa công bố cho dân biết vì sao dầu thải lọt ra hệ thống kỹ thuật của nhà máy này? Hệ thống kỹ thuật quá kém hay đã bị cắt bớt? ảnh: ND.

Thế lực nào đứng sau các thông tin thất thiệt, sai lệch? 

Đây là câu hỏi mà Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cần phải làm rõ, thậm chí nếu thấy cần thiết phải đề nghị cơ quan điều tra và các cơ quan khác vào cuộc tìm ra những đối tượng nào đang có chủ ý tung tin sai lệch làm rối loạn dư luận, giảm uy tín của chính quyền vào một dự án đang được triển khai tốt, chất lượng nước tốt nhất Việt Nam hiện nay.

Quan điểm khác nhau trước một vấn đề là chuyện hết sức bình thường, nhưng quan điểm ấy phải dựa trên các căn cứ có thật (chính xác) – khác biệt hoàn toàn với thông tin cố ý gây rối loạn dư luận. Cụ thể, có những người cố ý so sánh giá bán của Nhà máy nước sạch sông Đuống với giá thành sản xuất nước ngầm (chi phí thấp, đã hết khấu hao hoặc một số dự án thực hiện theo vốn ODA không hoàn lại); So sánh với giá thành sản xuất của nhà máy nước mặt đã hết chi phí khấu hao và lãi vay.


Viwasupco, hồ Đầm Bài và sự mập mờ Nước sạch sông Đà

Từ những dấu hiệu bất thường ấy, câu hỏi đặt ra là: Ai, thế lực nào đang tung những thông tin sai lệch một cách cố ý làm rối nhiễu về nước sạch? Những thông tin thất thiệt này nhằm mục đích gì?

Ngoài ra, đã gần 2 tháng trôi qua từ khi xảy ra vụ việc Nhà máy nước sông Đà cung cấp nước nhiễm dầu thải làm đảo lộn đời sống của hàng nghìn gia đình, chính quyền Thành phố Hà Nội đã có hành động nhưng chưa đủ mạnh để làm rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco): Vì sao dầu thải lọt được qua hệ thống kỹ thuật và tới tận nhà dân? Cho tới nay chưa có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này, chẳng lẽ lại "chìm xuồng"?

Nhiều chuyên gia và Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng yêu cầu phải nghiêm túc xem xét sự vô cảm ấy rất có thể sẽ dẫn tới những hậu quả khủng khiếp cho hàng triệu người dân vào một ngày không xa.

Nếu Hà Nội không đủ quyết liệt để yêu cầu một cuộc tổng kiểm tra chất lượng toàn bộ các nhà máy nước, cần phải có yêu cầu từ Quốc hội và Chính phủ.

Bài học nước nhiễm dầu thải vẫn còn nguyên tính thời sự (chưa được giải quyết triệt để) và không có gì đảm bảo chắc chắn rằng điều này không lặp lại thêm một lần hoặc nhiều lần nữa.

Trước khi bàn tới chuyện phát triển kinh tế hay bất kỳ vấn đề nào khác, các nhà lãnh đạo thực sự có tâm cần phải hành động vì sức khỏe của hàng triệu người dân và nhiều thế hệ tương lai của dân tộc.

Kiến Văn

 

Khi nước thải từ trang trại lợn cách chỗ cấp nước sinh hoạt vài km

Cùng 1 đoạn sông có thể vừa dùng để tưới tiêu, vừa dùng cho giao thông lại vừa phục vụ ăn uống. An ninh nguồn ...

Nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội: Bao giờ dân có “nước sạch” thực sự?

Mọi việc đang dần được sáng rõ. Nhưng câu hỏi cần trả lời nhất bây giờ là khi nào người dân có "nước sạch" đúng ...

Vụ nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội: Bức xúc không giới hạn!

Qua sự việc này, cũng nên đặt ra vấn đề về quản lý đối với các công ty, tổ chức kinh doanh các mặt hàng ...

Các công ty nước sinh hoạt và cuộc đua nghìn tỉ

Với lợi nhuận sau thuế hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, kinh doanh nước sinh hoạt đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. ...

/ giaoduc.net.vn