Nếu em rể và em gái tôi có ba ngày về thăm ông bà, đó là một điều kỳ diệu với các cụ. Đã ba năm qua, mỗi năm ông bà chỉ được gặp cháu một lần.

Nếu em rể và em gái tôi có ba ngày về thăm ông bà, đó là một điều kỳ diệu với các cụ. Đã ba năm qua, mỗi năm ông bà chỉ được gặp cháu một lần.

Em mới sinh cháu thứ hai bên Nhật, bố mẹ tôi mới chỉ biết mặt cháu qua Skype. Mẹ hay mong "giá đủ sức khỏe để sang chơi với chúng nó" mà bà thì đang đau dạ dày và xương khớp.

Bố tôi đã 74. Tôi thường không dám nhắc tới em gái trước mặt bố mẹ. Các em tôi đã xa xứ ba năm. Sợi dây với người thân mỗi năm như càng mảnh lại.

Tôi sang thăm họ vào mùa thu năm ngoái, một thị trấn nhỏ cách Tokyo hai giờ tàu. Căn hộ của hai vợ chồng tiện nghi hơn nhiều ở Việt Nam, nhìn ra một công viên quyến rũ với cây xanh và hồ nước, có rất nhiều hoa trà đủ màu sắc. Con gái đầu bốn tuổi được đi học gần nhà, có xe bus đón. Vợ chồng đều có việc tốt, lương cao gấp ba lần ở Hà Nội. Thực phẩm tươi ngon, môi trường sạch sẽ, hàng hóa không thiếu thứ gì. Song tất cả chỉ đem lại phấn khích cho tôi được vài phút.

Ngày thường, em rể tôi đi làm từ sáng sớm tới đêm, hầu như không nói chuyện được với con gái vì lúc đó nó chưa dậy hoặc đã ngủ rồi. Ngày nghỉ, vợ chồng chỉ chơi với con, cho đi công viên hoặc siêu thị, nói chuyện qua Skype với họ hàng ở Việt Nam. Gia đình em không có bạn bè ở xứ người.

Tiễn chúng tôi ra sân ga, cháu gái bám lấy cả gia đình khiến tôi không nỡ rời đi. "Cuộc sống của bọn em buồn quá", tôi nói. Hai vợ chồng đều thừa nhận "chúng em cũng có cảm giác không thuộc về nơi này mặc dù mọi thứ đều tuyệt vời, ngoại trừ sự kết nối giữa người với người". Cháu gái khóc òa khi chúng tôi lên tàu. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi bàn tay nhỏ xíu của nó giơ lên qua cửa kính đến tận khi các thành viên trong gia đình bác nó khuất sau cánh cửa nhà ga. Trên tàu về Tokyo, tôi nhận tin em rể nhắn: "Cháu cứ đòi: con muốn về Việt Nam".

Đó là một lý do khiến tôi luôn băn khoăn, liệu Việt Nam có nên thiết kế văn hóa làm việc giống Nhật Bản hay không. Dù ngưỡng mộ nước Nhật ở rất nhiều điểm, nhưng tôi rất sợ khi công việc lấn át hầu hết mọi nhu cầu khác để con người có cuộc sống cân bằng và lành mạnh.

Khi trao đổi với một số đồng nghiệp về đề xuất tăng thêm ba ngày nghỉ trong năm, giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ mỗi tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tôi đã bày tỏ quan điểm: với tôi, thêm ba ngày nghỉ là thay đổi lớn và tích cực với một số nhóm lao động, tăng công bằng và bình đẳng về số giờ làm việc giữa lao động khu vực công và tư.

Tổng số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam là hơn 54 triệu người. Trong đó, nhóm lao động làm công ăn lương ở khu vực chính thức chiếm 43%. Khoảng 25% trong 43% này, gần 6 triệu người, là nhóm hưởng lợi nhiều nhất bởi thay đổi trên. Đó là những người đang làm trong khu vực nhà nước, cung cấp các dịch vụ công như giáo viên, bác sĩ, công an, bộ đội, công chức... họ sẽ được hưởng lợi thêm ba ngày nghỉ và nhận nguyên lương.

Nhóm thứ hai hưởng lợi từ thay đổi này là những người làm việc toàn thời gian, được đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ khác trong các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ Luật Lao động. Phần lớn họ là những lao động giản đơn, tay nghề không cao và thường phải làm thêm, tăng ca để tăng thu nhập hoặc do sức ép của chủ doanh nghiệp. Những lao động này sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái họ - chính là nguồn lực con người của Việt Nam trong tương lai.

Ở đây, một nhóm doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bất lợi khi lao động được giảm giờ làm. Công ty sẽ phải trả thêm chi phí, 200% tiền lương cho những giờ làm thêm của người lao động, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trừ một số ít doanh nghiệp đặc thù, hầu hết sẽ không bị tác động lớn. Chi phí cho nhân công bình quân của doanh nghiệp chỉ chiếm 20% đến 30% tổng chi phí, theo điều tra của Tổng cục Thống kê.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và sự gia tăng không ngừng số giờ làm việc trên một lao động. Người lao động Việt Nam trong những năm qua đã phải đánh đổi giữa thu nhập và thời gian làm việc. Tổng giờ làm việc bình quân mỗi lao động một năm đã không ngừng tăng lên và thuộc hàng cao nhất thế giới, khoảng 2.320 giờ.

Giờ làm việc bình quân của Việt Nam cao hơn hơn nhiều so với các quốc gia châu Á: cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, hơn Singapore 176 giờ. Hà Nội là thành phố đứng thứ hai thế giới về lao động có số giờ làm việc nhiều nhất.

Số ngày nghỉ bình quân của tất cả các nước trên thế giới là 29 ngày mỗi năm. Chúng ta hiện chỉ có 22 ngày, đứng thứ 109/145 nước. Nếu tăng thêm ba ngày nghỉ, Việt Nam cũng chỉ tăng có 5 bậc trong danh sách.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước đã bắt lao động làm việc cả 6 ngày trong tuần ở khu vực tư nhân và 5,5 ngày ở khu vực nhà nước. Chúng ta không phải là một đất nước thiếu lao động, việc có thêm ba ngày nghỉ trong năm cũng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế.

Tác động tiêu cực về mặt xã hội có thể xảy ra ở đây là các vấn đề về mặt sức khỏe do tiêu dùng rượu bia qúa mức, trật tự xã hội, tai nạn giao thông gia tăng trong những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, việc có thêm ngày nghỉ cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sức cầu với các dịch vụ du lịch, thương mại, giải trí. Nhóm lao động khác được hưởng lợi gián tiếp là nhóm làm việc trong khu vực phi chính thức.

Khó có thể nói rằng việc tăng thêm số ngày nghỉ sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi đã sử dụng số liệu các quốc gia để xem xét mối liên hệ giữa số ngày nghỉ và GDP bình quân đầu người, và không thấy có tương quan rõ ràng của hai chỉ tiêu này. Điều đó cũng có nghĩa là số ngày nghỉ quốc gia nhiều hay ít cũng không liên quan đến việc quốc gia đó giàu hay nghèo.

Bên cạnh đó, việc giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ mỗi tuần cũng là thay đổi hợp lý. Bởi số giờ làm việc trên một lao động ở Việt Nam đã đến ngưỡng, không có dư địa để tăng thêm. Còn nếu muốn duy trì tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, chính phủ phải xem xét lại năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc, cải thiện thái độ và trách nhiệm với công việc của người lao động hơn là việc gia tăng cơ học số giờ làm việc.

Phùng Đức Tùng

them ba ngay nghi Nghèo không nên nghỉ nhiều
them ba ngay nghi "Thêm 3 ngày nghỉ, lao động nghèo lấy đâu tiền đi chơi"
them ba ngay nghi Anh tranh cãi vì ý tưởng tăng ngày nghỉ lễ
them ba ngay nghi Đề xuất thêm 3 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9
them ba ngay nghi Số ngày nghỉ lễ của Việt Nam bằng 1/3 Campuchia

/ vnexpress.net