Cuốn sách viết trên lá cây đã có từ hàng trăm năm nay. Sách viết về sự tích anh hùng Thạo Nhi có xuất xứ từ Lào hiện đang được một cao niên ở huyện Kỳ Sơn lưu giữ.

them mot cuon sach co viet tren la cay duoc phat hien o nghe an
Ông Lương Xeo Coóng mô tả về cuốn sách cổ cho PV. Ảnh: Hồ Phương

Ông Lương Xeo Coóng 82 tuổi ở bản Kèo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hiện đang sở hữu một cuốn sách cổ viết trên lá cây. Sách có bìa bằng gỗ, chạm trổ hoa văn đã lên nước bóng loáng. Cuốn sách đặc biệt này có ruột sách gồm 88 trang kết bằng lá cây ghi chi chít một loại chữ Sanscrit, một hệ chữ trong tiếng Lào. Cuốn sách đặc biệt này dài gần 30cm. Bề rộng và ngang khoảng 4cm.

Theo ông Coóng thì cuốn sách viết bằng tiếng Lào. Hệ chữ hiện không còn phổ biến ngay cả với người Lào. Trước đây nó chủ yếu được dùng dưới thời vương quốc Luang Phabang. Có khác biệt so với chữ Lào hiện đại.

Ông Coóng cho biết bản thân từng được học về hệ chữ Lào cổ và có thể đọc nội dung trong sách. Sách ghi sự tích về Thạo Nhi, một nhân vật anh hùng trong cổ tích dân gian của người Lào.

them mot cuon sach co viet tren la cay duoc phat hien o nghe an
Cuốn sách cổ có 88 trang. Ảnh: Hữu Vi

Sự tích kể rằng Thạo Nhi có một mơ ước quái dị muốn có người nướng một cục xôi lớn bằng mảnh ruộng cho mình chỉ việc nằm mà ngấu nghiến ăn. Anh bị cha mẹ đánh đuổi vì cho là điên rồ. Lớn lên sẽ thành ác đạo. Chỉ có ông bác là nhận nuôi vì nghĩ Thạo Nhi là người có chí lớn. Ông bác còn trao cho anh con trâu bằng bạc. Trâu phóng uế ra phân bằng bạc.

Anh nghe tin ở mường nọ có con gà trống có tiếng gáy vang như sấm. Đôi cánh vỗ làm nên vũ bão. Mỗi khi gà gáy là trời liền đổ mưa vàng nên cư dân ở đó giàu có khôn kể. Bằng tài năng của mình, Thạo Nhi đã chiếm được con gà vàng. Có cả trâu bạc và gà vàng, anh được suy tôn làm vua. Sau khi chinh phục được 8 người đẹp ở khắp các mường và cưới làm vợ, Thạo Nhi liền trở về báo hiếu ông bác, người đã nuôi dưỡng mình, lại còn ban cho con trâu bằng bạc

Theo ông Coóng thì cuốn sách được truyền từ thân phụ của ông, một người có gốc gác từ Lào. Người cha sau đó truyền lại cho anh của ông Coóng đã sống gần trăm tuổi. Cách đây ít lâu, người anh truyền lại cho ông để cất giữ như là một vật gia bảo của dòng họ.

“Có người trả đến 5 triệu rồi nhưng tôi không bán” - ông Lương Xeo Coóng cho biết.

them mot cuon sach co viet tren la cay duoc phat hien o nghe an
Chữ viết trên cuốn sách cổ được xác định là chữ của người Lào cổ. Ảnh: Hồ Phương

Như Báo Nghệ An đã từ phản ánh, hiện có một số cuốn sách cổ viết trên lá cây vẫn còn được người dân ở huyện Kỳ Sơn lưu giữ. Các văn tự này đều là chữ Lào do các cao niên người Thái Khăng lưu giữ. Họ có gốc gác từ Lào, sinh sống ở lãnh thổ Việt Nam từ khoảng 100 năm nay.

(http://www.baonghean.vn/mien-tay-nghe-an/201709/them-mot-cuon-sach-co-viet-tren-la-cay-duoc-phat-hien-o-nghe-an-2841916/)

Báo Nghệ An